Không có điều gì bất thường khi một lãnh đạo thế giới thắng giải Nobel Hòa bình, nhưng chưa ai thể hiện mong muốn nhận được vinh dự này mãnh liệt như Trump.

Trong hơn ba năm qua, Trump đã nhiều lần nêu triển vọng được trao tặng giải thưởng. Năm 2018, khi một phóng viên hỏi liệu ông có thấy mình xứng đáng thắng giải không, ông trả lời: “Mọi người đều nghĩ vậy, nhưng tôi sẽ không bao giờ nói thế”.

“Tôi sẽ nhận được giải Nobel vì rất nhiều thành tựu nếu họ trao giải một cách công bằng, nhưng họ không làm điều đó”, Trump nói vào năm 2019.

“Nobel Hòa bình, các bạn có thể tưởng tượng được không?”, ông lại đặt câu hỏi vào tháng 9 và chia sẻ ít nhất 12 dòng tweet từ những người ủng hộ về chủ đề này.

Mong muốn thắng giải của Trump được thúc đẩy bởi các đồng minh nước ngoài xa xôi, bao gồm một chính trị gia Na Uy chống nhập cư và một giáo sư luật người Australia nổi tiếng với các chiến dịch ủng hộ chế độ quân chủ. Họ đảm bảo rằng ông được đề cử hết lần này đến lần khác.

Các lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Anh Boris Johnson và cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng liên quan đến nỗ lực này.

Năm nay, Nhà Trắng ra một tuyên bố chính thức, thông báo rằng Trump được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2021. Chương trình Lương thực Thế giới đã thắng giải Nobel Hòa bình năm 2020 vào ngày 9/10.

Nỗ lực của theo đuổi giải Nobel của Trump đã được bàn tán nhiều trên truyền thông nhưng không mang lại kết quả. Những người theo dõi giải Nobel lập luận rằng “chiến dịch vận động” mà Trump và những người ủng hộ đang tiến hành không mang lại lợi ích gì cho ông.

Fredrik Heffermehl, nhà hoạt động vì hòa bình người Na Uy, viết: “Nhiều người ở bên ngoài nước Mỹ có ác cảm với Trump đến mức tôi không thể tưởng tượng ủy ban sẽ dành thời gian cân nhắc có nên trao giải cho ông ấy hay không”.

Mỹ có 4 tổng thống từng đoạt giải: Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Jimmy Carter và Barack Obama. Nhưng họ đã không đưa ra tuyên bố vận động hành lang giống như Trump hoặc công khai thể hiện mong muốn nhận giải thưởng, các nhà sử học cho biết.

Stanley Wein, tác giả một cuốn sách về Roosevelt, giải thích rằng Roosevelt đã không vận động để mình thắng giải. Thay vào đó, một số học giả Mỹ và một số nhà ngoại giao châu Âu đã thúc đẩy đề cử Roosevelt vì những nỗ lực của ông trong việc hòa giải để kết thúc Chiến tranh Nga – Nhật.

Không giống hầu hết giải thưởng khác, Giải Nobel Hòa bình có hệ thống đề cử khá cởi mở: Những người được quyền đề cử là thành viên quốc hội hoặc nội các của các quốc gia; thành viên của một số tòa quốc tế; giáo sư các ngành lịch sử, khoa học xã hội, luật, triết học, thần học và tôn giáo; cá nhân hoặc tổ chức từng thắng giải; thành viên, cựu thành viên và cựu cố vấn của Ủy ban Nobel Na Uy. Lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler từng được đề cử năm 1939.

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết có 318 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình năm 2020, gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức. Không rõ Trump có được đề cử cho giải năm nay hay không. Thời hạn đề cử là ngày 31/1 và ủy ban giữ kín danh sách những người được đề cử trong 50 năm.

“Duyên phận” của Trump với giải Nobel Hòa bình có khởi đầu bất thường. Trước lễ trao giải Nobel Hòa bình 2018, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo Tổng thống Mỹ được đề cử hai lần, nhưng các đề cử bị rút lại sau khi các quan chức cho rằng chúng là giả.

Trump sau đó được đề cử nhiều lần vào năm 2019 vì nỗ lực đàm phán với Triều Tiên, theo các tuyên bố công khai từ những người đã đề cử ông. Trong số những người này có Christian Tybring-Gjedde và Per-Willy Amundsen, hai nhà lập pháp Na Uy thuộc đảng Tiến bộ theo chủ nghĩa dân túy, chống nhập cư và một nhóm 18 nhà lập pháp Mỹ từ đảng Cộng hòa.

Không phải ai đã đề cử Trump cũng thừa nhận điều đó. Tháng 2/2019, Trump nói với các phóng viên rằng ông Abe, khi đó là thủ tướng Nhật Bản, đã trao cho ông “bản sao đẹp nhất” của bức thư đề cử. Abe, người đã cố gắng xây dựng mối quan hệ thân thiết với Trump trước khi nghỉ hưu vào năm nay, không bác bỏ việc này nhưng cũng không khẳng định rõ ràng. Ông nói với các nghị sĩ rằng “tôi không nói điều đó không đúng sự thật”.

Ông Moon cho rằng ông Trump nên thắng giải Nobel nhờ nỗ lực đàm phán với Triều Tiên, dù không rõ liệu Tổng thống Hàn Quốc có đề cử ông hay không. Thủ tướng Anh Johnson nói vào năm 2018 rằng Trump sẽ xứng đáng nhận được giải thưởng nếu ông đạt được hòa bình với Triều Tiên và Iran.

Mặc dù Trump không chiến thắng năm nay, ông đã được ít nhất ba người đề cử cho giải thưởng năm 2021. Tybring-Gjedde, người đề cử Trump vào năm 2018, đã viết thư cho Oslo để ủng hộ ông thêm lần nữa vào tháng 9, nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain.

Được biết đến với quan điểm chống người nhập cư và chống Hồi giáo, Tybring-Gjedde từng gây ra tranh cãi khi so sánh khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo với áo choàng của các thành viên nhóm da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan.

Magnus Jacobsson, nghị sĩ Thụy Điển thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu sau đó thông báo ông cũng đề cử Trump cho giải thưởng vì các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ dẫn đầu giữa Kosovo và Serbia.

Đề cử thứ ba đến từ một nhóm luật sư người Australia do David Flint, giáo sư pháp lý 82 tuổi, đứng đầu. Ông là người ủng hộ chủ nghĩa quân chủ, có những bình luận đặc biệt đã khiến ông thu hút cả người hâm mộ lẫn người chỉ trích.

“Điều ông ấy đã làm với Học thuyết Trump là quyết định Mỹ sẽ không còn tham gia vào các cuộc chiến tranh bất tận, những cuộc chiến không đạt được kết quả gì ngoài việc giết hại hàng nghìn người Mỹ trẻ tuổi”, Flint nói.

Tuy nhiên, nhiều người đang có cái nhìn thận trọng với các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông và vùng Balkan. Họ cho rằng chúng có quy mô nhỏ và không phải là bước đột phá ngoại giao mà các đồng minh của Trump đã tung hô. Nỗ lực đàm phán với Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2019.

“Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên ngày nay thậm chí còn khó nắm bắt hơn”, Jean Lee, Giám đốc Trung tâm Triều Tiên thuộc Trung tâm Wilson, nói.

Mức tín nhiệm quốc tế thấp của Trump càng là vật ngáng đường ông đến với giải Nobel, mặc dù nhiều người gây tranh cãi từng nhận giải. Cố tổng thống Roosevelt là lựa chọn gây tranh cãi vào năm 1906 vì ông bị coi là “người theo chủ nghĩa đế quốc và ham mê niềm vinh quang của chiến tranh”. Tuy nhiên, phong cách quá thẳng thắn, ít thông cảm với người khác của Trump là một nhược điểm rõ ràng.

Heffermehl đã chỉ trích Ủy ban Nobel Na Uy vì không tập trung vào ý nghĩa ban đầu của giải thưởng, nói rằng nó nên dành cho “những người bảo vệ hòa bình”, thúc đẩy “tình anh em phi quân sự giữa các quốc gia” thay vì xét đến các phương diện xã hội khác.

Dù vậy, ông nói thêm: “Tôi vẫn thấy Trump hoàn toàn không phù hợp được giải”.

Trump sẽ chờ đợi xem liệu giải Nobel năm tới có về tay mình hay không. Và ông có một đối thủ quen thuộc: Một nghị sĩ Anh nói vào tháng trước rằng ông đã đề cử cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho giải thưởng năm 2021.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: