Xu hướng những khu vực giàu có muốn tách khỏi những nền kinh tế đang suy yếu tiếp tục diễn ra tại nhiều nước châu Âu.
Trong lúc cuộc trưng cầu dân ý của Crimea liên tục chiếm lĩnh trang nhất các tờ báo trên thế giới, những phong trào tương tự đang âm thầm diễn ra tại các nước Tây Âu. Vào thời buổi kinh tế toàn cầu tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm, một số khu vực phồn vinh hơn của nhiều quốc gia đang muốn thoát khỏi con tàu đang chìm dần. Mới đây nhất, cư dân thành phố Venice và vùng phụ cận (thuộc vùng Veneto) đang tham gia cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 5 ngày, bắt đầu từ 16.3, để quyết định liệu có nên tách khỏi nước Ý và khôi phục lại cái tên CH Venice (697- 1797).
Bỏ phiếu trên mạng cho CH Veneto
Theo AFP, cuộc bỏ phiếu trên mạng, do các đảng độc lập địa phương tổ chức, không có tính ràng buộc về pháp lý, mà thay vào đó nhằm thu hút ủng hộ cho dự luật kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý chính thức về tương lai của Veneto, một trong những vùng lớn nhất và giàu nhất của Ý, với dân số hơn 5 triệu người. Nếu thành công, những người tổ chức dự định đặt tên mới là CH Veneto, dựa trên cái tên CH Venice, vốn từng là một thế lực thương mại, kinh tế giàu có và là cái nôi văn hóa kéo dài cả ngàn năm trước khi bị Napoleon Bonaparte chiếm đóng hồi cuối thế kỷ 18. Đảng Veneto Độc lập, phía bảo trợ dự luật trên, cho hay nguyên nhân làm bùng nổ phong trào ly khai tại Venice là do chính phủ không thể đẩy lui nạn tham nhũng, bất lực trong việc bảo vệ người dân trước tình trạng kinh tế suy thoái và thậm chí không thể xử lý được chuyện rác rến tràn ngập ở miền nam.
Theo thống kê, Veneto nộp khoảng 71 tỉ euro (khoảng 98 tỉ USD) tiền thuế cho Rome. Các kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, trong số 3,8 triệu cử tri tại vùng Veneto, khoảng 65% muốn được độc lập khỏi Ý, theo RT. Bất chấp những ý kiến phản đối chuyện ly khai bằng cách viện dẫn lý do vi hiến, Tỉnh trưởng Veneto Luca Zaia cho rằng viễn cảnh này vẫn là một sự lựa chọn theo luật quốc tế, theo tờ Liberoquotidiano. Ông Zaia nhấn mạnh người Veneto sẽ theo dõi sát sao các phong trào độc lập ở Scotland (Anh) với cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào tháng 9, và Catalonia ở Tây Ban Nha. “Nếu Barcelona (1 trong 4 tỉnh thuộc Catalonia) độc lập, Veneto có thể áp dụng cùng một phương pháp… Chúng tôi đã rất lễ phép gõ vào cánh cửa của chế độ liên bang nhưng nó vẫn khóa kín. Giờ đây chúng tôi sẽ phải phá cửa”, theo AFP dẫn lời ông Zaia.
Catalonia và Scotland
Vào đầu năm nay, các thành viên của Nghị viện Catalonia (vùng tự trị của Tây Ban Nha) đã tổ chức bỏ phiếu để quyết định có nên tự tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha hay không. Trong khi đó, EU cũng sẽ theo dõi sát sao diễn biến cuộc bầu cử vào tháng 5 tại Bỉ, thời điểm khu vực nói tiếng Hà Lan sẽ thúc đẩy quyền tự trị lớn hơn nữa, còn Scotland chuẩn bị tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tương tự để tách khỏi Anh vào ngày 18.9 tới.
Reuters dẫn kết quả bỏ phiếu vào ngày 16.1 cho thấy Nghị viện Catalonia đã thông qua nghị quyết chuyển kiến nghị tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của vùng này lên quốc hội ở Madrid. Catalonia là một trong những vùng thịnh vượng nhất nước, đóng góp 1/5 trong tổng số GDP của Tây Ban Nha là 1.100 tỉ euro (khoảng 1.500 tỉ USD), và do vậy cũng là vùng đóng thuế nhiều nhất (21% tổng số thuế phải nộp trên toàn quốc). Trong khi đó, dân số của vùng vào khoảng 7,5 triệu người, nhiều hơn cả dân số Đan Mạch, Ireland hoặc Phần Lan.
Nếu Catalonia nắm vị thế kinh tế quan trọng đối với Tây Ban Nha, Scotland lại là khu vực nối liền phần còn lại của nước Anh với các giếng dầu Biển Bắc (hiện chiếm 16% GDP của Scotland). Bất chấp cảnh báo từ chính phủ Anh về tương lai mờ mịt trong trường hợp độc lập, giới phân tích tài chính cho rằng viễn cảnh kinh tế của Scotland sẽ khả quan hơn dự kiến, theo tờ The Guardian. Phía Scotland cho rằng chỉ tính riêng dầu khí tại Biển Bắc cũng đủ cho khu vực này tồn tại mà không cần chính quyền London. Ước tính giá trị dầu mỏ và khí đốt Biển Bắc vào khoảng gần 2.500 tỉ USD, theo UPI.
Thụy Miên