“Lúc ở Thụy Điển, tôi có tất cả. Còn khi đến Iraq, tôi không có gì cả”, đó là lời than thở của cô gái người Thụy Điển Marlin Stivani Nivarlain đã gia nhập IS từ lúc mới 15 tuổi. Cô vừa được giải cứu.

gia-nhap-is_BXZZMarlin Stivani Nivarlain nay 16 tuổi – Ảnh: Kurdistan 24

Lực lượng người Kurd ở Iraq đã giải cứu cô bé ở ngoại ô Mosul – một trong những cứ địa khét tiếng của quân IS tại Iraq vào hôm 17.2 vừa qua, đưa cô tới thành phố do người Kurd kiểm soát là Irbil. Chính quyền Thụy Điển đã nhờ họ cứu Nivarlain. Tính ra, Nivarlain đã sống ở Mosul gần một năm, nay cô đã 16 tuổi.
Hiện Nivarlain vẫn ở Iraq, nhưng lực lượng người Kurd cho biết đang sắp xếp để đưa cô về Thụy Điển.
Nivarlain bỏ học từ năm 14 tuổi. Bạn trai cô bé là người rủ cô gia nhập IS. Báo chí Thụy Điển đưa tin lúc đó cô bé đã có thai, nhưng trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình của người Kurd là Kurdistan 24 phát hôm 24.2, Nivarlain không đề cập tới chuyện này.
Nivarlain bảo cô chẳng biết gì về IS trước khi gặp bạn trai nhưng lại đồng ý theo bạn trai đến Iraq để gia nhập IS.
“Anh ấy nói anh muốn gia nhập IS và tôi trả lời: ‘Tốt, không vấn đề gì’ vì tôi chẳng biết IS có nghĩa là gì”, Nivarlain nói với Kurdistan 24.
Thế là trong khi hàng ngàn người Syria và Iraq đang cố chạy thoát thân khỏi các thành phố do IS kiểm soát, chấp nhận rủi ro đánh đổi cả tính mạng để cố tìm một chốn yên bình ở châu Âu, thì cô gái chưa kịp lớn Nivarlain và bạn trai đi theo hướng ngược lại, tìm chính xác đến nơi mà người ta đang chạy khỏi.
Hành trình của họ bắt đầu từ tháng 5.2015. Cả hai vượt qua châu Âu bằng xe lửa và xe buýt, băng qua Bulgaria và đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây, 2 người tìm đến miền nam và liên lạc với các thành viên IS trước khi được “giúp đỡ” để đến Iraq. Và cũng “nhờ sự giúp đỡ” của các thành viên IS mà 2 người đến Mosul. Cùng đi còn có một nhóm người khác.
Tại đây, Nivarlain và bạn trai được cấp ngay một ngôi nhà, nhưng đó là một nơi đầy thất vọng. “Trong nhà không có bất kỳ thứ gì cả. Không điện, không nước, không máy sưởi. Hoàn toàn khác biệt với cuộc sống ở Thụy Điển”, Nivarlain nói.
Thế là ngay khi có thể gọi điện thoại, Nivarlain lập tức liên lạc với mẹ nhờ giải cứu đưa cô trở về quê hương. “Tôi đã nói với mẹ là tôi muốn về nhà. Ở Thụy Điển, chúng tôi có tất cả, còn khi tôi đến đó, tôi không có gì hết”. Mẹ cô đã mau chóng liên lạc với chính quyền Thụy Điển để nhờ giải cứu con gái.
Dẫu đầy thất vọng và phải lây lất ở Mosul cả năm trời với nhiều nghịch cảnh mà Nivarlain có thể không dám kể ra trong cuộc phỏng vấn kể trên, nhưng Nivarlain vẫn là một trường hợp rất may mắn. Nhiều thiếu nữ khác ở châu Âu cũng đã lên đường đến các vùng đất do IS kiểm soát để gia nhập tổ chức này, rồi sau đó có người bị hãm hiếp, bị hành quyết.

Kiều Oanh

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.