Gia đình các nạn nhân vụ khủng bố vẫn sống trong sợ hãi suốt nhiều năm, đồng thời không muốn sự kiện bị lợi dụng vì mục đích chính trị
Một phụ nữ cầm tấm biển in hình người thân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 tới lễ tưởng niệm tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Mỹ hôm nay. Ảnh: AP. |
Người dân Mỹ hôm nay tổ chức lễ kỷ niệm 17 năm ngày diễn ra vụ khủng bố 11/9 với các hoạt động tưởng nhớ và một số dự án tình nguyện. Một đài tưởng niệm mới cho các nạn nhân cũng vừa khánh thành tại bang Pennsylvania hôm 8/9, AP đưa tin.
Vụ khủng bố xảy ra vào năm 2001 khi nhóm không tặc thuộc tổ chức Hồi giáo al-Qaeda lái hai phi cơ lao vào Tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York, khiến cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ và gần 3.000 người thiệt mạng. Trong số hai máy bay dân dụng bị kiểm soát khác có một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc còn lại rơi xuống cánh đồng gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania.
Margie Miller, vợ của Joel Miller, một trong số các nạn nhân, cùng những người sống sót, đội cứu hộ và nhiều người khác đã tập trung tại quảng trường tưởng niệm tại New York, nơi hai tòa tháp sụp đổ.
“Với tôi, anh ấy vẫn ở đây. Chỗ này là thánh địa của tôi”, bà Miller chia sẻ trước khi buổi lễ bắt đầu với một khoảng lặng. Tiếng chuông ngân lên lúc 8h46 (giờ địa phương), thời điểm hai chiếc máy bay lao vào trung tâm thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence cũng sẽ tham gia các lễ tưởng niệm. Trump và phu nhân Melania dự kiến tới đài tưởng niệm mới tại bang Pennsylvania, nơi một trong bốn chiếc máy bay rơi xuống. Còn Pence sẽ tham gia lễ tưởng niệm tại Lầu Năm Góc.
Đài tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 với tên gọi “Tower of Voices” mới khánh thành tại bang Pennsylvania. Ảnh: AP. |
Sự kiện 11/9 đã ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách của Mỹ và tâm lý người dân dù 17 năm đã qua. “Bạn không muốn sống trong nỗi sợ hãi, nhưng nó rất chân thực”, bà Miller cho biết.
Ngay sau lễ kỷ niệm vào năm ngoái, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông gần Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến 8 người thiệt mạng. Nghi phạm được cho là lấy cảm hứng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Debra Sinodinos, thân nhân của lính cứu hỏa Peter Carroll thiệt mạng trong sự kiện 11/9, cho biết cô phải cố gắng không để những cuộc tấn công khủng bố làm mình trở nên yếu đuối. “Bạn phải để mọi thứ qua đi, nếu không bạn sẽ sống trong sợ hãi”, cô cho biết.
Dù lễ kỷ niệm đã trở nên quen thuộc, gia đình của các nạn nhân vẫn không ngừng truyền tải những thông điệp cá nhân và bày tỏ sự lo ngại với tình hình đất nước. Nicholas Haros Jr., con của một nạn nhân 76 tuổi, kêu gọi các chính trị gia ngừng lợi dụng sự kiện 11/9 để phục vụ mục đích chính trị.
“Hãy dừng lại đi. Đừng lợi dụng tro cốt những người thân yêu của chúng tôi làm đạo cụ trong nhà hát chính trị của các người. Cuộc sống và sự hy sinh của họ đáng giá hơn rất nhiều. Đừng coi thường chúng”, anh nhấn mạnh.
Việc xây dựng lại các công trình bị thiệt hại sau vụ khủng bố vẫn tiếp tục. Một ga tàu điện ngầm bị phá hủy đã hoạt động trở lại hôm 8/9. Hồi tháng 6, tòa nhà 80 tầng thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới được xây gần khu vực xảy ra thảm họa đã mở cửa.