Bộ Tài chính Mỹ ngày 17.5 công bố tổng nợ công của nước này và lần đầu tiên cho biết chính xác số nợ Ả Rập Xê Út.

myno_WVWWLược đồ về nợ công của Mỹ tính đến cuối tháng 3.2016

Bloomberg ngày 17.5 dẫn số liệu chính thức từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết tính đến ngày 31.3.2016, nợ công nước này là 19.160 tỉ USD, trong đó nợ nước ngoài 6.290 tỉ USD. Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với 1.240 tỉ USD, tiếp theo là Nhật Bản 1.140 tỉ USD. Cũng theo Bloomberg, số nợ Nhật có chiều hướng sẽ tăng thêm do chính quyền Tokyo dự tính mua thêm trái phiếu Mỹ, còn Trung Quốc lại tỏ dấu hiệu sẽ bán bớt.
Đáng chú ý, Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh với không đầy 60.000 dân, nhưng nắm tới 265 tỉ USD trái phiếu Mỹ. Quần đảo này là một trong những “thiên đường thuế” khét tiếng và đã xuất hiện trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới vừa qua. Ngoài ra, Mỹ còn nợ Bermuda, một “thiên đường thuế” khác 63 tỉ USD.
Giới chuyên gia nhận định nợ công Mỹ vẫn đang có chiều hướng tăng nhanh. Dù khả năng vỡ nợ hầu như bằng không, nhưng hình ảnh chiếc đồng hồ nợ công ở trung tâm New York liên tục nhảy số từng giây từng phút vẫn khiến nhiều người lo lắng.
Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòaDonald Trump nhiều lần chỉ trích chính phủ “biến quốc gia thành chúa Chổm”. Ông cũng tuyên bố sẽ “tái cấu trúc” và giảm nợ công bằng những biện pháp quyết liệt như thương lượng lại với chủ nợ, mua lại trái phiếu với giá thấp trên thị trường, đánh thuế lên hàng nhập khẩu, tăng thuế đối với giới giàu có… Những tuyên bố này lập tức bị giới chuyên gia và quan chức chỉ trích là “mơ hồ, viển vông” và sẽ gây hại cho Mỹ về kinh tế, ngoại giao…
Bí ẩn Ả Rập Xê Út
Cũng trong đợt công bố lần này, Washington đã giải đáp một trong những câu hỏi lớn nhất thế giới tài chính trong hơn 40 năm qua: Mỹ nợ Ả Rập Xê Út bao nhiêu tiền? Theo số liệu, Ả Rập Xê Út đang nắm trong tay 116,8 tỉ USD giá trị trái phiếu tính đến tháng 3.2016, đứng thứ 13 trong danh sách chủ nợ của Mỹ.
Không giống như các chủ nợ lớn khác, kể từ thập niên 1970, Bộ Tài chính Mỹ không công bố cụ thể số nợ Ả Rập Xê Út. Theo Đài RT, đây là kết quả của một thỏa thuận đặc biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Khi đó, các thành viên Ả Rập của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cộng thêm Ai Cập và Syria cấm bán dầu cho Mỹ cùng một số đồng minh, để trả đũa việc hậu thuẫn quân sự cho Israel trong cuộc chiến Yom Kippur. Quyết định này khiến giá dầu thế giới tăng mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Để giải quyết, Mỹ bí mật thương thảo với Ả Rập Xê Út và cam kết giữ kín số nợ như bằng chứng cho quan hệ chiến lược gắn bó giữa hai nước. Đây cũng là một trong những điều kiện để Washington được ưu tiên tiếp cận nguồn dầu mỏ dồi dào của đồng minh.
Động thái bất ngờ của Bộ Tài chính Mỹ được các chuyên gia đánh giá là phản ánh những diễn biến xấu gần đây trong quan hệ song phương. Ả Rập Xê Út thời gian qua tỏ ra khó chịu với Mỹ về nhiều vấn đề như phương Tây cải thiện quan hệ với Iran và tình hình Trung Đông. Đặc biệt là hồi tháng 4, Ả Rập Xê Út đe dọa sẽ bán số tài sản trị giá 750 tỉ USD ở Mỹ, bao gồm cả trái phiếu của Bộ Tài chính, nếu quốc hội Mỹ thông qua dự luật mở đường cho gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11.9.2001 khởi kiện chính quyền Riyadh, vốn bị nghi ngờ là có liên quan đến vụ việc.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến nghi ngờ con số 116,8 tỉ USD. Theo CNN, Ngân hàng Trung ương Ả Rập Xê Út từng công bố đang sở hữu 587 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và 2/3 trong số này là USD. Nhiều nhà phân tích cho rằng có thể số nợ thật lớn hơn rất nhiều nhưng được phân tán qua các quỹ ký thác ở nhiều quốc gia hoặc vẫn chưa được bạch hóa hoàn toàn vì lý do chính trị. “Chính trị lúc nào cũng đầy bí mật và tài chính cũng vậy”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia David Ottoway thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson (Mỹ) nói.

Thụy Miên

 

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!