George Floyd sẽ được chôn cất tại Houston vào ngày thứ Ba 9/6 giờ địa phương, hai tuần sau khi ông chết vì ngạt thở trong lúc đang bị câu lưu trên một đường phố ở Minneapolis. Cái chết của ông và cách ông bị đối xử đã khơi dậy các cuộc biểu tình rầm rộ chống phân biệt chủng tộc ở khắp nơi, từ Hoa Kỳ sang tới Châu Âu.

Hôm thứ Hai, hàng ngàn người đã tới nghiêng mình trước quan tài của George Floyd tại nhà thờ Fountain of Praise ở thành phố Houston, bang Texas.

Quốc kỳ Mỹ tung bay dọc theo tuyến đường tới nhà thờ ở Houston, nơi Floyd lớn lên. Đám đông mang khẩu trang để chặn sự lây lan của dịch Covid-19, nối đuôi nhau nói lời vĩnh biệt cuối cùng.

Một số người cúi đầu trong thương tiếc, nhiều người khác làm dấu thánh giá hoặc giơ nắm đấm lên cao khi dừng lại trước quan tài của người quá cố. Hơn 6.300 người đã đến nghiêng mình trước linh cữu trong suốt sáu giờ đồng hồ, các quan chức nhà thờ cho biết.

“Tôi mừng vì Floyd đã được tiễn đưa một cách xứng đáng, ông Marcus Williams, 46 tuổi, một người da đen ở Houston nói bên ngoài nhà thờ. Tôi muốn những cái chết dưới tay cảnh sát phải chấm dứt. Tôi muốn họ cải tổ để có công lý và ngăn chặn giết chóc.”

Floyd, 46 tuổi, chết vì ngạt thở hôm 25/5 sau khi bị một viên cảnh sát da trắng quỳ gối ghì vào cổ ông trong suốt 8 phút 46 giây.

Không vũ trang và bị còng tay, Floyd bị ghì nằm úp mặt xuống đường, cố thở và van nài cầu cứu trước khi nằm yên bất động, theo đoạn video do một người qua đường quay.

Cái chết của ông Floyd đã làm dấy lên một phong trào phản kháng, dẫn tới các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và ngược đãi có hệ thống nhắm vào người da đen tại Hoa Kỳ.

Sự phẫn nộ về cái chết của George Floyd đã đẩy Tổng thống Trump vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Ông Trump nhiều lần đe dọa sẽ điều quân ra các đường phố để lập lại trật tự và chật vật tìm cách đoàn kết đất nước.
Các cuộc biểu tình đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh cho người da đen ‘Black Lives Matter’, đòi cải cách hệ thống tư pháp và đòi công lý cho người sắc tộc cũng như cải tổ cảnh sát lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11 năm nay.

Cái chết của Floyd cũng làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn cầu.

Quốc hội Anh cử hành một phút mặc niệm vào lúc 11 giờ sáng để đánh dấu cái chết của Floyd.

Tại Pháp, gia đình của một người Pháp da đen tên Traore, chết trong khi bị cảnh sát giam giữ, kêu gọi một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày thứ Bảy sắp tới và từ chối đề nghị thảo luận với chính phủ.

Hôm thứ Bảy tuần trước, hàng ngàn người đã tuần hành ở thủ đô Paris để đánh dấu cái chết của Traore, và đồng hành với người biểu tình ở Hoa Kỳ.

Trong khi đó Derek Chauvin, 44 tuổi, viên cảnh sát đã quỳ trên cổ Floyd, bị buộc tội giết người ở cấp độ hai, lần đầu xuất hiện trước tòa án Minneapolis qua liên kết video. Các đồng phạm của Chauvin, ba cảnh sát viên bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay giết Floyd.

Cả bốn cảnh sát viên đều bị sa thải, một ngày sau cái chết của Floyd.

Tranh cãi về đòi hỏi cắt tài trợ cho cảnh sát

Tại Quốc hội, đảng Dân chủ đã công bố dự luật cải cách luật pháp để liệt tội giết người vì kỳ thị thành tội hận thù chủng tộc, một tội liên bang, cho phép các nạn nhân của hành vi sai trái của cảnh sát và gia đình họ kiện cơ quan thi hành công lực về những thiệt hại trước tòa án dân sự.

Ông Trump cam kết sẽ duy trì tài trợ cho cảnh sát, ông nói 99% cảnh sát là những người tuyệt vời”.

Tổng Thống Trump nói tại một hội nghị bàn tròn ở Tòa Bạch Ốc có sự tham dự của các quan chức cảnh sát cấp tiểu bang, liên bang và địa phương:

“Sẽ không có chuyện cắt tài trợ cho cảnh sát, không có chuyện giải tán lực lượng cảnh sát.”

Ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ, Joe Biden, cũng chống đề nghị cắt tài trợ cho cảnh sát nhưng ông ủng hộ nhu cầu cải cách cấp bách, theo một phát ngôn viên của chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: