Một thủ lãnh phe nổi dậy ở miền đông Ukraine, Denis Pushilin họp báo ở Donetsk, 12/5/14

Những người ly khai thân Nga ở khu vực Luhansk của Ukraine đã tuyên bố độc lập khỏi Kiev, không lâu sau khi những người ly khai ở vùng Donetsk kế cận tuyên bố tương tự, và yêu cầu Moscow xem xét sáp nhập khu vực này vào Liên bang Nga.

Những tuyên bố ngày hôm nay theo sau cuộc trưng cầu độc lập gây tranh cãi hôm Chủ nhật ở hai khu vực này của Ukraine.

Hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti dẫn lời thủ lĩnh ly khai Valery Bolotov nói rằng nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự tuyên bố đã bắt đầu cuộc sống mới mà không có “chính quyền Kiev” mà ông cáo buộc theo “chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa dân tộc.”

Trước đó thủ lĩnh Denis Pushilin tuyên bố Nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk hiện là một ‘nhà nước có chủ quyền’ và yêu cầu được trở thành một phần của Nga.

Ông này nói rằng không loại trừ khả năng khu vực này sẽ đề nghị triển khai ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ nếu tình hình tại đó xấu đi.

Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai nói rằng Mỹ không công nhận kết quả trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật ở miền đông Ukraine.

Phát ngôn viên Jay Carney cũng nói Washington “thất vọng” vì Moscow đã không sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn tiến hành cuộc bỏ phiếu.

Những người tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk và Luhansk nói rằng khoảng 90% những người bỏ phiếu đã ủng hộ lời kêu gọi đòi chủ quyền, nhưng khó có thể kiểm chứng được kết quả.

Một phóng viên của VOA tại Donetsk mô tả cuộc bầu cử là “rối ren” vì không có quy trình rõ ràng về đếm kiểm phiếu, có hiện tượng bỏ phiếu nhiều lần, và nhiều thùng phiếu tạm bợ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy lên án cuộc trưng cầu ở Donetsk và Luhansk là “bất hợp pháp” và “không khả tín.”

Sáng ngày thứ Hai, Liên hiệp châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với 13 người nữa và hai công ty mà tổ chức này nói rằng có liên hệ tới sự can thiệp của Moscow ở Ukraine, nhưng dừng lại ở đó mà không nhắm mục tiêu vào các ngành kinh tế chính của Nga.

Ngoại trưởng các nước EU đã đồng ý ban hành những lệnh cấm visa và phong tỏa tài sản mới, thêm vào danh sách 48 cá nhân trước đây bị trừng phạt vì liên hệ của họ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủng hộ việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3. Nhưng khó có khả năng Liên minh châu Âu đi thêm bước nữa trước cuộc bầu cử tổng thống Ukraine vào ngày 25 tháng 5.

Tổng thống lâm thời của Ukraine đã lên án các cuộc trưng cầu dân ý ở các khu vực do người nổi dậy kiểm soát là một “trò hề mang tính tuyên truyền và không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào.” Ông nói trước quốc hội Ukraine rằng các cuộc trưng cầu dân ý “không khác gì việc tuyên truyền nhằm che đậy các vụ giết người, bắt cóc, bạo lực và các tội trạng nghiêm trọng khác.”

Tuy nhiên, Tổng thống tạm quyền Ukraine nói ông muốn “tiếp tục đối thoại với những người ở miền đông Ukraine mà bàn tay không vấy máu và những người sẵn sàng bảo vệ mục tiêu của mình một cách hợp pháp.”

Tổng thống Vladimir Putin hiện chưa đưa ra bình luận về các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng điện Kremlin ra thông cáo hôm thứ Hai nói rằng, Nga tôn trọng kết quả cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm qua ở Ukraine, cũng như kêu gọi “đối thoại” giữa chính phủ Ukraine và hai tỉnh ly khai.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin nói trên báo Kommersant rằng “chiến dịch tấn công” của chính phủ Kiev ở đông nam Ukraine đã khiến hai khu vực này khó nghe theo lời đề nghị của ông Putin hoãn trưng cầu dân ý.

Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi một “thảo luận rộng rãi” về tương lai của Ukraine liên quan đến “tất cả các lực lượng chính trị và khu vực của đất nước.” Nhưng Bộ này cũng cáo buộc chính quyền Ukraine tìm cách làm gián đoạn cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật bằng cách sử dụng “phần tử vũ trang, vũ khí hạng nặng, thành phần cực đoan quốc gia, quân đội” chống lại dân thường.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: