TT – 77% người dân Thụy Sĩ đã bỏ phiếu chính thức bác bỏ đề xuất chu cấp một khoản thu nhập tối thiểu hằng tháng cho mọi người dân, bất kể có làm việc hay không.
Theo New York Times, Thụy Sĩ từng gây xôn xao cả thế giới khi tuyên bố sẽ cân nhắc việc cấp một khoản thu nhập tối thiểu hằng tháng 2.500 franc Thụy Sĩ (2.560 USD) cho một người trưởng thành và 625 franc Thụy Sĩ (639 USD) cho trẻ em.
Đề xuất được những người ủng hộ cho rằng sẽ là giải pháp chống đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, tạo điều kiện để mọi người dân đều có một cuộc sống “đàng hoàng”, nhưng họ lại không làm rõ được đâu sẽ là nguồn cung ngân sách cho việc chi trả khoản thu nhập vô điều kiện đó! Còn những người phản đối cho rằng nếu được thực thi, “phần thưởng” đó có nguy cơ làm “trật đường ray” nền kinh tế của một đất nước đã giúp người dân có mức sống cao nhất thế giới.
Trên thực tế, Chính phủ Thụy Sĩ và gần như mọi đảng phái chính trị lớn của nước này đều đã kêu gọi người dân bỏ phiếu chống trong ngày 5-6. Họ lập luận: nếu được thông qua, chương trình này sẽ khiến ngân sách nhà nước mất thêm mỗi năm khoảng 25 tỉ franc Thụy Sĩ, kèm theo đó là cắt giảm mạnh chi tiêu công và tăng thuế.
Từ sau Thế chiến thứ hai, ý tưởng về một khoản thu nhập tối thiểu được đảm bảo từng được các nhà kinh tế học, dẫn đầu là Milton Friedman, cổ xúy như một cách thức phân phối lại tài sản xã hội. Nhà kinh tế học Friedman lập luận rằng cách thức đó hiệu quả hơn nhiều so với việc vận hành theo cơ chế quan liêu hàng chục chương trình riêng rẽ nhằm hỗ trợ người nghèo.
Một lý lẽ nữa hiện vẫn còn tranh cãi ở Thụy Sĩ cũng như nhiều nước khác khi không chỉ là vấn đề phân phối lại tài sản xã hội, mà còn là các xã hội hiện đại sẽ tạo ra việc làm ra sao trong bối cảnh những tiến bộ công nghệ như robot trong nhà máy và xe tải không người lái đang dần “cướp” hết việc làm của con người.
Chuyên gia thiết kế công nghiệp Thụy Sĩ Curdin Pirovino bình luận: “Tôi hiểu là có một thế hệ mới đang rất lo lắng về việc những người trẻ sẽ kiếm việc làm thế nào và ở đâu, nhưng đề xuất này quả là quá vô lý. Anh không thể thuyết phục xã hội với ý tưởng rằng tiền vẫn có sẵn khi không làm gì cả”.
Bất kể thất bại, những người ủng hộ đề xuất về mức thu nhập tối thiểu được đảm bảo cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân sẽ vẫn là bước đầu tiên trong hành trình hướng tới một mô hình kinh tế bình đẳng hơn.
Tuy nhiên, việc số người dân tham gia bỏ phiếu với tỉ lệ thấp dần, như mức 46% của ngày bỏ phiếu 5-6, cũng khiến giới chính trị quan ngại về sự nở rộ quá mức của những cuộc trưng cầu tương tự tổ chức vài năm gần đây ở Thụy Sĩ.
Trên đài quốc gia Thụy Sĩ ngày 5-6, chính trị gia Philippe Leuba cho rằng ông rất mừng vì người dân đã lắng nghe quan điểm của chính phủ liên bang. Tuy nhiên cũng theo ông, đề xuất về chính sách chu cấp thu nhập tối thiểu vô điều kiện thật sự là một kế hoạch “siêu dân túy và mị dân”, chỉ tổ tốn tiền tổ chức trưng cầu mà không đem lại ích lợi gì.
Phần Lan cũng đã sẵn sàng triển khai thử nghiệm chương trình thí điểm này cho khoảng 10.000 người trưởng thành ngẫu nhiên. Hằng tháng, mỗi người được nhận 550 euro (625 USD). Sau hai năm, trên cơ sở đánh giá kết quả chương trình thí điểm, họ sẽ quyết định có nhân rộng quy mô trên toàn quốc hay không.
Tại Hà Lan, thành phố Utrecht là khu vực dẫn đầu trong số các đô thị cũng đang triển khai những dự án thí điểm tương tự.
Tại Mỹ, ý tưởng về khoản thu nhập tối thiểu được bảo đảm cũng đã nhận được một số ủng hộ nhất định trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong khi một số đảng viên Đảng Dân chủ cổ vũ đề xuất này với mong muốn tạo thêm bình đẳng xã hội thì các nhà ủng hộ cánh hữu xem đó như một lựa chọn tốt hơn cho các chương trình phúc lợi của chính phủ.
D.Kim Thoa