Ngư dân ở Masinloc (tỉnh Zambales, Philippines) từng đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scaborough nhiều năm.
“Cách đây khoảng ba năm, các tàu cá Trung Quốc đi cùng với các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đẩy ngư dân ở đây ra khỏi những khu vực có cá,” Ông Ruperto C. Apilado, lãnh đạo ngư dân tỉnh Zambales nói với BBC Tiếng Việt.
Ngư dân địa phương nói tàu của họ chịu sự “quấy rối” khi đánh cá.
“Tôi đã đánh cá ở đây từ khi bảy tuổi và cá ở Scaborough rất nhiều, chúng tôi vẫn thường vào đó đánh bắt. Nhưng giờ không ai có thể vào đó nữa. Nếu đi vào, tàu cảnh sát biển Trung Quốc sẽ bắt nạt và đuổi ra,” ông Leonardo N. Cuaresma, một ngư dân ở Masinloc nói.
Masinloc nằm trong “tâm” của tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Philippines, vì tỉnh của họ cách bãi cạn Scaborough khoảng 230km và là địa phương gần nhất để đi tàu ra bãi cạn.
“Ngư dân ở Zambales chủ yếu là thợ lặn, chúng tôi cần lặn xuống những khu vực có cá nhưng giờ không thể được nữa. Tàu Trung Quốc đuổi tàu của ngư dân ở đây, bắt nạt, đụng vào tàu và không cho chúng tôi vào các nơi có cá. Ở bãi cạn Scaborough ngư dân cũng bị như vậy,” ông Apilado mô tả tình trạng của những làng đánh cá ven biển gần đó.
Cuộc biểu tình ngày 22/6 có gần 100 ngư dân kéo về tham dự. Những người đứng đầu hội nghề cá có mặt từ rất sớm, mang theo nhiều khẩu hiệu “Đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc”; “Trung Quốc: Tôn trọng chủ quyền của Philippines”; “Trung Quốc ngừng lại! Trung Quốc đang cải tạo đảo trong lãnh thổ Philippines”.
‘Không muốn chiến tranh’
Nhiều người trông đợi phán quyết của Toà trọng tài The Hague với nhiều tự tin phiên toà sẽ đứng về phía Philippines trong tranh chấp ở khu vực này.
Thủ lĩnh của nhóm ngư dân ông Apilado nói “hi vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng phán quyết của toà án” và “không muốn chiến tranh xảy ra”.
Một trong những lãnh đạo cuộc biểu tình từ Phong trào Thanh niên vì Biển Tây Philippines (NYMWPS), ông Gerald Miranda nói với BBC: “Từ thời thuộc địa, đã có nhiều ngư dân đánh cá ở đây, đánh cá cho gia đình. Đó là lí do chúng tôi tổ chức biểu tình ở đây.”
“Chúng tôi không biết liệu Trung Quốc có nhận ra hay chấp nhận phán quyết của toà trọng tài hay không. Nếu trong trường hợp Trung Quốc không chấp nhận và tiếp tục quấy rầy ngư dân của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, đưa thông tin lan truyền đi trên mạng xã hội và chúng tôi sẽ ủng hộ mọi phong trào dành cho ngư dân, cho gia đình và sinh kế của họ.”
Ngư dân địa phương tuần hành ra bờ biển với các lãnh đạo phong trào về biển đảo Philippines.
Cựu nghị sĩ, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez đi cùng một đoàn motor từ Manila đến tham dự tuần hành.
Được hộ tống bởi những chiếc motor có gắn biểu ngữ về chủ quyền, ông Roilo Golez phát biểu trước dân địa phương: “Giờ đây chúng tôi trông đợi toà trọng tài sẽ ra phán quyết sớm.”
Ông Golez nói với BBC: “Nói chung chúng tôi mong đợi phán quyết sẽ có lợi thế cho Philippines, và chúng tôi phải chuẩn bị cho sự kiện này.Tôi hoàn toàn ủng hộ tổng thống mới của chúng tôi ông Duterte, và chúng tôi có thể cho một cơ hội khoảng hai năm để phán quyết được thực thi.”
“Liệu Trung Quốc có tôn trọng phán quyết hay không? Liệu phán quyết có phát huy hiệu quả không? Và các quốc gia khác sẽ ra áp lực gì, đặc biệt là EU, khối G7, các nước như Hoa Kỳ, Úc, Việt Nam hay Ấn Độ, để có thể có hành động đáp trả nếu Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài?”
“Chúng tôi hi vọng các áp lực quốc tế sẽ khiến Trung Quốc điều chỉnh, có lẽ không được đến 100% nhưng chúng tôi hi vọng họ sẽ điều chỉnh và tôn trọng vùng biển Tây Philippines của chúng tôi. Bãi cạn Scaborough là của chúng tôi,” ông Golez nói trước hơn 100 người tham gia cuộc biểu tình.
Trong khi đó một nhóm các nhà hoạt động trẻ của Philippines vừa thực hiện một chuyến đi bằng tàu cá ra Bãi cạn Scarborough/bãi Hoàng Nham để thách thức sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại khu vực này.
Nhóm Kalayaan Atin Ito, thực hiện chuyến đi vào 12/6/2016, đúng ngày Độc Lập của nước này. nhằm gửi đi một thông điệp về chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn. Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt tại Manila, trưởng nhóm Vera Joy Ban-eg nói chiếc tàu cá họ bị nhiều ca-nô và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc vây và quấy rối khi họ tiếp cận khu vực bãi cạn.
Bà Vera Ban-eg nói nhóm của họ mang theo cờ Philippines và năm thành viên trong nhóm đã quyết định “bơi vào bãi cạn vẫy cờ” khi bị bủa vây. “Chúng tôi sẽ tiếp tục các chuyến đi ra những nơi có tranh chấp để thể hiện với những người lính của chúng tôi rằng chúng tôi ủng hộ họ và rằng chúng tôi thực sự thấu hiểu tầm quan trọng của nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ quốc gia,” bà Vera Ban-eg nói.