Ngày nghỉ quá dài, ăn nhậu, tiêu xài bạt mạng, hàng lô tệ nạn do sự hưởng thụ quá đà… Đã có đề nghị chỉ nên ăn tết tây cho gọn nhẹ. Thế nhưng, hãy tưởng tượng đến một ngày, tết cổ truyền chỉ còn là di sản…

11_eatttrongbai_NLNENgười dân Hà Nội đi mua hoa đào đón tết – Ảnh:Ngọc Thắng

Không còn xuân để con về…
Như một câu chuyện giả tưởng đã từng có thật (ở nước Nhật chẳng hạn), có một năm nhà nước ta thử nghiệm khuyên dân bỏ cái tết cổ truyền để thử tập trung ăn cái tết Tây một năm xem sao. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Sẽ có hàng triệu công nhân và những người làm ăn “tha phương cầu thực” không trở về quê sum họp gia đình. Mỗi năm, cứ mỗi dịp xuân về tết đến là có đến hàng nửa triệu Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới không còn mang những túi tiền “rủng rẻng” về quê hương ăn tết.
Điều gì đã khiến những người con xa xứ này cứ đau đáu với quê hương bản quán trong những ngày đầu năm đến thế nếu như họ chỉ thấy có những phiền toái bực bội trong mấy ngày xuân?
Dường như đang có một “phong trào” trêu ngươi trên mạng là “Tết này con không về” của một nhóm những người trẻ. Nói nghe cho “oách” vậy thôi, chứ những bạn trẻ ấy chắc sẽ về quê ăn tết và nếu không về thì cũng chẳng vui vẻ gì với những cái tết tha phương.
Những lễ tục được xem là “phiền toái” như sum họp, lì xì, chúc tết, thăm viếng hỏi han, ăn uống vui vầy ngày tết, xét cho cùng chính là những tinh hoa của các lễ tục đã tồn tại cả ngàn năm của thời kỳ nông nghiệp. Nó thể hiện sự phong mật, tràn đầy, hy vọng của những xứ sở đã từng đạt được những đỉnh cao văn hoá trước thời đại công nghiệp gần đây.
Duy lý hay ấu trĩ?
Có lẽ, dưới mắt của những người duy lý, cái tết cổ truyền của nước ta chứa đựng khá nhiều điều vô lý. Ky cóp, quần quật cả năm để rồi tiêu pha chỉ trong chớp mắt theo kiểu “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” của Xuân Diệu. Đi làm ăn xa, khi về có ra sao thì cũng cố chứng tỏ phong lưu dư dật, cho người này, tặng người kia. Ngày tết, ăn cái gì, chơi cái gì cũng đắt đỏ, nhưng cũng bấm bụng tặc lưỡi cho qua “Tết mà!”. Rồi lễ nghĩa, tết cha, tết thầy, tết bạn, tết bà con, tết thủ trưởng, tết đồng nghiệp…
Thế còn những niềm hạnh phúc trong ngày tết thì sao? Ai lại không thấy vui khi sum họp gia đình, thân quyến, bằng hữu? Ai lại không thấy vui khi quét dọn, tân trang nhà cửa, chưng bàn thờ, mua một gốc đào, cội mai, đón giao thừa bên nồi bánh chưng, bánh tét? Rồi chén thù chén tạc bên ấm trà, ly rượu, chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất, mong một năm may mắn, tươi sáng, hanh thông?
Như nhà triết học, nhân chủng và dân tộc học nổi tiếng người Pháp Levi-Strauss có nói: “Cần phải lục lọi vào tận đáy sâu của các tập tục và của cách ứng xử vì trong lĩnh vực này, không có cái gì là tầm phào, không có lý do và vô bổ cả”.
Và đời người thì được đếm bằng những mùa xuân…
Sẽ thành di sản?
Hiện nay, chỉ còn có sáu quốc gia của châu Á trong đó có Việt Nam là còn ăn tết cổ truyền theo âm lịch mà thôi. Người Nhật, ngay từ thời Minh Trị đã không còn ăn “tết ta” mà đã ăn “tết tây”. Có những giá trị văn hoá cổ truyền rất rực rỡ mà người Nhật đã đánh đổi để có được sự phú cường kinh tế mà sau này nhiều nhà văn hoá của Nhật đã phải tiếc nuối. Cái tết cổ truyền là một trong những điều đó, dù người Nhật vẫn ăn tết tây theo kiểu cổ truyền. Nhưng chắc chắn một điều là đó là những cái tết cổ truyền không trọn vẹn.
Những tranh cãi về các tập tục ngày tết, thậm chí là những đề nghị bỏ tết cổ truyền cũng đã được đưa ra ngày càng nhiều trong những năm gần đây ở nước ta. Thế nhưng việc giữ gìn và phục hồi các bản sắc văn hoá cũng là một xu hướng mới trong thời toàn cầu hoá. Ta có thể thấy điều đó qua việc phục hồi rất nhiều lễ hội cổ truyền ở nước ta, như những lễ hội thậm chí mang tiếng là “dã man” như lễ hội “chém lợn” ở làng Ném Thượng chẳng hạn.
Trước những nguy cơ mai một của một bản sắc văn hoá nào đó, Tổ chức giáo dục, văn hoá và khoa học của Liên Hiệp Quốc thường ra tay công nhận là di sản thế giới. Liệu UNESCO sẽ có ngày phải công nhận cái tết cổ truyền của ta là di sản văn hoá phi vật thể chăng?
Và lúc đó có lẽ cái tết cổ truyền của ta cũng đã ở mức lụi tàn…

Đoàn Đạt

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.