TT – Thượng nghị sĩ Ted Cruz giành chiến thắng nhanh chóng trước tỉ phú Donald Trump và thượng nghị sĩ Marco Rubio của phe Cộng hòa.

Bà Clinton mëng chi¿n th¯ng bên gia ình tÑi 1-2 ß Iowa - ¢nh: Reuters

Bà Clinton mừng chiến thắng bên gia đình tối 1-2 ở Iowa – Ảnh: Reuters

Thượng nghị sĩ Ted Cruz giành chiến thắng nhanh chóng trước tỉ phú Donald Trump và thượng nghị sĩ Marco Rubio của phe Cộng hòa; trong khi phía Dân chủ là cuộc đua sít sao giữa bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders.

Cuộc bầu chọn khởi động ở Iowa vào tối 1-2 tuy vậy cũng là chặng cuối của một số ứng viên. Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley của phe Cộng hòa và thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee của phe Dân chủ cùng rút lui vì tỉ lệ ủng hộ quá thấp.

Cuộc đua 3 người 
của Cộng hòa

Kết quả bầu cử theo hình thức họp kín cho thấy thượng nghị sĩ Cruz của bang Texas giành 28% số người ủng hộ, nhiều hơn 4% so với người về nhì là ông trùm bất động sản Donald Trump. Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio giành 23% số người ủng hộ, vượt ngoài sự kỳ vọng.

Ở phía Dân chủ, trong suốt quá trình kiểm đếm, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn đầu với sự chênh lệch chưa đến 1% so với tỉ lệ ủng hộ dành cho thượng nghị sĩ Sanders của bang Vermont. Nhưng điều đó cũng đã quá đủ để ban vận động tranh cử của bà Clinton tuyên bố đã giành chiến thắng nhờ 50% số ủng hộ.

Cuộc đua dự kiến sẽ gay cấn hơn tại cuộc bầu cử theo hình thức bỏ phiếu kín tại bang New Hampshire ngày 9-2. Cuộc bầu cử ở New Hampshire quan trọng không kém ở Iowa vì có truyền thống định hướng bỏ phiếu của cử tri toàn quốc đối với các ứng cử viên tổng thống của mỗi đảng.

“Tối nay là chiến thắng cho những người bảo thủ can trường khắp Iowa và đất nước này” – ông Cruz hào hứng trong bài phát biểu ăn mừng kéo dài hơn 30 phút. Ông cũng không quên mỉa mai hai ứng viên còn lại khi nói rằng “ứng viên của Đảng Cộng hòa và tổng thống Mỹ sẽ không được chọn ra bởi truyền thông hay định chế ở Washington”.

Trong khi đó, cố vấn của ông Trump tuyên bố rằng họ cũng dự đoán sẽ về nhì ở Iowa. Tuy nhiên, nhà tỉ phú Mỹ cho biết ông vẫn kỳ vọng giành được vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đang dẫn đầu tỉ lệ ủng hộ của cử tri Cộng hòa trên toàn quốc và cả New Hampshire.

Bước lên bục phát biểu sau khi kết quả được công bố, ông Rubio cũng mạnh mẽ như một người chiến thắng.

“Đây là giây phút mà mọi người đều nói nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nhiều tháng qua, họ đã nói rằng chúng ta chẳng có cơ hội nào – ông Rubio phát biểu với người ủng hộ – Đêm nay chúng ta đã có bước quan trọng đầu tiên đến chiến thắng”.

Dù về thứ ba trong cuộc bỏ phiếu nhưng theo giới phân tích, ông Rubio mới là người chiến thắng thật sự. Kết quả này sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ, đóng góp tài chính từ những người ủng hộ các ứng viên ôn hòa khác như cựu thống đốc Florida Jeb Bush, thống đốc New Jersey Chris Christie…

“Chúng ta có một cuộc đua ba người” – Reuters dẫn lời Craig Robinson, cựu giám đốc chính trị của Đảng Cộng hòa, nói về sự thay đổi cục diện của đảng này sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên.

Trong khi đó, cử tri Kevin Huerkamp, 56 tuổi, nói về nhân vật mà nhiều người Iowa tin là có khả năng cạnh tranh với bà Clinton: “Chúng tôi muốn tìm một người đại diện cho sự thay đổi và tôi nghĩ ông Marco Rubio là người đó”.

Dân chủ chia rẽ

Bà Clinton không mạnh miệng tuyên bố chiến thắng sau khi vượt qua ông Sanders một cách khó khăn. “Rất hiếm khi chúng ta có được cơ hội có một cuộc đối đầu tư tưởng thật sự” – bà Clinton nói khi đứng trên sân khấu cùng với chồng – cựu tổng thống Bill Clinton và con gái Chelsea.

Còn ông Sanders cho biết “bị choáng ngợp” trước cuộc cách mạng chính trị mà Iowa đã khởi đầu. “Chín tháng trước chúng ta đến đây mà không có một tổ chức chính trị, không có tiền, không được ai biết đến – ông Sanders nói – Lý do chúng ta đã làm tốt ở Iowa là người dân Mỹ nói không với một nền kinh tế bị thao túng. Chúng ta không đại diện cho lợi ích của các tỉ phú, Phố Wall hay các tập đoàn Mỹ”.

Dù thở phào nhẹ nhõm vì vượt qua “bóng ma 2008” khi thất bại trước ứng viên Barack Obama, nhưng bà Clinton sẽ phải đối mặt với cuộc chiến cam go hơn sắp tới ở “sân nhà” của ông Sanders là bang New Hampshire. Các khảo sát đều cho thấy ông Sanders, người chủ trương xóa bỏ bất công trong thu nhập, không bắt tay với các ngân hàng lớn và miễn học phí đại học, đang có ưu thế lớn tại bang này.

“Bà Clinton có mọi lợi thế về tổ chức và ông Sanders đã đấu hòa ở Iowa” – nhà phân tích Dan Schnur của Đại học Nam California bình luận, tuy nhiên cũng cho rằng cuộc cạnh tranh lần này không quá khó với bà Clinton như hồi năm 2008. Trong khi đó, ông Sanders sẽ đối mặt với các thách thức lớn hơn khi bầu cử sơ bộ diễn ra ở các bang Nevada, South Carolina và mở rộng ra 11 bang vào ngày siêu thứ ba 1-3.

Giới phân tích nhận định tỉ lệ ủng hộ gần như bằng nhau của hai ứng viên cũng cho thấy sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ trong việc nên tiếp tục những di sản của ông Obama hay rẽ sang hướng khác với những cải cách kinh tế và chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ hơn.

 Trần Phương

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.