Kristopher Larsen là một trong hàng ngàn người nước ngoài có cha mẹ nuôi người Mỹ, nhưng vì cha mẹ nuôi không làm thủ tục nhập tịch, nên ông Larsen không có quốc tịch Mỹ.
Ông Larsen mới bước vào tuổi 40, biết được mình không là công dân Mỹ, khi ông đang thụ án tù vì tội bắt cóc ở nhà tù bang Washington. Ông cũng đối mặt với khả năng bị Mỹ trục xuất.
Muốn tự sát bằng cách để cảnh sát bắn chết
Năm 1975, khi chiến tranh tại Việt Nam sắp kết thúc, Tổng thống Mỹ Gerard Ford ra lệnh thực hiện chiến dịch Babylift, tức đem qua Mỹ một số trẻ em mồ côi người Việt Nam. Larsen lúc đó 4 tuổi, làm con nuôi của một gia đình quân nhân Mỹ.
Larsen kể: “Nói thật, tôi chẳng nhớ gì. Khi còn nhỏ, mỗi khi máy bay bay qua đầu, tôi rất sợ nên bỏ chạy”.
Cậu con nuôi lớn lên ở đảo Guam và bang Alaska, trong một gia đình “toàn Mỹ”, theo lời Larsen. Ông không hề có lý do nào để nghĩ mình không phải dân Mỹ: Có số an sinh xã hội và thẻ xanh, vào đại học ở Alaska rồi lập sự nghiệp ở ngành công nghệ thông tin.
Rồi Larsen cưới vợ, có hai con, dọn đến sống ở thành phố Seattle (bang Washington, tây bắc Mỹ). Ông nói: “Có lúc tôi đã có tất cả những gì tôi muốn”.
Nhưng rồi cuộc hôn nhân trục trặc, và sau một lần Larsen nhậu say bét, vợ ông đem 2 con ra đi. Buồn chán, Larsen tính chuyện tự tử bằng cách để cảnh sát bắn chết, nên ông quyết định bắt cóc ai đó.
Theo cáo trạng và báo địa phương, Larsen bắt cóc một đứa trẻ 9 tuổi, rồi gọi điện thoại đến cha mẹ để đòi tiền chuộc.
Kế hoạch bất thành, một cấp tòa tuyên án 12 năm tù đối với Larsen. Ông kể lúc đó báo chí địa phương đưa tin “đó là một trong những vụ phạm pháp lạnh lùng, vô cảm mà không ai có thể tưởng tượng được”.
Ngớ người khi biết không phải là công dân Mỹ
Larsen chấp nhận án tù, dạy toán và tiếng Nhật cho các tù phạm khác, khi đặc vụ Cục thi hành luật hải quan và di trú Mỹ (ICE) tìm ra ông.
Larsen kể: “Tôi bị gọi vào phòng công tố viên, họ nói tôi không được có việc làm trong nhà tù, không được dạy học. Nói chung mọi quyền lợi của một tù phạm như tôi đều bị tước, vì tôi được thông báo rằng tôi có lệnh trục xuất”.
Cha mẹ nuôi của Larsen từng ngỡ việc nhận là con nuôi thì đương nhiên Larsen là công dân Mỹ. Thế nhưng với chính phủ Mỹ, Larsen là một công dân Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp, mà lại có tiền án.
Larsen bị chuyển từ nhà tù sang một trung tâm tạm giam của ICE. Ông mãn hạn tù năm 2015 nhưng lệnh trục xuất vẫn còn hiệu lực.
Từ khi được thả, Larsen thường phải thường xuyên trình diện với ICE. Ông đang làm việc cho một tổ chức bất vụ lợi.
Larsen rất tức, kể ông đã đăng ký đi lính Mỹ, luôn đóng thuế đầy đủ, đi học ở Mỹ… thì sao ông lại không thể là công dân Mỹ.
Larsen nói: “Nay tôi bị kẹt cứng.Tôi không thể rời khỏi đất Mỹ. Nếu tôi muốn thăm gia đình ở đảo Guam cũng không được vì như thế là tôi đi qua ranh giới quốc tế”.
Một đạo luật muộn màng với Larsen
Theo Trung tâm văn hóa – nguồn lực Mỹ – Hàn (NAKASEC), từ những năm 1940, khoảng 350.000 trẻ em người nước ngoài được công dân Mỹ nhận làm con nuôi.
Gánh nặng của cha mẹ nuôi là phải nhập quốc tịch Mỹ cho con nuôi, nên năm 2001, Quốc hội Mỹ có luật cho phép tự động có quốc tịch cho con nuôi từ nước khác.
Tuy nhiên luật này chỉ áp dụng với người sinh sau năm 1983, quá trễ cho Larsen và 35.000 con nuôi khác. Hầu hết số con nuôi này không có tiền án tiền sự.
Theo NAKASEC, trước khi có luật, cha mẹ nuôi thường không biết họ có nhiệm vụ nhập quốc tịch Mỹ cho con nuôi. Hoặc họ có biết, nhưng thủ tục quá tốn kém và cồng kềnh, trong khi họ vừa trải qua quá trình nhận con nuôi tốn nhiều tiền và thời gian, nên họ không lo nhập quốc tịch Mỹ cho con nuôi.
Hoặc cũng có thể con nuôi lọt vào những gia đình ngược đãi, nên cha mẹ nuôi không lo nhập tịch Mỹ cho con nuôi.
Và đôi khi con nuôi chỉ biết mình không có quốc tịch Mỹ, khi làm đơn thụ hưởng quyền lợi, mua nhà hoặc vay tiền học đại học, hoặc khi họ sắp bị trục xuất do phạm pháp.