Ít nhất 5 người Hồi giáo đã thiệt mạng trong xung đột với Phật tử tại bang Rakhine giữa lúc Tổng thống Miến Điện thăm nơi này.
Thi thể của bốn người đàn ông được tìm thấy gần thị trấn Thandwe. Trước đó, cảnh sát cũng xác nhận một phụ nữ 94 tuổi đã bị giết chết.
Tin cho hay người Hồi giáo tại đây đang phải lẩn trốn vì lo sợ nguy hiểm đến tính mạng. Đợt bạo lực mới nhất diễn ra giữa lúc Tổng thống Thein Sein đang có chuyến thăm Rakhine.
Căng thẳng giữa người theo Phật giáo vào Hồi giáo đã gia tăng trong những năm gần đây tại Miến Điện, hay còn gọi là Myanmar.
Bạo lực nổ ra ở Rakhine hồi tháng Sáu năm ngoái đã khiến gần 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác phải di tản.
Cũng kể từ đó, tình hình bất ổn đã lan ra những nơi khác của Miến Điện.
Vụ xung đột mới nhất được cho là xảy ra vào thứ Bảy 28/9, sau khi một Phật tử làm tài xế taxi than phiền rằng mình bị một chủ cửa hàng người Hồi giáo lăng mạ vì để xe trước cửa hàng.
Điều này đã châm ngòi cho một cuộc tấn công vào cửa hàng này, và sau đó là vào người dân. Hàng chục ngôi nhà quanh đó cũng bị thiêu rụi. Các nhân chứng nói cảnh sát đã không làm gì nhiều để ngăn chặn bạo lực.
Một phụ nữ 94 tuổi đã bị đâm chết ở Thapyuchai, cách Thandwe khoảng 20km về phía Bắc, cảnh sát xác nhận vào thứ Tư 3/10.
Hơn 700 Phật tử, một số trang bị dao kiếm, đã tấn công, đốt phá ngôi làng, hãng thông tấn Associated Press (AP) cho biết. Nhiều gia đình đã phải bỏ chạy để bảo toàn tính mạng.
“Nhiều người trong số họ, trong đó có phụ nữ và trẻ em, vẫn đang lẩn trốn. Họ bị dồn vào đường cùng và không thể thoát ra khỏi đó,” ông Myo Min, một cư dân trong cộng đồng Hồi giáo nói với AP.
“Họ cần lương thực và nước. Những người cao tuổi trong cộng đồng Hồi giáo đang bàn với chính quyền để họ được di tản, hoặc cung cấp lương thực.”
Hãng thông tấn AFP nói bốn Phật tử bị thương trong vụ bạo động ở một ngôi làng gần đó, trong khi một người thứ năm vẫn đang mất tích. Tin của AP thì cho biết hai Phật tử hiện vẫn chưa được tìm thấy.
‘Chịu trách nhiệm’
Tổng thống Thein Sein, người đang có chuyến thăm Rakhine lần đầu tiên kể từ vụ bạo lực hồi năm ngoái, đã đến thành phố ven biển Thandwe vào thứ Tư. Ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo từ cả hai cộng đồng tôn giáo.
Ông là người đã đưa ra những chính sách cải cách to lớn giúp mở cửa Miến Điện, sau khi quân đội trao quyền lại cho chính quyền dân sự hai năm về trước.
Tuy nhiên chính phủ của ông cũng bị chỉ trích vì đã không có đủ biện pháp nhằm ngăn chặn xung đột tôn giáo, vốn đã khiến hàng trăm nghìn người Hồi giáo thiểu số phải rời bỏ nhà cửa.
“Tổng thống là người phải chịu trách nhiệm hàng đầu. Cho đến nay, ông ta vẫn im lặng, ngay cả khi người Hồi giáo bị giết chết, tài sản của họ bị phá hủy,” một người đàn ông ở Thandwe nói với AP.
Cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo hiện đang sống tách biệt sau vụ bạo lực ở Rakhine hồi năm ngoái. Nhiều người Hồi giáo Rohingya đang phải sống trong những trại dựng tạm.
Người Hồi giáo Rohingya không được công nhận là công dân Miến Điện.
Tuy nhiên những người bị giết chết trong vụ bạo lực hồi thứ Ba là người Hồi giáo Kaman, vốn được chính thức công nhận là người thiểu số ở Miến Điện.
BBC