Tustin Nailspa là tiệm thẩm mỹ làm móng khá sang nằm trên đường Tustin Street, thành phố Cam, miền Nam California nhưng liên tục gặp rắc rối với pháp luật.

Giữa tháng 12 vừa qua, 4 nhân viên làm móng gốc Việt gồm Nguyễn Tuyết Mai, Phạm Thu Hằng, Trương Trinh, và Jenny Hoàng được tổ chức pháp lý bênh vực người gốc Á – Asian American Advancing Justice gọi tắt là AAAP – đại diện nộp đơn khởi kiện Tustin Nailspa bóc lột nhân viên.

4 phụ nữ làm việc tại Tustin Nailspa trong hơn thập niên qua với 4 đời chủ khác nhau. Mọi vấn đề bắt đầu từ năm 2005 khi tiệm tăng thêm ghế làm móng. “Họ không thể chờ, chỉ muốn thu hồi tiền đầu tư ngay lập tức,” cô Jenny Hoàng cho hay, “vì vậy họ dồn hết trên đầu chúng tôi.”

Theo đơn kiện, 4 nhân viên thường làm việc liên tục 10-12h/ngày, thậm chí không được nghỉ ăn trưa, nhận lương dưới mức tối thiểu, không những không được trả tiền làm thêm giờ mà còn bị trừ vào việc sử dụng ghế và vật liệu trong tiệm.

Hồ sơ kiện cũng nhắc, vào năm 2013 Tustin Nailspa từng bị cáo buộc tương tự dẫn đến cuộc điều tra của Ban Thực thi Tiêu chuẩn Lao động. Uỷ viên Lao động Julie A. Su cho biết, hai đồng chủ tiệm Trần và Nguyễn bị phạt $28.000 Mỹ kim trong vụ này.

Có thông tin, để tránh trách nhiệm hình sự, chủ cũ đã sang tiệm cho người thân, và hành vi sai trái được “truyền” từ đời chủ này sang đời chủ khác. Chính vì vậy, nguyên đơn khởi kiện cả chủ mới lẫn các chủ cũ.

“Tôi không thể lên tiếng cho những người chủ khác, nhưng thân chủ của tôi không làm gì sai trái trong thời gian quản trị tiệm, vì vậy họ không nên bị kéo vào vụ kiện ngay từ đầu,” Luật sư Karlfeldt Su đại diện những người chủ thứ hai nói. Luật sư Divid Ezra bảo vệ chủ đầu tiên cũng phản đối các cáo buộc. Theo tường trình từ tờ Orange County Register, luật sư đại diện chủ hiện tại trình bày trước toà, cho rằng 4 nguyên đơn là những “nhân viên đầy bất mãn.”

Vụ kiện ban đầu được một luật văn phòng luật sư tư nhân đệ lên vào đầu năm 2015 nhưng mòn mỏi chờ đợi, và 4 phụ nữ gốc Việt buộc phải thay đổi nhóm đại diện pháp lý 3 lần. Theo AAAP, luật sư đầu tiên phải rời bỏ vụ kiện vì xung đột quyền lợi, luật sư thứ nhì thì không rành Việt ngữ. Lần này, các luật sư từ AAAP cùng với công ty luật Hadsell Stormer & Renick LLP ở Los Angeles hy vọng vụ kiện sẽ đem lại ảnh hưởng to lớn hơn ngoài các thân chủ của họ.

AAAP đưa ra những thách thức mà người nhập cư phải đối mặt khi làm việc với hệ thống luật pháp phức tạp của Mỹ. Trong khi ngành công nghiệp làm móng phát triển, đem lại nhiều công ăn việc làm cho những người nhập cư thì nhiều nhân viên đã bị ngược đãi trong khi vật lộn để kiếm sống. Đệ đơn kiện là biện pháp cuối cùng và là một thách thức lớn nhưng những phụ nữ gốc Việt dự tính sẽ đưa vụ này ra một phiên xử bồi thẩm đoàn.

Việc đối xử nhân viên tại các tiệm làm móng trên cả nước bị “săm soi” kỹ sau cuộc điều tra của báo New York Times vào năm 2015, phát giác việc người lao động bị bóc lột. Nhiều nhân viên làm móng được trả lương dưới mức tối thiểu và lương của họ bị giữ bất hợp pháp.
Thẩm mỹ làm móng là ngành công nghiệp $8,5 tỉ Mỹ kim ở Mỹ. Tại California, người gốc Việt làm chủ 60% những cơ sở này.
Theo Broadly

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: