Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong số những biểu tượng văn hóa thế giới độc đáo và đa diện nhất của thế kỷ 20 và 21.

Ông Donald Trump là con trai của trùm bất động sản, doanh nhân tỷ phú, nhân vật thượng lưu New York, ngôi sao truyền hình thực tế, nhà gây quỹ đảng Dân chủ rồi chuyển sang đảng Cộng hòa và Tổng thống Mỹ thứ 45.

Có quá nhiều định nghĩa để nói về Donald Trump, vị tổng thống sắp 73 tuổi cực kỳ đa điện của nước Mỹ. Bài báo này nói về ông với tư cách biểu tượng văn hóa đại chúng.

Tỷ phú kiêm ngôi sao giải trí mà thế giới cần

Thế giới này quá rộng lớn và đủ chỗ cho mọi hiện tượng kỳ thú nhất. Và một doanh nhân, tỷ phú USD hẳn hoi, kiêm luôn vai trò ngôi sao giải trí, hoặc ngược lại, một ngôi sao giải trí thực thụ cộng thêm đầu óc kinh doanh xuất sắc, là điều mà thế giới cần. Nhưng đó là ai?

Theo Extra Newsfeed, Bill Gates thiếu cá tính (“lúc nào cũng rêu rao về đọc sách, quá giáo điều”), Steve Jobs thì kỳ quặc (“quá đẹp trai nhưng tính cách khó ở và cũng không hào hứng làm ngôi sao giải trí”), Warren Buffet thì mờ nhạt trong văn hóa đại chúng, không ai trong họ hợp cả.

Phải là Donald Trump.

Không phải Bill Gates, Steve Jobs hay Warren Buffet, ông Donald Trump mới là biểu tượng văn hóa đại chúng. Ảnh: Getty Images.

Không như Bill Gates hay Warren Buffet, độ giàu có của ông Trump luôn là ẩn số. Nhưng ông giàu đến mức nào không quan trọng, điều quan trọng là ông luôn quảng bá bản thân như một người siêu giàu (hàng loạt sách dạy làm giàu qua nhiều thập kỷ), và sống như một người siêu giàu.

Trong hàng chục năm qua, ông Trump đã truyền thông về công việc kinh doanh của mình với dụng ý rất rõ ràng: biến cái tên “Trump” thành danh từ chung khi người ta nói về sự giàu có phô trương và thành công. Và hiện nay, có ai nhắc đến cái tên “Trump” mà không nghĩ về 2 thứ đó?

Là con trai của một nhà kinh doanh bất động sản, người sở hữu một trong những tòa cao ốc nổi bật nhất trên bầu trời Manhattan, ông Trump có đủ mọi điều kiện để thành công.

Nhưng nếu không phải là một con người độc đáo và lắm tài nhiều tật như ông, sẽ không bao giờ thế giới có một biểu tượng văn hóa đại chúng thú vị và đa diện như vậy.

Thế kỷ của nước Mỹ đã nhường cho thế kỷ của Hollywood, của tiếp thị số đông và giới siêu giàu. Và trái cherry trên đỉnh của chiếc bánh kem ngon lành đó chính là ông Trump, nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa pop của nước Mỹ.

‘Sex and the City’ và ‘tiền bối’ của nhà Kardashian

Ông Trump luôn nổi tiếng và gia đình Trump luôn giàu. Tổng thống Mỹ đã là tay chơi khét tiếng ở New York từ khi còn trẻ măng. Nhưng phải đến thập niên 1980, khi hơn 30 tuổi, ông Trump mới bắt đầu thâm nhập vào giới giải trí và văn hóa đại chúng.

Hoặc đúng hơn, ông sử dụng văn hóa đại chúng làm công cụ tiếp thị cho việc kinh doanh của mình.

Ông Trump luôn là bậc thầy về tiếp thị và ngay từ thập niên 1980. Ông quyết định tham gia vào các chương trình truyền hình với vai chính mình, một tỷ phú. Người ta có thể nói chiêu thức đó giống hệt chiến lược tiếp thị bản thân của đại gia đình chiêu trò Kardashian, nhưng đi trước gần 30 năm.

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới
Sự nghiệp truyền hình của ông Trump khá đình đám với vai trò nhà sản xuất The Apprentice, vài khách mời trong 22 chương trình và phim truyền hình.

Trên chuyên trang điện ảnh IMDB, ông Trump được ghi nhận là “diễn viên” trong 22 chương trình truyền hình và phim điện ảnh, trong đó có 19 lần đều là vai chính mình, gồm Sex and the City, Home Alone 2: Lost in New York , Zoolander, The Fresh Prince of Bel-Air…

Điều đáng nói là người ta không bao giờ biết rõ nhân cách mà ông Trump thể hiện trên truyền hình có đúng với con người thật của ông, hay chỉ là cách ông muốn thế giới thấy, cũng như biết công chúng sẽ thích.

Ranh giới giữa ông Trump của hư cấu và thực tế được xóa nhòa từ cách đây hàng chục năm rồi, biến ông thành chân dung văn hóa quen thuộc mà ai cũng biết, nhưng hiểu rõ thì không.

Sex and the City là một trường hợp đáng chú ý. Dường như không có phim truyền hình nào hợp với ông Trump hơn là Sex and the City. Phim nói về những nhà báo nổi tiếng, luật sư tài giỏi, nhà kinh doanh bất động sản, khu nghỉ dưỡng và nhà hàng, những tài phiệt có tham vọng chính trị… Ông Trump được nhắc đến 2 lần, và lần thứ hai là trực tiếp xuất hiện.

Trong tập đầu tiên, nhân vật Samantha giới thiệu cô bạn Carrie với “Mr Big”, bạn trai tương lai của Carrie, là “Donald Trump tiếp theo, nhưng trẻ hơn và đẹp trai hơn nhiều”.

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới
“Sự kết hợp của Samantha, một ly cocktail Cosmopolitan và Trump mang tính chất New York hơn bao giờ hết”. Ảnh: HBO.

Sau đó, đích thân ông Trump đóng vai khách mời trong mùa thứ hai, trong tập The Man, the Myth, the Viagra. Đó là khi Carrie nhận xét sự kết hợp của Samantha, một ly cocktail Cosmopolitan và ông Trump là “mang tính chất New York hơn bao giờ hết”.

Cô vừa dứt câu, ông Trump xuất hiện ở hậu cảnh, đang ngồi trong quán cafe sang trọng với một người đàn ông. Câu thoại này được đưa vào rất hợp lý vì đó là năm 1999, ông Trump đang quảng bá bản thân như một nhân vật thạo đời, đầy chất chơi và quen mặt với các quán xá sành điệu ở đô thị.

Khi game show The Apprentice do ông làm giám đốc sản xuất ra mắt vào năm 2004, hình ảnh ông Trump trong mắt toàn thế giới cũng thay đổi. Trước đó, ông có chiến dịch tranh cử bị hủy bỏ vào năm 2000.

Vì thế, The Apprentice như tuyên ngôn về của ông Trump, người lãnh đạo “chính phủ” của riêng mình, trên chiếc ghế mạ vàng ở tòa tháp Trump, giữa giới thượng lưu Manhattan, bên dưới là đế chế của mình.

“New York, thành phố của tôi”, ông Trump tuyên bố trong lời chào ở mùa đầu tiên của The Apprentice, “là nơi những chiếc bánh xe của nền kinh tế toàn cầu không bao giờ ngừng xoay chuyển”.

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới
Cảnh ông Trump chỉ đường cho cậu bé Kevin trong phim Ở nhà một mình 2. Ảnh: Leparisien.

Bên cạnh 10 năm của The Apprentice, ông Trump vẫn mở rộng sự nghiệp giải trí ở nhiều chương trình khác. Ông là nhà tổ chức quyền lực của Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu Hoàn vũ – được coi là cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới hiện nay dù ông Trump đã bán lại.

Một màn “cameo” đáng nhớ khác của ông Trump là trong Home Alone 2: Lost in New York (Ở nhà một mình: Lạc ở New York) năm 1992. Đó là cảnh phim cậu bé Kevin McCallister lạc trong khách sạn Plaza ở New York (do chính ông Trump sở hữu) và hỏi thăm một người đàn ông cao lớn lối đi đến quầy lễ tân. Người đàn ông đó chính là Donald Trump, ông chủ của khách sạn.

Sau màn hỏi thăm, Kevin cảm ơn rồi thản nhiên bước tiếp, còn người đàn ông nhìn theo cậu bé và nhíu mày rồi mới quay lưng đi. Chi tiết này rất thú vị, dù chỉ là hư cấu trong phim, cho thấy ông Trump ngạc nhiên khi một cậu bé Mỹ không biết ông là ai. Nên nhớ đó là năm 1992, ông Trump đã là một biểu tượng ở nước Mỹ.

Quá nổi tiếng là con dao hai lưỡi

Hình ảnh ông Trump trong văn hóa đại chúng không phải bao giờ cũng tích cực. Đó là nói nhẹ nhàng. Còn nói đúng hơn, ông bị nhiều người coi là một nhân vật phản diện, chi chít mặt tiêu cực trong văn hóa Mỹ hàng chục năm qua.

Đúng theo ý ông, danh từ “Trump” đã được gắn liền với giàu có, thành công, hào nhoáng nhưng đi kèm với đó cũng bị nhiều người đánh đồng là kệch cỡm, hám danh, lố lăng, những giá trị ảo…

Phim hoạt hình Gia đình Simpson cách đây 16 năm cũng dự báo việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ và để lại một “ngân sách cạn kiệt”. Trong tập Bart to the Future, Lisa – em gái nhân vật Bart Simpson – trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và phải giải quyết mọi vấn đề của một nước Mỹ “chạm đáy” sau nhiệm kỳ hư cấu của Trump.

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới
Chân dung Trump trong văn hóa đại chúng vẫn rất phức tạp và đa diện, nhưng chắc chắn là ông ngày càng nổi tiếng. Ảnh: Getty Images.

Mặc dù vậy, viễn cảnh này gói gọn trong một câu thoại chứ không được diễn giải kỹ hơn.

Nói về lời tiên đoán ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, biên kịch Dan Greaney của tập Bart to the Future cho biết đây là lời cảnh báo dành cho nước Mỹ. “Điều mấu chốt là Lisa phải trở thành tổng thống khi nước Mỹ đang lâm vào cảnh ngặt nghèo. Mà để mọi thứ tệ nhất có thể thì phải là ông Trump làm tổng thống tiền nhiệm”, Greaney nói.

Điều này cũng thể hiện cái nhìn tiêu cực của số đông giới nghệ sĩ ở Hollywood về ông Trump. Ở một lĩnh vực cổ xúy cho sự đa dạng giới tính, sắc tộc và tầng lớp, họ ghét Trump cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dự báo “ông Trump làm tổng thống thì nước Mỹ rơi vào địa ngục” lại thiếu căn cứ.

Nhưng nếu trước đây góc nhìn tiêu cực thắng thế thì đến nay, sau hơn nửa nhiệm kỳ tổng thổng, chân dung ông Trump trong văn hóa đại chúng cũng có nhiều thay đổi. Ông ngày càng đa diện và mãi mãi chia rẽ dư luận. Hơn nữa, cái tên Trump không còn chỉ gắn với tiền.

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới
Tháp Trump ở Đại lộ số 5 – biểu tượng của sự giàu có New York. Ảnh: iStock.

“Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, giấc mơ mà ông Trump “bán” cho nước Mỹ vào năm 2016 không còn là giấc mơ giàu sang phú quý, sở hữu tranh sơn dầu hay căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp. Đó là giấc mơ về thành công.

Danh từ “Trump” đại diện cho sự thành công khi nó được khắc lên mặt tiền tòa nhà chọc trời, in trên mặt trước mũ lưỡi trai hay một món đồ lưu niệm đại chúng.

Nhà của triệu phú Singapore và phòng tắm của Donald Trump

Năm 2011, trong bài hát Donald Trump, nghệ sĩ quá cố Mac Miller khẳng định mình sẽ ở trên đỉnh của thế giới nhạc rap như ông Trump ở trên đỉnh của tiền bạc và danh tiếng. Trước đó, Miller từng tuyên bố mục tiêu của anh là trở thành “một Donald Trump mới nhưng với kiểu tóc đẹp hơn”.

Khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, cụm từ “take over the world” trong bài hát có thêm một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Từ một nhân vật kỳ quặc, sự hiện diện của ông Trump trong văn hóa đại chúng ngày càng được bình thường hóa. Trong bộ phim Crazy Rich Asians (2018), ngôi nhà hào nhoáng của một triệu phú người Singaporean được thiết kế dựa theo “phòng tắm của Donald Trump”.

Donald Trump - biểu tượng văn hóa độc nhất vô nhị của thế giới
Ông Trump và vợ đầu Ivana cùng đội ngũ người giúp việc nhà vào năm 1987. Ảnh: Getty Images.

Chi tiết này vừa phê phán lối sống xa hoa của giới thượng lưu, nhưng cũng nhắc cho người xem nhớ về độ giàu có khủng khiếp của ông Trump.

Và đó vẫn là giấc mơ của nước Mỹ, giấc mơ của những người chơi The Apprentice từ thập niên 2000. Của những người trẻ khi bước chân lên các chương trình truyền hình mong tên tuổi mình đến với đại chúng. Của những nghệ sĩ chết vì sốc thuốc ở lứa tuổi 20 khi giấc mơ vụn vỡ, như Mac Miller.

Giàu không chỉ là giàu. Nó mang nghĩa thành công trong một xã hội nơi tiền là thước đo duy nhất có thể định lượng. Và đại diện tiêu biểu nhất chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: