TT – Nhiều người cho rằng đó chính là bà Hilary Clinton nhưng sự thực không phải vậy. Nếu đắc cử bà Hilary Clinton sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Nhưng bà không phải là ứng cử viên nữ đầu tiên.

U.S. Democratic presidential nominee Hillary Clinton joins performer Jennifer Lopez at a campaign concert in Miami, Florida, U.S. October 29, 2016. REUTERS/Brian SnyderỨng viên Hillary Clinton (phải) cùng ca sĩ diễn viên Jennifer Lopez trong buổi trình diễn vận động cho bà tại Miami, bang Florida, tối 29-10 – Ảnh: Reuters

Phụ nữ Mỹ không có quyền bầu cử cho đến khi Tu chính án Hiến pháp thứ 19 được thông qua năm 1920, phụ nữ Mỹ mới được cầm phiếu bầu.

Tranh cử khi mới 34 tuổi

Tuy nhiên, người phụ nữ Mỹ đầu tiên tự ứng cử chức tổng thống đã xuất hiện từ gần 50 năm trước đó. Năm 1872, bà Victoria Woodhull đến từ bang Ohio đã làm nên lịch sử khi ra tranh cử với tư cách ứng cử viên của Đảng Bình quyền (Equal Rights Party) đối đầu tổng thống đương nhiệm Ulysses S. Grant.

Cương lĩnh tranh cử của bà gồm những cải cách cấp tiến như ngày làm việc tám giờ, quyền bầu cử cho phụ nữ, bỏ án tử hình, và bà còn gây ngạc nhiên hơn nữa khi chọn nhà hoạt động bãi nô Frederick Douglass làm ứng cử viên Phó tổng thống mặc dù ông này không đồng ý (!).

Bà Victoria Woodhull đã luôn là một người phụ nữ đi tiên phong kể từ trước khi bà khởi động cuộc chạy đua chức tổng thống của mình – một sự kiện chưa từng có trên chính trường lúc đó.

Bà từng phát biểu trước Quốc hội Mỹ về quyền bỏ phiếu bình đẳng, đã mở công ty môi giới do phụ nữ sở hữu đầu tiên trên Phố Wall… Bà Woodhull không giành được phiếu đại cử tri nào vào Ngày Bầu cử và không có dữ liệu gì về việc bà giành được bao nhiêu phiếu phổ thông.

Tuy nhiên ngay cả nếu bà có thắng cử thì luật pháp vẫn không cho phép bà bước vào Nhà Trắng, không phải vì giới tính của bà mà vì Hiến pháp Mỹ quy định các ứng cử viên tổng thống không được dưới 35 tuổi khi nhận chức. Bà Woodhull khi ra tranh cử mới chỉ 34 tuổi!

Sau bà Woodhull, nhiều phụ nữ Mỹ khác đã ra tranh cử tổng thống. Mặc dù bản thân không có quyền đi bỏ phiếu nhưng nhà hoạt động đòi quyền bầu cử Belva Ann Lockwood đã giành được 4.149 phiếu phổ thông vào năm 1884.

Nữ Thượng Nghị sĩ của bang Maine là Margaret Chase Smith giành được 227.007 phiếu phổ thông vào cuộc bầu cử sơ bộ năm 1964 của đảng Cộng hòa, nhưng không giành được đề cử của đảng.

Tám năm sau, nữ Nghị sĩ Shirley Chisolm là người phụ nữ đầu tiên – và là người Mỹ gốc Phi đầu tiên – chạy đua để giành đề cử của đảng Dân chủ. Còn bà Lenora Fulani trở thành người phụ nữ đầu tiên lọt vào danh sách bỏ phiếu ở cả 50 bang khi bà chạy đua với tư cách là ứng cử viên của đảng thứ ba vào năm 1988, và Hillary Clinton sau đó đã trở thành người phụ nữ có số phiếu bầu cao nhất trong một cuộc bầu cử sơ bộ vào năm 2008.

Đến nay, ứng cử viên nữ thành công nhất trong các cuộc bỏ phiếu phổ thông là Jill Stein của Đảng Xanh, giành được trên 450.000 phiếu phổ thông vào năm 2012. Năm nay, Jill Stein cũng tiếp tục là một ứng cử viên có tên trên lá phiếu bầu Tổng thống.

Qui định gắt gao để trở thành tổng thống Mỹ

Không phải công dân Mỹ nào cũng cỏ đủ điều kiện ra ứng cử Tổng thống. Những tiêu chuẩn bắt buộc trong Hiến pháp đã loại hàng triệu người Mỹ xuất sắc, có thể đã nắm giữ những chức vụ rất cao trong chính phủ nhưng vẫn không có cơ hội trở thành Tổng thống.

Bất cứ người nào ra ứng cử Tổng thống Mỹ cũng đều phải thỏa mãn những tiêu chuẩn bắt buộc do Hiến pháp Mỹ qui định: không dưới 35 tuổi, phải đã sống ở Mỹ (cư trú liên tục) trên 14 năm, là công dân Mỹ và được sinh ra tại Mỹ.

Đây chính là điểm khiến ông Obama từng bị các đối thủ lựa chọn để tấn công khi tranh cử với lý do ông không đủ đảm bảo các yếu tố “gốc Mỹ”. Thậm chí đến kỳ bầu cử 2016, luận điểm này vẫn được ứng cử viên Donald Trump tiếp tục sử dụng để làm mất uy tín đảng Dân chủ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissingger là một ví dụ điển hình. Ông được cho là không đủ điều kiện ra tranh cử Tổng thống vì không đủ tiêu chuẩn về “gốc Mỹ” – ông Kissingger là người Mỹ gốc Đức – dù đã giữ đến chức Ngoại trưởng và với uy tín của ông, nếu ra tranh cử có thể có cơ hội thắng rất cao.

Cũng có những ý kiến cho rằng sở dĩ phải có qui định về điều kiện gốc tích bản địa và thời hạn cư trú 14 năm trở lên đối với ứng cử viên Tổng thống là vì nước Mỹ là một quốc gia của dân nhập cư và có một xã hội mang tính cơ động cao.

Người Mỹ ưa dịch chuyển: thống kê cho thấy có khoảng 11% công dân Mỹ sinh ra ở nước ngoài; 27% người dân Mỹ sống ở bang khác nơi đã  sinh ra; 18% dân Mỹ chuyển nhà hàng năm (thuê nhà là hình thức cư trú phổ biến ở Mỹ).

Không chỉ hội tụ đầy đủ mọi chủng tộc trên thế giới sinh sống tại Mỹ mà ngược lại, một tỉ lệ lớn người Mỹ sống và làm việc thường xuyên, lâu dài ở nước ngoài.

Tổng thống nào trẻ tuổi nhất?

Tiêu chuẩn cho phép ứng cử viên Tổng thống Mỹ đến mức 35 tuổi, thấp hơn so với qui định của nhiều quốc gia khác (phần lớn là lấy ngưỡng không dưới 40 tuổi). Nhưng trên thực tế, người đắc cử tổng thống Mỹ trẻ nhất trong lịch sử cũng đã 43 tuổi.

Người giữ kỷ lục này chính là vị Tổng thống hào hoa John F. Kennedy. Kế tiếp là tổng thống Bill Clinton, đắc cử nhiệm kỳ đầu tiên khi 46 tuổi, Tổng thống đương nhiệm Obama bước vào Nhà Trắng khi 47 tuổi…

Theo các chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, dường như cử tri Mỹ không thích những ứng cử viên trẻ tuổi vì cho rằng họ chưa thực sự chín chắn, có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh lãnh đạo.

Ứng cử viên trẻ nhất gần đây là Jerrry Brown, tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1976 khi ở tuổi 39 và đang là thống đốc bang California, tuy được đánh giá là tài năng nhưng đã rớt đài vì … tuổi còn trẻ.

Tính đến nay, theo các chuyên gia nghiên cứu về bầu cử Mỹ, độ tuổi trung bình khi nhậm chức của các Tổng thống Mỹ là 55 tuổi. Trong đó, có những Tổng thống khi nhậm chức đã ngoài 70. Điển hình là Tổng thống Ronald Reagan, đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp khi đã 70 và 74 tuổi.

Thanh Hà

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.