Bất động sản Việt Nam đóng băng nặng nề trong năm 2012

Thị trường bất động sản Việt Nam đã rơi vào bế tắc trong vòng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2012, và đến giờ vẫn không có tin hiệu phục hồi trong năm tới, hãng thông tấn Tân Hoa Xã nhận xét.

“Nếu chính phủ không can thiệp hợp lý và kịp thời, thị trường bất động sản sẽ còn thiệt hại nặng hơn nữa,” một giám đốc công ty bất động sản giấu tên nói với Tân Hoa Xã.

Vị giám đốc này đã từng làm việc trong một công ty bất động sản và môi giới từ năm 1989. Đã từng có thời điểm công ty này có đến 600 nhân viên, nhưng cho đến bây giờ chỉ còn lại 60.

“Tôi phải giảm số lượng nhân viên xuống mức thấp nhất có thể để giúp cải thiện ngân sách trong tình hình gay go và môi trường cạnh tranh hiện nay,” vị giám đốc này nói.

Ông cho biết, trong năm 2012, mức thưởng nhân viên của công ty chỉ bằng một tháng lương, so với ba tháng lương như những năm trước.

“Tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Những năm trước lợi nhuận có thể lên đến 200 tỷ đồng/năm. Con số bây giờ chỉ bằng một phần mười như vậy,” ông nói.

Nguy cơ vỡ bong bóng

Trong bối cảnh u ám của kinh tế trong nước, các kênh đầu tư trong đó có thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ bị ảnh hưởng

Lê Đạt Chí, chủ nhiệm khoa Đầu tư Tài chính trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Một vài năm trước, ngành bất động sản được cho là hình thức kinh doanh tạo lợi nhuận tốt nhất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản đình trệ theo nền kinh tế, nhiều căn hộ và nhà bị tồn đọng trong lúc giới đầu tư bị thua lỗ.

Bất chấp việc nhà phải hạ giá xuống mức thấp kỷ lục, doanh số tiếp tục giảm.

Giá nhà ở Việt Nam đã từng nằm trong danh sách đắt nhất thế giới. Trong năm 2011, thu nhập người Việt Nam xếp thứ 120, trong khi giá nhà tại đây xếp thứ 20 trên toàn cầu.

Giới phân tích lo ngại rằng bong bóng bất động sản của Việt Nam sẽ vỡ nếu chính phủ nước này không tiến hành các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Một nhà phân tích cho rằng chính phủ Việt Nam có thể tung gói kích cầu để hỗ trợ những mảng chính của nền kinh tế, trong đó có bất động sản.

“Ngoài gói kích cầu, những chính sách, điều luật mềm dẻo hơn đối với ngành bất động sản cũng có thể giúp giới đầu tư hoạch định lại kế hoạch kinh doanh,” chuyên gia này nói. Người này cũng nói thêm việc hạ thuế thuê đất cho nhà đầu tư cũng là một bước đi quan trọng.

Theo ông này, việc sở hữu vốn dự trữ là một vấn đề lớn đối với giới đầu tư bất động sản, nhất là khi những người này phần lớn phải vay vốn từ ngân hàng để kinh doanh. Chỉ những người có vốn dự trữ đủ mạnh mới có thể tồn tại trong thời điểm hiện tại.

Nhu cầu từ thu nhập

Ngân hàng Nhà nước đã cắt lãi suất 6 lần trong năm nay

Ở Việt Nam hiện nay, loại nhà xã hội đang bán khá chạy vì các hộ thu nhập trung bình có thể đủ sức mua nhờ lãi suất thấp. Tuy nhiên điều này vẫn không đủ để giải quyết hàng tồn kho trong ngành bất động sản.

Nguyễn Khánh Phương, giám đốc một công ty chuyển khoản bất động sản ở Hà Nội, tự nhận mình là một người ‘may mắn’ trong phỏng vấn với Tân Hoa Xã, khi cho rằng doanh nghiệp của mình kinh doanh ‘tạm ổn’ trong năm nay, bất chấp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi phải tổ chức lại kế hoạch kinh doanh để thích nghi với sự bất ổn của thị trường và đáp ứng nhu cầu của người mua,” bà Phương nói.

“Khách hàng đến từ nhiều tầng lớp, với các mức thu nhập khác nhau, và chúng tôi phải cố gắng để đáp ứng tất cả mọi người.”

Hà My và chồng của cô là một trong những khách hàng của bà Phương, người đã mua một căn hộ cao cấp tại Golden Palace trong khu dự án mới mở ở Mỹ Đình, Hà Nội. Dự án này được dự định sẽ hoàn thành vào năm 2014.

Cặp vợ chồng độ tuổi 30 này hiện làm việc cho công ty nước ngoài hơn mười năm và căn hộ họ mua rộng khoảng 100 mét vuông.

Căn hộ, với giá 32 triệu đồng/mét vuông, được bán cho cặp vợ chồng này theo quy định 30% đặt cọc, 70% còn lại được trả lúc giao nhà.

“Những khách hàng của tôi, như My và chồng của cô là không hiếm. Họ mua nhà để ở nhờ vay tiền ngân hàng. Tôi hy vọng có thể bán thêm nhà, tuy nhiên tôi nghĩ thị trường bất động sản của Việt Nam chỉ có thể thực sự phục hồi trong năm 2014 và thực sự tăng trưởng trở lại trong năm 2015,” bà Phương nói.

Thống kê ảm đạm

Những thống kê chính thức cho thấy trong quý ba năm 2013, doanh thu của các doanh nghiệp có tên trên sàn chứng khoán giảm khoảng 20-25%, trong khi lợi nhuận thường niên giảm 35-40%.

Lê Đạt Chí, chủ nhiệm khoa Đầu tư Tài chính của trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nói trong bối cảnh bất lợi vì khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như các nguồn vốn hạn hẹp trong nước, giới đầu tư không thể hy vọng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nếu thiếu gói kích cầu tư chính phủ cho khu vực bất động sản.

“Trong bối cảnh u ám của kinh tế trong nước, các kênh đầu tư trong đó có thị trường chứng khoán và bất động sản sẽ bị ảnh hưởng,” ông nói.

BBC

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: