Các hành vi thù ghét người gốc Á không chỉ gia tăng ở Mỹ mà còn xuất hiện tại châu Âu trong năm qua, khiến nhiều người không dám ra đường.

Sự đau buồn và phẫn nộ sau khi 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng trong vụ xả súng gần đây tại ba spa ở Atlanta, bang Georgia đã khiến nhiều người chú ý đến tình trạng kỳ thị chủng tộc và gia tăng bạo lực với người châu Á ở Mỹ.

Nhưng đây không chỉ là vấn đề của Mỹ. Từ Anh đến Australia, các hành vi thù ghét người gốc Á đã gia tăng tại châu Âu trong thời kỳ đại dịch. Một số chính trị gia phương Tây đã liên tục nhấn mạnh mối liên hệ giữa Trung Quốc với Covid-19 và với bối cảnh đó, những người gốc Đông Á và Đông Nam Á tại châu lục này ngày càng trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc.

Một người biểu tình mặc áo và giơ biểu ngữ có dòng chữ hãy dừng tội ác thù ghét người gốc Á tại Texas ngày 21/3. Ảnh: AFP.

Một người biểu tình mặc áo và giơ biểu ngữ có dòng chữ “ngừng thù ghét người gốc Á” tại Texas ngày 21/3. Ảnh: AFP.

Nhưng nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và Bỉ, không thu thập dữ liệu nhân khẩu học dựa trên sắc tộc vì lý do lịch sử, gây khó khăn cho việc nắm được chính xác quy mô của vấn đề.

Tại Anh, số liệu của Cảnh sát Thủ đô London cho thấy hơn 200 tội ác thù ghét với người Đông Á đã xảy ra tháng 6-9/2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Peng Wang, giảng viên người Trung Quốc tại Đại học Southampton, Anh, bị 4 thanh niên da trắng trong độ tuổi 20-25 tấn công trong lúc đang chạy bộ gần nhà hôm 23/2. “Vài gã điên rồ ngồi trong xe và hét lên với tôi từ phía bên kia đường”, giảng viên 37 tuổi nói. “Họ nói ‘virus Trung Quốc, cút khỏi đất nước này đi, đồ khốn'”.

Khi Wang phản bác, nhóm thanh niên ra khỏi xe, đấm vào mặt và đá anh ngã nhào xuống đường.

Giảng viên Peng Wang bị chảy máu mũi sau vụ hành hung ở Southampton, Anh hôm 23/2. Ảnh:SCMP.

Giảng viên Peng Wang bị chảy máu mũi sau vụ hành hung ở Southampton, Anh hôm 23/2. Ảnh:SCMP.

Mặc dù Wang không bị thương nặng, vụ tấn công đã để lại “bóng ma tâm lý”, khiến anh sợ ra khỏi nhà, lo lắng về tương lai ở Anh và sự an toàn của cậu con trai nhỏ. “Điều họ làm thật kém văn minh, không nên xảy ra điều đó trong xã hội ngày nay. Họ đối xử với tôi như một con vật”, anh nói. Cảnh sát sau đó đã bắt hai nghi phạm.

“Khi Donald Trump làm tổng thống Mỹ, ông ấy đã gọi nCoV là ‘virus Trung Quốc’, điều đó hoàn toàn sai”, Wang nói thêm.

Trong cuộc tranh luận hồi tháng 10 về vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người Hoa và gốc Đông Á tại quốc hội Anh, nghị sĩ David Linden cho biết một số cử tri “đã mô tả các nhà hàng và cửa hàng bán đồ ăn mang về bị phá hoại hay tẩy chay, nhiều nạn nhân bị đấm và nhổ nước bọt khi đi trên phố, thậm chí bị lăng mạ và đổ lỗi gây ra Covid-19”.

Một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện vào tháng 6 cho thấy 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng bị lăng mạ bằng từ ngữ phân biệt chủng tộc. Khi đại dịch hoành hành khắp châu Âu, các nhà hoạt động ở Tây Ban Nha và Pháp cũng bắt đầu nhận thấy vấn đề. Các chiến dịch như lan truyền từ khóa “Tôi không phải virus” được tạo ra để nâng cao nhận thức đối với tình trạng bạo lực nhắm vào người châu Á.

Tháng 3/2020, Thomas Siu, người Mỹ gốc Hoa 30 tuổi, cho biết anh bị tấn công ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, sau khi hai người đàn ông hét lên những lời phân biệt chủng tộc liên quan đến Covid-19.

Siu cho biết trong tháng 1-3/2020, anh bị lăng mạ 10 lần. Sau đó, anh quyết tâm không nhẫn nhịn chịu đựng mà quát lại những người kỳ thị mình. Nhưng anh bị họ đánh bất tỉnh. “Tôi luôn biết rõ rằng có phân biệt chủng tộc ở đây nhưng mọi người không thực sự thừa nhận điều đó”, Siu nói.

Susana Ye, nhà báo Tây Ban Nha 29 tuổi, người đã thực hiện một bộ phim tài liệu về cộng đồng người Hoa ở nước này năm 2019, nói với CNN rằng vấn đề bạo lực đối với người gốc Á ở Tây Ban Nha đã bị báo chí nước này coi là điều bình thường và ít đưa tin hơn.

“Đối với nhiều người, đó không phải là vấn đề quan trọng vì nhiều nhà báo không sống trong cộng đồng người gốc Á hoặc quen biết họ”, cô nói. “Họ không có quan điểm chống phân biệt chủng tộc và họ không hiểu gì về các cộng đồng khác ngoài cộng đồng của họ”.

Cô nói rằng vấn đề tội ác thù ghét ít được quan tâm ở Tây Ban Nha do rào cản ngôn ngữ, một số người lo sợ bị trục xuất, còn người cao tuổi thường có xu hướng giữ im lặng. “Mọi người lăng mạ và hành hung chúng tôi vì họ tin rằng chúng tôi sẽ không phản ứng lại”, cô nói. “Họ đã quen với việc chúng tôi không lên tiếng”.

Quan Zhou Wu, họa sĩ truyện tranh sống ở Madrid, Tây Ban Nha, đồng ý với quan điểm này. “Vụ xả súng ở Atlanta không lên trang nhất của truyền thông Tây Ban Nha, đó là một tin tức siêu nhỏ, chúng tôi như người vô hình vậy”, cô nói. Một báo cáo năm 2019 của chính phủ Tây Ban Nha cho thấy 2,9% người gốc Á sống ở nước này là nạn nhân của tội ác thù ghét.

Tại Pháp, các nhà vận động cho biết đại dịch đã khiến vấn đề kỳ thị người gốc Á trở nên tồi tệ hơn. Sun-Lay Tan, phát ngôn viên của Security for All, tổ chức đại diện cho hơn 40 hiệp hội người gốc Á, nói: “Kể từ năm ngoái, nạn phân biệt chủng tộc đã trở nên rõ ràng hơn. Nhiều người công khai nói rằng họ không thích người gốc Á và không thích Trung Quốc”.

Nhóm này ước tính rằng vào năm 2019, cứ hai ngày lại có một tội ác thù ghét với người gốc Á xảy ra chỉ riêng ở khu vực Paris. Một người từng bị đánh đến trật khớp vai vào đêm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa mới vào tháng 10/2020.

Tan cho biết lần đầu tiên anh trải nghiệm chủ nghĩa bài ngoại ở Pháp là vào tháng 2/2020, khi một người đàn ông đổi chỗ trên tàu điện ngầm sau khi Tan ngồi xuống bên cạnh.

“Cha mẹ chúng tôi bị phân biệt chủng tộc nhưng họ chấp nhận vì họ muốn hòa nhập với đất nước. Chúng tôi là thế hệ thứ hai của những người nhập cư ở Pháp, trách nhiệm của chúng tôi là lên tiếng và làm cho nước Pháp tốt đẹp hơn cho thế hệ tiếp theo”, anh nói.

Nhà làm phim Popo Fan ở Berlin, sinh ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho biết tình hình rất tồi tệ vào đầu đại dịch. Anh sợ đi ra ngoài và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Khi đại dịch mới bùng lên, tôi đã bị nhổ nước bọt, chửi rủa trên tàu điện ngầm ở Berlin”, Fan nói. “Tôi không biết phải nghĩ sao, vì kẻ tấn công tôi cũng là người nhập cư. Anh ta say rượu và có lẽ có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp hơn. Tôi cảm thấy như xã hội Đức đã không cung cấp cho anh ấy đủ nguồn lực hoặc giáo dục về đa dạng chủng tộc và y tế cộng đồng. Anh ấy không tiếp cận được những thông tin đó”.

Tan cho rằng trách nhiệm thuộc về giới chức Đức, những người “dường như không quan tâm đủ đến các vấn đề chủng tộc”. Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, anh đã nhiều lần bị nhắm mục tiêu trên đường phố. “Một người hét vào mặt tôi rằng ‘hãy cút về Trung Quốc đi’. Cảnh sát nói rằng họ không thể làm được gì”, Tan nói.

Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu. Một báo cáo hồi tháng ba của Viện Lowy ở Australia cho thấy hơn 1/3 người Australia gốc Hoa cảm thấy họ bị đối xử khác biệt hoặc tiêu cực hơn trong năm qua. 18% nói rằng họ đã bị đe dọa hoặc hành hung.

Tại Anh, Kay Leong, sinh viên Singapore kể rằng một người bán hoa hồng trên phố đã hét lên “Covid-19, Covid-19” sau khi cô từ chối mua hoa. “Tôi không phải là người gốc Hoa nhưng tôi có thể tưởng tượng tất cả người gốc Á sẽ có cảm giác như nhau trước kiểu phân biệt chủng tộc này”, cô cho biết. “Nhưng tôi phải nói rằng kiểu phân biệt chủng tộc hoặc đe dọa này không phải là mới, tôi đã phải đối mặt với nó kể từ khi đến London vào năm 2016 để học đại học”.

Kate Ng, nhà báo 28 tuổi người Malaysia gốc Hoa tại tờ Independent của Anh, nói rằng mặc dù tình hình ở Anh không nghiêm trọng bằng Mỹ, nó đã đủ để khiến những người gốc Đông Nam Á ớn lạnh.

“Tôi muốn ra ngoài một mình. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Có khả năng tôi sẽ bị lăng mạ hay tấn công hay không? Nỗi sợ hãi đó là rất rõ ràng”, cô nói.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: