Ngày thứ Bảy 4 tháng 3 vừa qua, VCF đã tổ chức buổi gây quỹ đầu tiên tại tại một nhà hàng thuộc Quận Arlington, bên ngoài thủ đô Washington D.C., để xây trường học thứ 52.
Ông Ross Nguyễn người phụ tránh gây quỹ cho biết:
“Buổi gây quỹ này chỉ là kick off, bắt đầu thôi, không phải là buổi gây quỹ chính thức, còn phải tổ chức nhiều buổi nữa. Tôi cho tất cả anh em 6 tháng phải gây đủ quỹ để xây trường có nghĩa là đến tháng 9 năm nay có đủ tiền để xây trường học thứ 52. Đó là thử thách của tụi tôi.”
Đây đúng là thử thách đối với ông Ross Nguyễn vì chi phí xây một trường học tại Việt Nam theo đúng công thức của VCF là hai tầng, 12 phòng, bao gồm 8 phòng học, 1 phòng hiệu trưởng, 1 phòng cho giáo viên, và 2 phòng vệ sinh nam-nữ, với đầy đủ điện nước và bàn ghế cho khoảng 300 học sinh theo học, lúc đầu chỉ tốn khoảng 50.000 đô la bây giờ lên đến 200.000 đô la.
Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, người đã nổi tiếng từ trước năm 1975, là người đồng sáng lập VCF cùng với nhà báo danh tiếng Terry Anderson và ông Lewis B. Puller, cố văn sĩ từng đoạt giải văn chương Pullitzer với tác phẩm “Fortunate Son.”
Bà Kiều Chinh cho biết công tác gây quỹ cho VCF càng ngày càng khó khăn:
“Trước khi vụ 911 xảy ra ở nước Mỹ thì hội chúng tôi gây quỹ dễ dàng từ những công ty lớn của Mỹ ví dụ như AOL đã yểm trợ, công ty Fedex cũng yểm trợ, Citi Bank cũng yểm trợ, nhất là công ty Fedex, họ yểm trợ tới 2, 3 trường rồi. Năm ngoái, tôi có về cắt băng khánh thành ngôi trường thứ 51 cũng do công ty Fedex bảo trợ. Trước 911, ông Terry Anderson là người quen biết rộng, và người ta cũng biết tên tuổi ông, nên ông gõ cửa nơi nào, người ta cũng mở cửa và dễ nhận được tiền trao tặng. Nhưng sau 911, nhiều người, nhiều công ty nói rằng người ta muốn lo việc nhà trước khi ra ngoài, có nghĩa là họ muốn lo những vấn đề của nước Mỹ trước. Thành ra từ đó đến nay, chúng tôi bị chậm một chút. Nói như vậy nhưng cũng hy vọng là có được những bảo trợ tiếp tục và mau chóng hơn để hội có thể đạt tới con số 63 trường và đủ chỗ cho 58.000 trẻ em theo học.”
Con số 58.000 học sinh được nữ tài tử Kiều Chinh đề cập đến ở đây chính là con số 58.000 binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam được khắc tên trên bức tường đá đen tại Vietnam Memorial ở Washington D.C. mà những người sáng lập hội nghĩ đến để tưởng niệm các tử sĩ này.
VCF xây trường học xong, giao cho chính quyền địa phương ở Việt Nam quản lý. VCF không cung cấp học cụ, sách vở học sinh hay những dịch vụ nào khác nữa. Nhưng nếu trường nào bị hư hỏng, xuống cấp, VCF sẽ giúp tu sửa lại, như vào năm 2014 VCF, đã giúp sửa lại trường Lewis ở Đông Hà, Quảng Trị, được xây vào năm 1995.
Được hỏi là nếu như các em học sinh có những nhu cầu khác nữa, như tại những nơi không có cầu đường, các em phải lội qua sông hay đu dây qua sông đến trường thì VCF có giúp được gì không thì nữ tài tử Kiều Chinh cho biết là nội quy của Hội rất chặt chẽ không cho phép làm việc này. Muốn làm thì phải thay đổi nội quy, rất khó khăn. Tuy nhiên, cá nhân các thành viên trong hội có thể giúp được nhiều việc.
“Hội chỉ có trường thôi, nhưng mỗi lần có dịp về mình cũng quyên góp cái này cái nọ kia một tí để làm quà cho các em. Ví dụ như gia đình tôi, các con tôi, đứa bỏ ra năm trăm, một ngàn để mua áo đi mưa cho các em vì thấy được hình ảnh các em đi dưới mưa phải kéo áo lên che đầu, có em cầm bọc nylon, có em cầm tờ báo che đầu. Cháu khác mua 500 túi các em học sinh đi học cần đến trong đó có bút mực, cục tẩy, thước kẻ. Tôi thì mua 500 phong bì lì xì bỏ vào đó vài ba đồng…”
Đối với những người có khả năng như ông Terry Anderson thì ông giúp nhiều hơn, bà Kiều Chinh nói tiếp:
“Đại khái như ông ta cho các trường học đó là tất cả các em đi học đều được khám mắt miễn phí, nếu em nào phải đeo kính đều được cho một cái kính không mất tiền. Tất cả những cái đó là riêng từng thành viên của Hội ai làm được gì thì làm.”
Cũng có một số Việt kiều giàu có đóng góp tiền cho VCF để nhờ xây trường tại nơi ông bà cha mẹ sinh sống trước đây như trường hợp gia đình họ Trần nhờ Hội xây trường tiểu học Bồ Đề tại thôn Văn Ấp xã Bồ Bề, tỉnh Hà Nam.
Bà Kiều Chinh cho biết thêm là có những trường hợp rất cảm động, rất tốt như trường hợp bác sĩ quân y Trần Quý Nhu cũng thuộc trong số anh em họ Trần đó. Khi ông qua đời, vợ ông hiến tặng tiền ông để lại để xây trường tại Pleiku nơi ông đóng quân trước năm 1975.
“Hội chúng tôi, nhất là cá nhân tôi, rất mong có những nhà hảo tâm hiểu được phương thức chúng tôi làm việc và cũng coi là đó là một chuyện nên làm thì cũng giúp đỡ cho Hội đi tới mau chóng, đạt được mục tiêu của mình. Tôi cũng lớn tuổi rồi không biết có sống để thấy xây được 63 trường với 58.000 học sinh theo học hay không. Ông Terry Anderson cũng yếu rồi, thành ra hy vọng có những thành viên mới trẻ trung đầy năng lực để làm việc,” bà Kiều Chinh kêu gọi.
Lời kêu gọi này xem ra đang được giới trẻ hải ngoại đáp ứng nồng nhiệt, trong đó có thành viên mới, ông Ross Nguyễn, người phụ trách tổ chức buổi gây quỹ vừa qua tại Arlington, Virginia.
“Tôi thấy cô Kiều Chinh đã hai mươi mấy năm giúp trẻ em Việt Nam thì cũng phải ngưỡng mộ tấm lòng của cô rồi bây giờ thì muốn tiếp tay với cô làm chứ không có một mục đích gì hết. Đây là một thử thách riêng cho tôi thôi.” ông Ross Nguyễn chia sẻ.
Theo VOA