TN – Trong buổi trò chuyện cùng Tổng thống Obama sáng 25-5 tại TP.HCM, một bạn trẻ Việt đã trăn trở về việc quản lý tài năng, quản lý nhân sự của Việt Nam. Làm sao để Việt Nam không chảy máu chất xám?
Ông Obama bắt tay những thủ lĩnh trẻ – Ảnh: Công Nhật
Câu hỏi của bạn trẻ này một lần nữa nhắc lại vấn đề chảy máu chất xám và giữ chân nhân tài của Việt Nam hiện nay.
Làm sao để người tài ở lại Việt Nam?
Là một trong số những người may mắn được chọn để đặt câu hỏi với Tổng thống Obama, Nguyễn Mạnh Hiếu – sinh viên năm 1 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – nói:
Việt Nam đã gia nhập AEC và TPP, bên cạnh những cơ hội còn rất nhiều thách thức đặt ra. Rất nhiều công ty nước ngoài muốn thu hút nhân tài từ Việt Nam và chúng ta không thể chỉ trông chờ vào lòng yêu nước để giữ chân người tài.
“Vậy theo ông, Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để những người tài ở lại và xây dựng, cống hiến cho đất nước?”, Nguyễn Mạnh Hiếu hỏi.
Có cùng những trăn trở này, một bạn đọc của báo TT cho biết mình là người của chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại một tỉnh ở miền Trung. Bạn đọc cho biết sau khi học xong về nước, việc làm vẫn như cũ, chỉ ngồi chơi xơi nước, môi trường phát huy những gì đã học không có, kiến thức thì ngày một mai một đi.
Nhiều người khác cũng trăn trở không kém về việc muốn cống hiến cho quê hương, muốn làm việc và sinh sống trên mảnh đất quê cha đất tổ. “Nhưng ai ai cũng sẽ nản với phong cách làm việc “bằng mặt hơn bằng cấp” đang phổ biến ở đất nước ta” – một bạn đọc viết.
Nhiều bạn trẻ còn đề cập vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, chưa đủ sức để người tài ở lại.
Gợi ý từ Tổng thống Obama
Trả lời câu hỏi này, Tổng thống Obama cho rằng TPP là cơ hội cho các công ty nước ngoài đến Việt Nam với tư cách nhà đầu tư hoặc đối tác kinh doanh với những công ty Việt Nam vốn có sẵn hệ thống, sự hiểu biết về văn hóa. Và họ cũng sẽ tìm kiếm những tài năng trẻ.
“Nếu bạn mở một công ty nhận dạng tài năng, giúp những người làm kinh doanh tuyển dụng nhân tài, tôi chắc chắn việc này sẽ rất tốt”, ông Obama nói.
Tổng thống Obama nói ông không phải là chuyên gia về kinh tế, tuy vậy ông cũng đưa ra một vài gợi ý.
Tổng thống Obama đề cập đến LinkedIn – nơi tạo ra nền tảng để mọi người có thể đưa lên và liên tục cập nhật thông tin ứng viên của mình và nó trở thành một công cụ đầy hiệu quả trong việc tuyển dụng.
“Các bạn có thể áp dụng những phương thức phát hiện nhân tài như vậy ở Việt Nam”, ông gợi ý.
“Cách tốt nhất để giữ chân nhân tài tại bất kỳ quốc gia nào chính là nhân tài phải được nhìn nhận, tưởng thưởng xứng đáng. Để làm được điều đó, cần phải có một hệ thống pháp lý mạnh mẽ, một nền giáo dục tốt và khả năng khởi nghiệp dễ dàng” – ông chủ Nhà Trắng nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Obama, chính sách về thuế quan, xây dựng cơ sở hạ tầng… của Chính phủ Việt Nam cũng phải tốt để mọi người cảm thấy nếu ở lại Việt Nam, đây là nơi tốt nhất để ở và họ hoàn toàn có thể làm tốt.
Obama cho rằng những hiệp định kinh tế sẽ thúc đẩy chính phủ tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, nơi mà những tài năng trẻ không có lý do gì để bỏ đi khi họ hoàn toàn có thể làm nên điều tuyệt vời trên chính quê hương mình.
“Không ai muốn từ bỏ nếu họ nhìn thấy cơ hội ngay trên chính quê hương mình. Người ta chỉ bỏ đi khi thấy bế tắc, trì trệ”, Obama đúc kết.
Một vấn đề khác được Obama đề cập đến chính là bảo vệ môi trường. Ông cho biết một số quốc gia khó tuyển dụng được nhân tài vì môi trường ô nhiễm.
Obama còn đề cập vấn đề tham nhũng. Ông nói: “Nơi để mất nhân tài chính là nơi có tham nhũng, nơi mà bất kể bạn làm việc vất vả ra sao, bạn vẫn phải dùng tiền để mua chuộc hoặc thuê ai đó lấy giấy phép để làm một điều gì đó. Họ sẽ cảm thấy thất vọng, bất lực…”.
Chim sẽ đậu, nếu…
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp (ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng cần phải xem xét lại chế độ lương, thưởng.
“Tôi tham gia trao giải một cuộc thi sáng chế, giải nhất được 15 triệu đồng. Trong khi đó, nhìn những game show truyền hình xem, tiền thưởng đã lên đến hàng trăm triệu. Khuyến khích sáng tạo, khuyến khích người tài, coi trọng chất xám kiểu như thế không được” – ông Hiệp thẳng thắn góp ý.
Theo ông Hiệp, có nhiều người Việt ở nước ngoài tuy không “rạng danh” nhưng họ vẫn bám trụ, không về Việt Nam vì về rồi liệu có “đậu” được trên “đất” này, với cơ chế này hay không. Hay về rồi lại thui chột kiến thức đã học hoặc chạy theo những cách kiếm tiền không minh bạch vì đồng lương không đủ trang trải cuộc sống”.
Ông Hiệp cho rằng “có thực mới vực được đạo”. Phải làm sao để lương đủ sống, không phải lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền” thì người tài mới tập trung vào chuyên môn và đổ dồn chất xám của mình để xây dựng đất nước.
Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, cho rằng muốn thu hút và giữ chân người tài, cần phải tạo sự minh bạch, công bằng trong các kỳ tuyển dụng và bố trí công việc đúng với chuyên môn, sở trường để họ phát huy năng lực, thay vì những vị trí không phù hợp, vừa lãng phí tài năng vừa lãng phí tiền bạc.
Ngoài ra, theo GS Kỳ Anh, phải đặc biệt chú trọng đến chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cho những tài năng trong các lĩnh vực.
Nếu lương quá thấp, đãi ngộ không nhiều, thưởng không cao thì không thể tạo động lực cho người có khả năng về làm việc cho đất nước, khi mà ở những nơi khác họ không chỉ được bảo đảm về mặt đời sống vật chất mà còn được tạo mọi điều kiện để phát huy khả năng trong lĩnh vực mình làm việc.
Đề xuất cho TP.HCM từ những người trẻ
Sinh viên Nguyễn Mạnh Hiếu cho rằng những người trẻ cần phải tự mình vận động trước để cùng xây dựng một môi trường, một đất nước tốt hơn bởi nếu những người trẻ không hành động, ai sẽ làm thay họ?
Trần Ngọc Phương Thảo, sinh viên năm nhất Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cũng mong muốn những người trẻ phải sống vì cộng đồng nhiều hơn nữa.
“Mình cũng hi vọng nền giáo dục nước nhà sẽ đẩy mạnh hơn trong việc giáo dục con người nhận thức xã hội và giúp đỡ người khác chứ không chỉ là học lý thuyết suông”, Phương Thảo nói.
Võ Hương – Công Nhật – An Nhiên