Ông Kim Jong-un chỉ dẫn tại khu sắp thành ngư trường
Bộ ảnh mới của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tới thăm một loạt địa điểm vừa được công bố.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Tất cả các bức ảnh này đều có một điểm chung gây tò mò – đó là luôn có những quan chức và tướng tá ghi chép vào những cuốn sổ giống hệt nhau.
Trong những tấm ảnh do hãng tin chính thức KCNA đưa ra, ông Kim đang quan sát một nhóm nữ giới luyện tập phóng tên lửa. Ông đi quanh một tàu đánh cá. Ông nói chuyện với các phi công. Ông tham quan cơ sở vừa được tân trang dành cho thanh niên.
Nhưng những người đàn ông chăm chỉ ghi chép đó là ai?
Họ không phải là nhà báo mà là những người lính, đảng viên hay quan chức chính quyền, theo Giáo sư James Grayson, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Sheffield, Anh Quốc.
Ông nói chuyện có nhiều người ghi chép là để thể hiện rằng nhà lãnh đạo có quyền lực, kiến thức, sự thông thái và quan tâm.
Những gì diễn ra là sự “chỉ dẫn tại chỗ”, điều mà ông nội của Kim Jong-un là cố lãnh tụ Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) bắt đầu từ những năm 1950.
“Đó là một phần của hình ảnh nhà lãnh đạo lớn đang tận tình chỉ dẫn,” ông Grayson nói.
Thế nhưng liệu đó có thể là những chỉ dẫn gì?
Nếu ông Kim giống như ông nội thì đó có thể là những lời khuyên thực dụng, rất thực dụng là đằng khác.
Sau khi ông Kim Nhật Thành tới thăm một ngư trường hồi năm 1976, Hãng thông tấn KCNA loan báo:
“Khi chứng kiến hoạt động của xe tải, chủ tịch nói thùng xe có vẻ nhỏ so với trọng tải. Người nói vấn đề vận chuyển sẽ được giải quyết nếu thùng xe to thêm.
“Sau đó sức chứa của thùng xe đã tăng từ 800 kg lên hai tấn. Kết quả là 20 xe tải giờ có thể mang một khối lượng mà đáng ra phải dùng tới 50 xe tải.”
Bất chấp chuyện máy tính bảng đã xuất hiện ở Bắc Hàn, sổ chi chép bằng giấy vẫn được chuộng hơn.
“Những hình ảnh này sẽ đượcphats trên truyền hình và đăng tải trên báo chí nhà nước nên những người có mặt muốn cho mọi người thấy họ đang ghi từng lời của ông Kim Jong-un,” ông Grayson nói.
“Mục tiêu là để chứng tỏ ông có kiến thức rộng nhưng đây là điều nực cười vì làm sao mà ông biết về nhiều thức khác nhau như thế.
“Nhưng điều quan trọng là những người tháp tùng ông phải được thấy như đang ngóng từng lời nói một.”
Theo Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Trường Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại thuộc Đại học Nottingham, Anh Quốc thì những người ghi chép sẽ viết hết sức cẩn thận.
“Họ sẽ không muốn viết xuống những gì không chính xác về mặt chính trị phòng trường hợp nó làm hại tới họ về sau này.
Ông Tsang cũng nói những ghi chép đó thường không được công bố.
“Nếu có gì công bố ra ngoài, ban tuyên huấn sẽ chịu trách nhiệm. Chuyện có đúng nhà lãnh đạo nói vậy không và nếu nó có khác với chỉ dẫn được đưa ra hay không thì cũng không quan trọng.
“Không ai chất vấn về chuyện đó cả.
“Nếu anh có mặt tại nhà máy và chỉ dẫn đưa ra không đúng với những gì anh ghi trong sổ thì liệu anh làm được gì?”, ông đặt câu hỏi.