Tỷ phú Bill Gates ủng hộ tỷ phú Trump, lạc quan về chương trình hành động của chính quyền Trump vì ông nhận thấy tân Tổng thống đã rất thực tế khi phá bỏ rào cản bởi sự bảo thủ trong đời sống chính trị Mỹ, thay đổi cách nhìn và thực hiện những nước đi cụ thể, linh hoạt trong việc giữ gìn lợi ích Mỹ trước đối thủ và khai thác lợi ích cho nước Mỹ từ đối phương.
Ngày 13.12 hãng tin AFP của Pháp cho biết, tỷ phú Bill Gates đã kêu gọi tân Tổng thống Donald Trump hãy truyền cảm hứng cho người Mỹ để thực hiện đổi mới đất nước Mỹ, như cố Tổng thống John F. Kennedy đã từng làm bằng cách tạo cảm hứng thôi thúc người Mỹ hiện thực hoá khát vọng chinh phục vũ trụ, bay lên mặt trăng.
“Trong cùng một cách mà Tổng thống Kennedy đã nói về sứ mệnh của nước Mỹ trong việc chinh phục không gian, tôi nghĩ rằng cho dù đó là giáo dục, hay ngăn chặn dịch bệnh… thì đã nhận diện được một thông điệp rất lạc quan từ phương cách quản lý mà ông Trump sẽ tổ chức”, AFP dẫn lời Bill Gates khi trò chuyện với MSNBC.
Vị tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới cho rằng tân Tổng thống Trump sẽ thoát khỏi các rào cản pháp lý và lãnh đạo nước Mỹ bằng những chương trình đổi mới. Bill Gates cho biết đã nói chuyện với ông Trump qua điện thoại và ngày 13.12 thì gặp trực tiếp tân Tổng thống Mỹ tại Trump Tower.
“Đây là một thời điểm tốt. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị về sự đổi mới, làm thế nào để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển giáo dục, cũng như tác động của viện trợ và năng lượng sạch ở nước ngoài. Một cuộc trò chuyện sâu rộng về sức mạnh của sự đổi mới”, ông Gates cho biết.
Tỷ phú Bill Gates ấn tượng với tân Tổng thống Trump đó chính là hy vọng đổi mới cho nước Mỹ – Ảnh: justrivals.com
Như vậy là vị tỷ phú công nghệ của nước Mỹ đã rất lạc quan về khả năng tân Tổng thống Trump sẽ đưa nước Mỹ vào một giai đoạn phát triển mới với cung cách quản lý và điều hành được đổi mới. Điều gì khiến ông Bill Gates đặt niềm tin vào vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ như vậy?
Nước Mỹ bảo thủ nên tụt hậu
Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới lưỡng cực Xô – Mỹ được thay thế bằng thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ, điều đó khiến cho giới chính trị Mỹ quá tự tin vào vai trò và vị thế thống lĩnh của Washington thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Hàng loạt những bàn cờ chính trị mới được Washington tạo ra khắp các khu vực trên thế giới cùng với đó là hiệu quả những nước đi áp đặt của Washington đối với các đồng minh quan trọng, các đối tác chiến lược khiến cho giới tinh hoa của nước Mỹ càng tự tin hơn.
Từ sự tự tin khiến giới chính trị Mỹ trở nên bảo thủ, không làm mới mình để phù hợp với sự phát triển nước Mỹ. Điều đó khiến cho đời sống chính trị Mỹ ngày càng lệch pha với đời sống xã hội Mỹ, từ đó phát sinh những mâu thuẫn trong lòng người dân nước Mỹ.
Từ sự bảo thủ của giới chính trị Mỹ, Washington cũng không có những thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Điều đó khiến cho đồng minh và đối tác của Mỹ ngày càng cảm thấy trở nên chật chội với cái áo mà Mỹ đo ni cho họ nên đã dẫn đến sự đổi thay.
Song nguy hại hơn là đối thủ của Mỹ đã tận dụng sơ hở từ sự mặc định của Washington với phần còn lại của thế giới để làm lợi cho mình. Cả đồng minh, đối tác và đối thủ đều có thể khai thác lợi ích từ nước Mỹ và dần thách thức Mỹ.
Khi tỷ phú Donald Trump ra tranh cử Tổng thống Mỹ và tạo ra nhiều khác biệt trên đường đua đã làm cho giới chính trị Mỹ giật mình về sự tụt hậu của họ. Hiệu ứng Trump đã thẩm định lại hàng loạt giá trị được xem là tinh tuý của nước Mỹ và thậm chí phổ quát ra thế giới.
Tỷ phú Donald Trump không thể một mình thách thức cả hệ thống chính trị Mỹ và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nếu cấu trúc của hệ thống chính trị Mỹ không tỏ ra tụt hậu so với sự phát triển của các trụ cột khác trong cấu thành giá trị Mỹ, tạo nên sức mạnh Mỹ.
Do vậy, chiến thắng của Trump không chỉ là một chiến thắng chính trị đơn thuần mà đó là chiến thắng của sự đổi mới trước sự bảo thủ trong đời sống chính trị Mỹ. Cho dù giới tinh hoa Mỹ đang tìm mọi cách để có thể hạn chế quyền lực của tân Tổng thống Mỹ, song thực tế lại diễn ra ngược lại với mong muốn của họ.
Có thể thấy rằng, nước Mỹ – mà chính xác là giới tinh hoa Mỹ vốn tự hào về giá trị truyền thống Mỹ – đã có một thất bại mang tính lịch sử, nhưng rất cần thiết và Trump đã là người “kiến tạo” sự thất bại ấy. Chiến thắng của Trump đã chứng minh vì nước Mỹ bảo thủ nên tụt hậu so với chính mình và thế giới xung quanh mình.
Hiệu ứng tích cực từ những nước đi của Trump
Là một tỷ phú công nghệ – lĩnh vực mà thành công luôn gắn liền với phát kiến và đổi mới – chắc chắn ông Bill Gates đã nhìn ra những tích cực trong chiến lược tranh cử cũng như trong những nước đi đầu tiên chuẩn bị cho việc nắm giữ và thực thi quyền lực của ông Trump.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc trò chuyện giữa tỷ phú công nghệ với tỷ phú bất động sản lại xoay quanh ba vấn đề liên quan đến những gì nước Mỹ cần đổi thay. Thứ nhất là những yếu tố tạo nên sức mạnh mềm của nước Mỹ là giáo dục và y tế – lợi ích thiết thực của người dân Mỹ.
Thứ hai là cơ chế thực thi quyền lực – hệ thống luật pháp – đã trở thành rào cản cho nước Mỹ phát triển và thứ ba là hiệu quả của việc sử dụng sức mạnh Mỹ, phổ quát giá trị Mỹ đối với phần còn lại của thế giới, qua đó thể hiện vị thế của Mỹ – hình thức viện trợ và lĩnh vực viện trợ.
Chọn xoá bỏ rào cản để người Mỹ khai thác lợi ích từ nước Nga là một cách nhìn mới của tân Tổng thống Trump – Ảnh: New Republic
Nền tảng của việc tạo ra sự đổi thay theo quan điểm của vị tỷ phú công nghệ, làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại” theo quan điểm của vị tỷ phú bất động sản, chính là sự đổi mới và phải là sự đổi mới. Mà đổi mới thì phải táo bạo như ý tưởng của cố Tổng thống Kenedy về việc chinh phục vũ trụ.
Có thể thấy rằng, khi Trump chọn xây dựng chiến lược tranh cử mảnh ghép là một trong những hành động đầu tiên thể hiện sự đổi mới và được xem là nền tảng cho sự đổi mới trong chương trình hành động của tân Tổng thống Trump.
Nước Mỹ tụt hậu vì thiếu linh hoạt và giới chính trị truyền thống Mỹ đã thể hiện rõ điều đó. Ứng viên Hillary Clinton ra tranh cử với chiến lược hoàn hảo, do vậy bà trở nên thiếu linh hoạt khi có những tình tiết bất lợi phát sinh trong đường đua, cuối cùng bà phải trả giá bằng thất bại.
Ứng viên Donald Trump ra tranh cử được xem là không có chiến lược, song khi diễn ra cuộc bầu cử thì những mảnh ghép cuối cùng của chiến lược tranh cử cũng chính thức liền khít và cử tri Mỹ đã bị thuyết phục bởi sự đổi thay tích cực của ông Trump qua quá trình tranh cử.
Khi được người Mỹ trao quyền lực thì ông Trump đã xây dựng kế hoạch hành động dựa trên quan điểm phải làm sao nước Mỹ được nhiều nhất và mất ít nhất. Ông xác định Trung Quốc là đối thủ lấy của người Mỹ nhiều nhất nên ông chọn xây dựng rào cản để giữ lợi ích Mỹ.
Tân Tổng thống Mỹ xác định nước Mỹ bị mất nhiều lợi ích vì tạo rào cản với Nga nên ông chọn phá rào để giúp người Mỹ có thể khai thác lợi ích từ Nga mang về cho nước Mỹ. Đây được xem là một cách nhìn hoàn toàn mới so với quan điểm chính trị truyền thống của nước Mỹ.
Trong quá trình tranh cử, những ông chủ trong lĩnh vực công nghệ dành sự ủng hộ áp đảo cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton vì lo ngại về chính sách của ông Trump với ngành công nghiệp công nghệ cao của nước Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế thì ông Trump đang cho thấy ông không tạo ra rào cản đối với công nghệ của Mỹ. Ngày 14.12, ông Trump có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo của một số nhóm công nghệ lớn như Jeff Bezos của Amazon, Tim Cook của Apple, Satya Nadella của Microsoft và Elon Musk của Tesla và SpaceX, để bàn về việc làm sao tạo ra lợi ích cho người Mỹ trên đất Mỹ.
Như vậy, tỷ phú Bill Gates ủng hộ tỷ phú Trump, lạc quan về chương trình hành động của chính quyền Trump vì ông nhận thấy tân Tổng thống đã rất thực tế khi phá bỏ rào cản bởi sự bảo thủ trong đời sống chính trị Mỹ, thay đổi cách nhìn và thực hiện những nước đi cụ thể, linh hoạt trong việc giữ gìn lợi ích Mỹ trước đối thủ và khai thác lợi ích cho nước Mỹ từ đối phương.