Tôi có nhiều người thân, bạn bè hiện đang định cư, sinh sống tại Mỹ. Có người đã nhập tịch, có thẻ xanh và có người chỉ mới ở vài tháng. Tôi chưa từng đặt chân đến Mỹ nhưng qua những bức thư tay, điện thoại hoặc email họ gửi về, tôi luôn đọc, nghe thật kỹ và cảm giác thú vị khó tả với những câu chuyện chung quanh lối sống, văn hóa xã hội Mỹ.
Anh Sơn, nhà sử học ở Huế, hay có những chuyến công tác Mỹ. Có dịp tiếp xúc nhiều thành phần từ người dân, các vị chức sắc, sinh viên, giáo sư… anh cho rằng tánh tình phần đông người Mỹ là bộc trực, thẳng thắn, biết nói biết, không nói không chứ không có kiểu ăn nói nước đôi, vòng vo, ba phải. Theo Sơn, hầu hết người Mỹ không có thói quen nói hoặc cười to lúc đang tiệc tùng hoặc ở chốn công cộng. Họ sẵn sàng đứng xếp hàng đợi đến lượt khi có từ hai người trở lên và không có thói chen ngang. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng nếu đâu đó trên nước Mỹ có người la lối ồn ào hoặc chen lấn, chắc chắn đó là người… Mễ hoặc người Việt!
Phương, em vợ tôi, theo chồng định cư diện HO từ năm 1992, hay kể về chuyện… xe cộ ở Mỹ. Rằng đây là “thiên đường” của xe hơi bởi Mỹ là một quốc gia có diện tích rộng lớn, nhà ở là những khu tách biệt, rất xa so với siêu thị và nơi làm việc. Do vậy người dân Mỹ đều sắm xe hơi riêng. Giá xe hơi ở Mỹ khá rẻ, những chiếc xe cũ chỉ một vài ngàn “đô” đôi khi còn rẻ hơn bạn sắm xe máy ở Việt Nam. Nếu đi xe công cộng như xe buýt, Phương cho rằng người Mỹ thường thói quen cảm ơn. Lúc xuống xe, ngang tài xế, họ đều nói “thanks” kèm lời chào “good day” hay “good night”. Trên xe buýt chẳng thấy ghi khẩu hiệu gì, nhưng người Mỹ luôn ưu tiên người khuyết tật khi sử dụng xe buýt bằng cách thiết kế sẵn một tấm ván trước chỗ lên xuống có thể tự động nâng hạ cho người khuyết tật dễ dàng di chuyển xe lăn. Các vỉa hè ở Mỹ đều được thiết kế với độ dốc thoai thoải với mặt đường tại các giao lộ; các bãi đậu xe hơi ở bất kỳ đâu cũng dành riêng chỗ đậu gần điểm đến nhất cho người khuyết tật, kế đến là chỗ đậu xe cho những bà mẹ có con nhỏ.
Chiêu là em họ tôi, được con gái bảo lãnh sang Seattle năm 2014 thi thoảng về quê kể cho nghe chuyện giao thông. Anh nói khi lái xe ở Mỹ, tuyệt đối không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu mà phải nghiêm túc chấp hành luật lệ dù có hay không có cảnh sát. Lúc lái xe, nếu nhìn thấy xe cảnh sát hú còi, chớp đèn phía sau cần chạy xe chậm lại, tìm chỗ dừng an toàn bên lề phải. Khi dừng xe, phải gạt cần số trở về vị trí đậu và gài thắng phụ. Tiếp theo, hai tay bạn để yên trên vô lăng và chờ cảnh sát đến. Khi cảnh sát ra hiệu bạn mới quay kính xe xuống vừa đủ nói chuyện. Không được bước xuống xe ngay và đút hay tay vào túi quần vì cảnh sát dễ nhầm bạn đang… móc súng. Cảnh sát giao thông Mỹ không bao giờ nhận hối lộ và cũng không có chuyện “gọi điện thoại cho người thân” dù thân thế bạn ra sao bởi cảnh sát chỉ biết chiếu luật mà làm!
Cũng theo Chiêu, người Mỹ rất thân thiện với môi trường, yêu động vật và họ luôn ý thức việc bảo vệ chúng. Các hành động mang tính ngược đãi động vật và môi trường sẽ bị láng giềng đánh giá thấp, có thể bạn sẽ bị họ kiện và khi ấy pháp luật sẽ đứng ra xử lý!
Loan, bạn học cũ của tôi, cùng gia đình định cư California hơn 20 năm. Cô thường kể cho tôi nghe sinh hoạt chợ búa, rằng các thứ đồ ăn kiểu Mỹ bày bán khắp nơi và giá rất rẻ. Nếu muốn ăn món Việt (hay món Á) cần phải đến những nơi đông người Việt như Little Saigon nhưng giá cả đắt hơn. Một bữa ăn kiểu Việt tốn ít nhất 10 USD/người (ăn một món) hay hơn 20 USD/người (kiểu cơm gia đình). Theo cô, các gia đình ít tiền thường ăn thịt gà, còn dân khá giả hơn hay ăn cá và các thứ hải sản, trái với lối sống ở Việt Nam. Rau xanh các loại cũng khá đắt (không thể tìm thấy lá giang ở Mỹ): gói rau thơm nhỏ 1 USD, bó rau muống từ 5 – 15 USD. Chả thế mà khi vào quán phở, chủ quán chỉ mang ra một nhánh rau nhỏ và đôi lát ớt, muốn ăn thêm sẽ… tính thêm tiền! Sống ở Mỹ, bạn luôn phải chuẩn bị tiền tip (boa) lúc đến nhà hàng vì hầu hết các nhà hàng không tính tiền dịch vụ nên khách hàng phải để lại tiền boa cho người phục vụ. Tương tự, khi sử dụng các dịch vụ khác như cắt tóc, làm nails, taxi… bạn cũng phải boa cho người phục vụ, số tiền tùy ý nhưng ít nhất từ 1-5 USD.
Hoàng bạn tôi là họa sĩ, định cư tại San Jose gần 30 năm. Anh kể người Mỹ dường như rất thích đi kiện. Cái gì họ cũng kiện được, từ việc con chó nhà hàng xóm sủa to trong đêm hay anh chồng nhà làng giềng nhậu say đánh vợ… Song với người Mỹ việc kiện cáo ấy không có gì to tát mà chỉ là biểu hiện việc người dân sống và làm việc theo pháp luật. Mọi hành động trái pháp luật ở Mỹ đều không thể chấp nhận và kiện tụng chính là cách người Mỹ muốn bảo vệ lòng tự trọng, sự công bằng, quyền và những lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.
… Những câu chuyện tản mạn của bạn bè, người thân luôn khiến tôi có nhiều suy nghĩ, trăn trở. Tôi không rõ có ai ở Mỹ từng tự hào Hoa Kỳ là xứ sở thiên đường hay không nhưng riêng tôi, nếu bỏ qua những chuyện vụn vặt khác, đây chính là một Thiên Đường thật sự. Tôi năm nay gần 60 tuổi, điều kiện không gọi là dư dả nhưng luôn mong ước một ngày nào đó đến với xứ sở thiên đường này để được nhìn tận mắt, sờ tận tay… Dĩ nhiên, mơ ước vẫn cứ là mơ ước và đó chính là giấc mơ Mỹ luôn day dứt trong tôi…
TÁC GIẢ #NGUYỄN SINH