Israel không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng nước này không muốn bị lôi kéo vào cuộc nội chiến Syria nhưng cũng cảnh báo rằng sẽ không cho phép cái gọi là các vũ khí tinh vi “có khả năng thay đổi cục diện cuộc chơi” được chuyển tới tay nhóm Hezbollah ở Li Băng, một nhóm chiến binh Hồi giáo là đồng minh của chính quyền Syria.

Khói bốc lên từ một khu quân sự gần thủ đô Damascus, Syria được cho là do cuộc không kích của Israel.

Các quan chức quốc phòng Israel cho rằng Iran đã tăng cường vận chuyển vũ khí tới nhóm Hezbollah thông qua Syria, trong đó có các vũ khí như tên lửa tầm xa có độ chính xác cao. Điều đó có thể lí giải tại sao Israel đã tiến hành không kích vào Syria trong 2 ngày 3/5 và 5/5. Trước đó, máy bay Israel chỉ không kích Syria một lần vào hồi tháng 1.

Nhà phân tích Paul Salem của Trung tâm Trung Đông Carnegie ở Beirut, Li Băng cho rằng có lẽ Israel muốn gửi một thông điệp cứng rắn đối với hoạt động buôn lậu vũ khí. Ngoài ra, ông Salem cho rằng có vẻ như Israel cũng đang ngày càng lo ngại về việc các lực lượng Iran và Hezbollah đang chiến đấu sát cánh với các binh sĩ của ông Assad ở ngay sát biên giới Israel.

Quan điểm của Mỹ là gì?

Hôm 5/5, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng “Israel có lí do để lo ngại về mối đe dọa từ Hezbollah nếu nhóm này sở hữu các vũ khí tiên tiến trong đó có các tên lửa tầm xa”.

Tổng thống Barack Obama thì nói rằng Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Israel, ám chỉ rằng Washington không ngạc nhiên trước các cuộc không kích của Israel.

Đã từ lâu, Hoa Kỳ vẫn luôn cố gắng để không dính líu vào cuộc xung đột Syria do có lo ngại rằng các vũ khí từ các quốc gia bên ngoài cuối cùng sẽ rơi vào tay các nhóm có liên quan tới tổ chức Al Qaeda hoặc các nhóm cực đoan chiến đấu cùng lực lượng nổi dậy Syria. Tuy nhiên, vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Washington đang xem xét lại vấn đề tài trợ vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria.

Các cuộc không kích của Israel vào Syria cho thấy giữa ông Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có những điểm “vênh nhau” về nguy cơ của cuộc xung đột Syria.

Mối quan tâm chính của Israel là nhóm Hezbollah có thể sở hữu các vũ khí tân tiến.

Còn ông Obama thì cảnh báo rằng nếu chính quyền Syria sử dụng tới các loai vũ khí hóa học thì điều đó sẽ gây ra “những hậu quả khủng khiếp”. Đã có một số báo cáo cho rằng chính quyền của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học nhưng ông Obama nói rằng ông cần thêm bằng chứng nữa trước khi đưa ra quyết định cách thức đáp trả.

Các cuộc không kích có leo thang thành một cuộc chiến Trung Đông?

Có vẻ như Israel đang tính toán rằng Syria, nhóm Hezbollah hoặc Iran sẽ không tấn công trã đũa các cuộc không kích của nước này vào Syria.

Nếu cả 3 lực lượng trên làm như vậy, thì điều đó có nghĩa Syria sẽ phải chiến đấu ở thêm một mặt trận nữa bên cạnh mặt trận hiện nay với lực lượng nổi dậy. Còn nhóm Hezbollah thì có nguy cơ mất đi vị thế là nhóm thống lĩnh Li Băng về mặt quân sự và chính trị nếu Israel bị lôi kéo vào cuộc xung đột này.

Có vẻ như phản ứng của chính quyền Syria đối với các cuộc không kích của Israel khá yên ắng. Chính quyền Syria đã gọi các cuộc tấn công là “một hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế” và cảnh báo nước này có quyền “bảo vệ nhân dân mình bằng mọi phương tiện”.

Tuy nhiên, các quan chức Israel ra tín hiệu rằng nước này sẽ không dừng các hành động nhằm ngăn chặn các chuyến hàng vận chuyển vũ khí tới nhóm Hezbollah, có nghĩa là rất có khả năng Israel sẽ tiếp tục các cuộc không kích và leo thang quân sự.

Theo nhà phân tích Salman Shaikh của Trung tâm Brookings Doha ở Qatar, chính quyền Assad, nhóm Hezbollah và Iran đang ngày càng nhận định rằng cuộc xung đột Syria là một “trò chơi không đem lại lợi lộc gì”.

Liệu các cuộc không kích vừa qua của Israel có khơi mào một cuộc chiến Trung Đông mới?

Iran có vai trò gì?

Iran là “người chơi” có vai trò quan trọng do nước này ủng hộ chính quyền Assad và cung cấp vũ khí cho nhóm Hezbollah mặc dù hiện vẫn chưa rõ Tehran có vai trò như thế nào về mặt chiến thuật đối với cuộc xung đột Syria.

Các cố vấn Iran thuộc Lực lượng vệ binh cộng hòa được cho là đã “dính líu” tới lực lượng của nhóm Hezbollah và quân đội Syria. Tuy nhiên Iran vẫn giữ khoảng cách đối với chiến trường thực sự.

Hôm 5/5, Tướng Masoud Jazayeri, trợ lí của Tổng tham mưu quân đội Iran, phát biểu trên truyền hình rằng Tehran “sẽ không cho phép kẻ thù (Israel) làm tổn hại tới nền an ninh của khu vực” và rằng “sẽ hành động đáp trả lại hành động xâm lược Syria của Israel”.

Iran sẽ là lực lượng chính nếu có bất kỳ hành động nào nhằm trả đũa các cuộc không kích vừa qua của Israel nhưng nước này có vẻ không “hứng thú” với hành động đối đầu Israel. Mặc dù Iran vẫn cố gắng để gây ảnh hưởng trong khu vực và sử dụng lập trường chống Iran để đạt được điều đó nhưng nước này chưa bao giờ thực sự tấn công Nhà nước Do thái cả.

Không kích Israel có thay đổi cục diện xung đột Syria?

Cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad bắt đầu vào tháng 3 năm 2011 và nhanh chóng chuyển thành một cuộc nội chiến khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa. Hiện ông Assad và lực lượng nổi dậy vẫn đang ở thế giằng co và chưa bên nào có đủ sức đưa ra “đòn quyết định”.

Trong suốt 4 thập kỷ cai trị Syria, ông Assad và cha mình, ông Hafez, đã sử dụng lập trường chống Israel làm cơ sở cho tính hợp pháp của quyền lãnh đạo của mình mặc dù cả hai ông đều giữ khu vực biên giới với Israel luôn im ắng.

Nếu ông Assad không trả đũa các cuộc không kích vừa qua của Israel thì lập trường chống Israel của chính quyền ông sẽ mất đi tính thuyết phục. Và nhằm đánh lạc hướng dư luận, các quan chức chính quyền Syria đã lên tiếng cáo buộc các lực lượng đối lập ở nước này đã “hùa theo” Israel.

Trong tương lai, các cuộc không kích của Israel sẽ “xóa sổ” một số cơ sở quân sự then chốt của Syria. Các lực lượng nổi dậy cũng đã nắm dược một số căn cứ quân sự của Syria, chiếm một số vũ khí hạng nặng nhưng chỉ đang tiến lên rất chậm chạp do không lực của chính quyền Assad đang ở vào thế vượt trội.

Tùng Lâm

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: