Ảnh Nguyễn Hòa VCV và Nguyễn Đức Hiệp

 

Anh Nguyễn Đức Hiệp, Tiến Sĩ, Chuyên viên khoa học về ô nhiễm môi trường  ở “Bô môi trường và Bảo tồn, New South Wales”. Anh qua Úc du học năm 1974, Anh viết nhiều đề mục, nhất là về lich sử,  đã đăng 55 bài, Một trong bài đầu tiên Một thoáng Đông Nam bộ – Địa chí và lịch sử. Ngày đăng: 28.04.2006

http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=3809

Như vậy 6 năm qua anh cọng tác với VCV.

 

Tôi với anh có nhiều kỷ niệm, anh ghé thăm tôi Vũng Tàu, những lần gặp nhau càphê Sài Gòn.

Một nhớ nhất khi tôi làm Trưởng nhóm Nghiên cứu dự án MỞ RỘNG VÀ ĐIỆN KHÍ HÓA ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM, gửi Chính phủ dự án ngày 30.03.2008. Anh xem và sửa chữa bản tiếng Anh rất công phu, cho đến giờ này tôi còn ghi nhận và không thể nào quên.

 

Anh vừa gửi toàn bộ bài về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam là một tài liệu quý.

Nguyễn Hòa VCV

 

 

 “Quand je prends des photos, ce n’est pas moi qui photographie,

c’est quelque chose en moi qui appuie sur le declencheur sans que je décide vraiment…”

Pierre Verger (1902-1996)

 

Từ khi bức ảnh đầu tiên được chụp ở Pháp vào năm 1826 bởi nhà phát minh Joseph Nicéphore Niépce, thì cho đến nay kỹ thuật nhiếp ảnh đã trãi qua nhiều giai đoạn phát triển lý thú. Và qua những cố gắng và sự đam mê của nhiều nhà nhiếp ảnh từ giai đoạn đầu cho đến ngày nay, chúng ta đã được để lại nhiều di sản không những có giá trị về lịch sử kỹ thuật mà còn có giá trị to lớn về văn hóa và xã hội.

 

Mục đích của bài biên khảo này là tìm hiểu về lịch sử nhiếp ảnh tại Việt Nam bắt đầu từ khi kỹ thuật nhiếp ảnh ra đời và phổ thông vào giữa thế kỷ 19 ở Âu châu (đặc biệt là Pháp), sau đó lan đến Đông Dương do những nhà nhiếp ảnh tiên phong người Pháp đến Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin) làm việc hay lập nghiệp, cho đến các thập niên đầu thế kỷ 20 khi các nhiếp ảnh gia người Việt bắt đầu xuất hiện.

 

Họ là những nhà nhiếp ảnh Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ-Hòa Lan, Hoa, Việt, Algérie mà đa số là chuyên nghiệp, hoàn toàn sống vào nghề mới mẽ này và đa số cũng có văn phòng chụp ảnh và rửa ảnh ở Saigon. Có thể kể đến ông Émile Gsell với các bức ảnh nổi tiếng ở Cam Bốt, Nam Kỳ, Bác Kỳ vào các năm trong thập niên 1860, 1870 trong chuyến thám hiểm Angkor, sông MeKong, và những ngày đầu của Pháp khi họ đến ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Ông Pun Lun (繽綸, Tân Luân) người Hoa từ Hồng Kông có văn phòng nhiếp ảnh ở Saigon với các bức ảnh Saigon cực kỳ hiếm có trong thập niên 1860, 1870 và 1880; ông Aurélien Pestel với các hình ở Saigon vào cuối thế kỷ 19, và ông Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh) với các ảnh chụp trong các thập niên 1920, 1930 của các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc, hoặc cho tổng thống Pháp Raymond Poincaré (1913), toàn quyền Pierre Pasquier và các phóng sự ảnh đăng trên báo L’Illustration (1933) (1).

 

Ta cũng không quên nhắc đến nhà nhiếp ảnh Thụy Sĩ nổi tiếng Martin Hürlimann đã có ghé Việt Nam năm 1926 và đã chụp tại đây các bức ảnh đầy nghệ thuật về đền tháp, tượng, cảnh trí Champa ở miền Trung, và Hà Nội ở miền Bắc Việt Nam.

 

Những hình ảnh họ chụp từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 là những tư liệu vô cùng quý giá cho nhiều đề tài nghiên cứu lịch sử và xã hội học ở Việt Nam. Hiện nay chúng ta chưa khai thác hết được các hình ảnh đã có hay vẫn còn nằm ở các kho chứa dữ liệu hay trong những bộ sưu tập tư nhân.

 

Như một ngạn ngữ người Anh thường nói: một tấm hình có giá trị bằng cả ngàn chữ (“A picture is worth a thousand words”), các hình ảnh sinh hoạt đời sống xã hội thường ngày và những cảnh quan, nhà cửa, kiến trúc… trong thời quá khứ do đó là cơ sở mà tự nó có thể chứa rất nhiều thông tin cho các công trình nghiên cứu khoa học xã hội.

 

Đi đôi với lịch sử nhiếp ảnh là lịch sử phim ảnh. Cuốn phim được quay đầu tiên ở Việt Nam có tên là “Le Village de Namo – Panorama pris d’une chaise à porteurs” do hai anh em Lumière (Auguste và Louis) thực hiện vào năm 1896 ở một làng gọi là Namo (Nam Ô) gần Đà Nẳng, ngay sau khi hai anh em người Pháp này sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895. Hai anh em trước đó đã phụ giúp cha mình trong nghề nhiếp ảnh, và từ đó tìm ra được cách dùng cuộn phim chạy liên tục trong camera. Sau sự kiện lịch sử sáng chế máy quay phim (1895) của mình, Ausguste và Louis Lumière đã cho người đi đến nhiều nơi trên thế giới để quay các phim ảnh, mang lại những kỳ thú quan xa lạ ở những xứ sở ngoại quốc (kể cả các xứ thuộc địa) đến các diễn giả ở Pháp (1). Bài biên khảo này không có mục đích đi sâu vào lịch sử phim ảnh mà mục tiêu chủ yếu là nhiếp ảnh và vì thế sẽ đề cập đến lịch sử phim ảnh ở Việt Nam trong một bài nghiên cứu sau.

 

Vài nét về lịch sử kỹ thuật nhiếp ảnh và nhiếp ảnh ở Việt Nam

 

Kỹ thuật nhiếp ảnh từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 có thể được tóm tắt như sau:

 

Kỹ thuật Daguerreotype:

 

Năm 1837, Louis Daguerre tìm ra phương pháp nhận hình ảnh trên bảng đồng đã được phủ trước đó trên mặt một lớp “phim” với hóa chất silver iodine (AgI2, bạc iodine) hay silver chloride (AgCl2, bạc choride). Ảnh “chụp” sau đó được tráng bằng hơi thủy ngân (Hg) trên mặt phim, qua đó hơi thủy ngân tụ lại trên hình, ở nơi có phô ra ánh sáng và phản ứng với hợp chất đẩy bạc ra bám vào nền đồng. Cường độ phản ứng tùy thuộc vào độ ánh sáng đã đến trên mặt phim. Phần còn lại hóa chất được rửa đi bằng hóa chất sodium thiosulphate.

 

Năm 1839, chính phủ Pháp công bố phương pháp chụp ảnh Daguerre như một món quà cho nhân loại. Các hình trên bảng đồng được bảo vệ bằng một tấm kiếng phủ trên mặt hình đặt trong khung gỗ hay kim loại chung quanh. Vì có chất bạc trên mặt hình nên mặt ảnh giống như gương phản chiếu khi nhìn xoay nghiêng theo nhiều góc độ. Các ảnh dùng phương pháp daguerreotype rất bền, nếu khung kính bảo vệ trên mặt bảng đồng không bị hư hại qua thời gian.

 

Trong giai đoạn sau đó, máy ảnh không những đã ghi lại những hình ảnh quen thuộc, các sự kiện xảy ra ở Pháp, nhưng sau đó máy ảnh đã làm ngạc nhiên nhiều người ở Paris, gây nhiều ấn tượng và khơi dậy sự tò mò của quần chúng khi các hình ảnh được mang về sau khi được chụp ở những miền đất xa xôi, những đất nước với phong tục văn hóa kỳ lạ đối với họ, do những nhiếp ảnh gia dùng máy ảnh kỹ thuật daguerreotype đã công sức mang theo trên đường du hành của họ (2).

 

Ký giả Hippolyte Gaucheraud đã viết một đoạn như sau trên một tờ báo, một ngày trước khi ông Daguerre trình bày khám phá của mình trước Hàn Lâm Viện Khoa Học của Pháp ngày 7 tháng 1 1839 về tương lai của nhiếp ảnh daguerreotype (11): “Những người du hành, không lâu nữa các bạn sẽ có được, với một giá tiền chỉ vài trăm francs, một máy ảnh do ông Daguerre sáng chế, và với máy này các hình ảnh sẽ được mang trở lại Pháp về các công trình, các tượng, các kỳ quan tuyệt đẹp, hay những cảnh đẹp nhất thế giới. Các bạn sẽ nhận thấy các viết chì và các cọ của các bạn không thể tạo ra hình nào bằng được các hình ảnh do máy dùng kỹ thuật daguerreotype mang lại.”

 

Tiên đoán của ông Gaucheraud quả thật đúng. Không lâu sau chưa đầy một năm thì các người du hành đã đi đến các tinh thành trong nước Pháp và đến những xứ sở nước ngoài xa xôi, mang theo các máy do Daguerre sáng chế, mặc dầu có khó khăn về sự cồng kềnh và trong vấn đề tiếp liệu các mảnh đồng để chụp ảnh trên mảnh, cũng như sự hiểu biết và sự thich hợp của kỹ thuật Daguerre ở những nơi đầy ánh sáng như vùng Địa Trung Hải, khí hậu rất nóng trong sa mac ở Ai Cập hay thiếu thốn những nhu liệu ở những cảng xa ở các nơi như Viễn Đông, nhưng những hình ảnh trên mảnh đồng mà họ mang được về Pháp là những hình ảnh quí hiếm cho phép ta thấy được một khoảnh khắc đời sống, hay sự kiện xảy ra ở nhiều vùng trên thế giới vào giữa thế kỷ 19.

 

Hình ảnh đầu tiên rất hiếm chụp ở Việt Nam và Đông Dương là thuộc phương pháp Daguerre (gọi là daguerreotype). Nhiếp ảnh gia Pháp Alphonse Jules Itier đi theo phái đoàn Théodore de Lagrenée trên đường qua Trung Quốc để chụp hình ghi lại sự kiện ký hiệp ước giữa Pháp và Trung quốc vào năm 1844, đã có ghé Đà Nẳng,  để lại một bức ảnh chụp đồn lính Việt Nam.

 

 

Hình 1: Trang quảng cáo máy Dubroni, khoảng năm 1866 (trích từ Le Monde Illustré N° 462 – 17/02/1866) (8), cho thấy lúc này nhiều người du hành đã đi đến nhiều nơi trên thế giới như Trung Đông để chụp ảnh.

 

Kỹ thuật Ambrotype

 

Đây là phương pháp dùng hóa chất “collodion” phủ trên trên nền kính thủy tinh. Phương pháp này được sáng chế ở Anh, nó lần lần thay thế phương pháp daguerreotype vì giản tiện hơn, độ nhạy và thời gian ghi ảnh (exposure) cũng nhanh hơn. Ở Pháp phương pháp này gọi là “Collodion Positif”. Phương pháp ambrotype phát triển mạnh trong thời gian 1855 đến 1865. Phương pháp Daguerreotype không còn thông dụng vào khoảng thập niên 1860s.

 

 

Hình 2: Máy ảnh dùng kỹ thuật Ambrotype hiệu Darlot, khoảng 1885, modèle: Chambre de voyage (8)

 

Ở nhiều nơi như Pháp, phương pháp “ambrotype” vẫn còn được dùng cho đến thập niên 1880, gần cuối thế kỷ 19 trước khi được hoàn toàn thay thế bởi kỹ thuật “tintype” trên sắt và kỹ thuật mới trên phim và giấy.

 

Năm 1851, Frederick Scott Archer tìm ra phương pháp làm ảnh qua quá trình “bảng ướt” (wet plate process), đôi khi gọi là quá trình “collodion” (collodion process) dựa theo tên hóa chất được dùng trên nền (bảng) kính. Hóa chất là bromide, iodine hay chloride (halogen gas) được hòa tan vào collodion (dung dịch pyroxylin trong cồn hay ester). Dung dịch này sau đó được chế lên mặt kính, sau khi dung dịch đông lại nhưng vẫn còn ướt thì người ta nhúng kính vào một dung dịch khác gọi là silver nitrate. Iodine và vì thế bromide trên mặt kính sẽ phản ứng với silver nitrate. Kết quả là hợp chất chất silver iodide (iốt bạc) hay silver bromide (bromit bạc) sẽ được hình thành trên kính.

 

Khi phản ứng hoàn tất, kính được lấy ra khỏi dung dịch silver nitrate và được đặt vào camera để chụp trong khi vẫn còn ướt. Khi tia ánh sáng chiếu lên mặt kính chứa silver iodide thì kim loại bạc (silver) sẽ trầm tích làm tối lại và tùy theo cường độ ánh sáng, độ tối (lượng bạc) sẽ khác nhau. Vì mặt kính sẽ mất đi độ nhạy nếu chất đông chứa silver iodide khô đi nên cần phải dùng ngay càng sớm càng tốt. Sau khi chụp ảnh xong trên mặt kính, mặt kính còn ướt chứa ảnh được rửa bằng dung dịch có chứa sắt sulphate (FeSO4), acetic acidcồn. Vì thế người chụp ảnh phải mang theo hóa chất dung dịch để sửa soạn trước khi và sau khi chụp.

 

Kỹ thuật Calotype (hay Talbotype)

 

Khoảng cùng thời gian với kỹ thuật daguerreotypeambrotype là kỹ thuật chụp và rửa ảnh trên giấy gọi là “calotype” do ông William Fox Talbot sáng chế. Quá trình calotype, mặc dầu hình ảnh không rõ qua độ phân giải thấp so với daguerreotype nhưng nó có một lợi điểm đặc biệt quan trọng: từ một ảnh âm giấy duy nhất, hàng chuc hay trăm ảnh giống nhau được rửa ra. Vì trên giấy nên dễ đuợc các nghệ sĩ liên kết chung vào với nghệ thuật họa hình, dễ gắn vào các album, đóng khung như tranh hay mang vào trong sách in. Vì thế vào đầu thập niên 1850, kỹ thuật chụp ảnh calotype trên giấy bắt đầu thay thế kỹ thuật daguerreotype. Mặc dầu ở Mỹ daguerreotype còn hiện diện lâu hơn nhưng ở Pháp nó hầu như biến mất vào đầu năm 1860.  Kỹ thuật calotype dùng ảnh âm giấy (paper-negative) rất phổ biến và được dùng nhiều nhất là cho những người đi du hành hay du lịch.

 

Phương pháp ambrotype dùng kính cho hình ảnh rõ hơn phương pháp calotype trên giấy. Cả hai đều dùng ảnh âm (negative) rồi từ ảnh âm mới rửa ra hay nhân bản ra thành nhiều ảnh. Có thể xem ambrotype là kết hợp đặc tính tốt nhất của daguerreotype là rõ, có độ phân giải cao và của calotype là dễ nhân bản ra nhiều ảnh từ ảnh âm, và phóng đại được hình.

 

Trong thập niên 1850, có hai trường phái, một ủng hộ ambrotype và một ủng hộ calotype và cả hai đều phổ thông trong thời gian này trong khi daguerreotype lần biến mất vào khoảng thập niên 1860. Ambrotype dùng kính rất phổ thông trong các hình chụp chân dung vì ảnh rất rõ, đủ nhanh trong khi calotype dùng giấy âm được dùng nhiều bởi các nghệ sĩ hay những người đi du hành hay du lịch vì sự tiện lợi của nó. Nói chung ambrotype được dùng trội hơn so với calotype trong thập niên 1860.

 

Sự phổ thông của nhiếp ảnh đã được hổ trợ và thúc đẩy thêm bởi sự thành lập của hội nhiếp ảnh đầu tiên trên thế giới vào năm 1851 ở Paris. Đó là hội “Société Héliographique” (sau này gọi là “Société Francaise de Photographie”, SFP, và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay). Hội này tổ chức các buổi triễn lãm ảnh, kỹ thuật nhiếp ảnh, hội thảo, các sách và tạp chí về nhiếp ảnh được xuất bản (như tạp chí Lumière). Hội viên không những từ khắp nước Pháp mà còn có từ các nước châu Âu khác.

 

Một vài thí du các ảnh chụp theo kỹ thuật ambrotypecalotype

 

Sau các ảnh rất hiếm chụp ban đầu dùng kỹ thuật daguerreotype, là những bức ảnh chụp ở Việt Nam sau đó dùng phương pháp ambrotype (trên kính) và calotype (trên giấy). Bức ảnh chân dung đầu tiên của người Việt Nam là ảnh của ông Phan Thanh Giản chụp ở Paris, dùng phương pháp ambrotype (collodion) trên kính, khi ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp năm 1863 để hy vong chuộc lai ba tỉnh miền Đông Nam bộ.

 

Trong bảng tường trình của chuyến đi này, “Tây Hành Nhật Ký”, do Phó sứ Phạm Phú Thứ đã có viết như sau về kinh nghiệm của phái đoàn tiếp xúc lần đầu với máy ánh:

 

“..Còn phương pháp chụp ảnh thì trước hết lấy nước thuốc xoa vào miếng kính rồi đặt vào ống; người đứng phía trước nhìn thằng vào miệng ống; hình người sẽ do ánh sáng mặt trời in vào miếng kính, tơ tóc không sai mảy may. Người Tây rất thích chụp hình. Phàm mới quen biết nhau, họ đều muốn được bức ảnh của nhau để tỏ ý nhớ nhau mãi mãi. Người sang kẻ hèn cũng đều một một ý thức như nhau. Vì thế, rồi từ hôm ấy trở đi, các quan chức luôn luôn đem thợ đến quán, yêu cầu Thần đẳng để cho họ chụp mấy tấm để tặng thần đẳng và bạn hữu… “ (7)

 

 

Hình 3: Ảnh Phan Thanh Giản chụp ở Paris dùng kỹ thuật ambrotype

 

Ta cũng có thể thấy các hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Gsell chụp năm 1866 ở Saigon, miền Nam và Cam Bốt là thuộc kỹ thuật ambrotype hoặc calotype.

 

 

Hình 4: Tu viện Sainte Enfance của các soeurs dòng thánh Phao Lô (St Paul de Chartres) là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nạm Hai nữ tu đầu tiên đến Saigon năm 1860, và tòa nhà được xây dựng xong vào năm 1864 theo thiết kế của Nguyễn Trường Tộ. Hình trên của Émile Gsell chụp năm 1866 tức hai năm sau khi xây xong. Tòa nhà này sau đó vào cuối thế kỷ 19 được thay thế xây lại như còn lại hiện nay (tháp chuông không còn) – (Collection Gsell, 1866, ancien fonds du musée des colonies).

 

Sau đây là một vài hình ảnh do thống đốc Charles le Myre de Viliers, vị thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ đã chỉ thị là các công trình xây dựng trong nhiệm kỳ của ông phải được chụp ảnh để làm tài liệu (4). Các ảnh này được tồn trữ ở kho tư liệu Bộ Ngoại giao Pháp, Quai d’Orsay, hơn 120 năm không ai để ý cho đến năm 2002 thì Tòa lãnh sự Pháp ở Saigon mới mang ra triễn lãm. Hình ảnh rất chi tiết, máy ảnh thuộc loại lớn (4), ảnh có màu đỏ có thể là do chất hóa học phai màu hay cũng có thể là do nền bằng kính (ambrotype) có nền đỏ sau lưng.

 

 

Hình 5: Kênh Charner chụp năm 1882, sau này (1887) được lấp thành đường Kinh lấp mà ngày nay gọi là đường Nguyễn Huệ. Bức hình này rất có thể do nhiếp ảnh gia Émile Gsell chụp.

 

 

Hình 6: Bức hình này thực sự là do Émile Gsell chụp (thông tin theo một hình albumen rửa từ bảng âm như hình này được bán đấu giá năm 2007). Như vậy là ảnh phải được chụp trước năm 1879 (năm ông mất) chứ không phải là năm 1882 như được ghi trong triễn lãm của Tổng Lãnh Sự Pháp ở Saigon.

 

 

Hình 7: Nhà thờ Đức Bà, Notre Dame, năm 1882 (chưa có tháp chuông, tháp chuông chỉ được xây hai bên vào năm 1895). Hình này gần giống như bức hinh của nhà nhiếp ảnh Aurélien Pestel chụp.

 

 

Hình 8: Trại lính bộ binh thuộc hải quân thuộc địa, năm 1882. Con đường phia trước hinh và tòa nhà ở giữa nay là đường Đinh Tiên Hoàng. Một phần của tòa nhà bên trái (nay là thuộc trường Đại học Dược khoa) và bên phải vẫn còn. Độ phân giải của ảnh rất cao, nếu “zoom” lớn sẽ thấy một người lính quân phục trắng ở giữa tầng trệt đang nhin về phia người chụp ảnh và dưới gốc cây bên trái là một người làm vườn đang tưới cây.

 

Sáng chế rửa ảnh trên giấy tráng albumen

 

Ở cuộc triễn lãm kỹ nghệ các quốc gia (Great Exhibition of the Works of Industry of All Nations) được tổ chức ở London, Hyde Park năm 1851 trong lâu đài kính (“Crystal Palace”), có hai sự kiện đáng chú ý là sự ra đời của phương pháp ambrotype của Frederick Archer và sáng chế mới của Désiré Blanquart-Evrard rửa in ảnh nhanh chóng qua ánh sáng mặt trời trên giấy tráng albumen. Qua sáng chế giấy albumen thay kính với giá thành các ảnh rất rẽ, Blanquart-Evrard đã mở hãng in ảnh “Imprimerie Photographique” đầu tiên ở Pháp (Lille) năm 1851 và in nhiều album ảnh.

 

Ảnh rửa trên giấy albumen nhanh chóng trở thành phổ thông được ưa chuộng. Từ một ảnh âm, nhiều ảnh được rửa và in ra trên giấy. Các ảnh trên giấy này cũng được dùng dễ dàng như minh họa trong các sách in vì chúng không cồng kềnh và không phản chiếu ánh sang làm chóa như ảnh trên kính.

 

Cho đến thập niên 1850, những nhà chụp ảnh chuyên nghiệp dùng kỹ thuật daguerreotype hay ambrotype với độ phân giải cao trong khi những người nghiệp dư dùng calotype với độ phân giải thấp. Sự ra đời của giấy in ảnh albumen đều được đón nhận hồ hởi bởi cả hai giới và đã thành công vượt bưc. Khoảng cách kỹ thuật và giới hạn giữa các nhà chụp ảnh nghiệp dư và chuyên nghiệp đã được thâu ngắn lại.

 

Ảnh âm dùng để rửa ra ảnh trên giấy albumen thường là thuộc loại calotypes (talbotype) trên giấy hay thuộc loại “colladion âm” (colladion-negative tức ambrotype) trên kính. “Bảng âm ướt colladion” (colladion wet-plate negative) dùng ngay sau khi người chụp ảnh vừa tráng chất xong hóa học lên mặt kính và gắn kính vào trong camera để sửa soạn chụp. Vì bảng “colladion âm” có độ phân giải cao nên chúng lần thay thế ảnh âm trên giấy.

 

Ảnh trên giấy albumen được rửa từ bảng “colladion âm” đặt trên khung gỗ bằng sự phản ứng hóa học khi đưa thẳng ra ánh sáng mặt trời. Nếu trong ngày có mây và ít ánh nắng, thì phải mất khoảng 1 đến 5 phút để bức ảnh được hoàn thành. Sau đó giấy albumen có ảnh vừa tạo, được tân trang thêm trong phòng sáng; thường thì các ảnh  được viền khung chung quanh trước khi đưa cho khách hàng.

 

Ta có thể nhận thấy các ảnh in dùng albumen lâu ngày thường bị ngã màu vàng nâu như đa số các “carte postales” chụp và rửa trên giấy albumen vào đầu thế kỷ 20.

 

Kỹ thuật Tintype (hay ferrotype)

 

Kỹ thuật “tintype” được sáng chế vào năm 1856 ở Mỹ bởi giáo sư hóa học Hamilton Smith. Phương pháp này không mới, chỉ là cải tiến trên phương pháp ambrotype: thay vì hình trên mặt kính thì đổi qua trên mặt kim loại sắt hay thiết. Phương pháp này rất phổ thông ở Mỹ bắt đầu từ thời nội chiến Nam-Bắc cho đến cuối thế kỷ 19.

 

Mặt trên tấm kim loại làm bằng sắt (Fe) được phủ bởi một chất hóa học màu đen (chúng thường được dùng trong sơn mài), chất hóa học này có xuất xứ từ Nhật nên được gọi là japan. Chất này làm mặt tấm sắt không bị rỉ sét và làm mặt kim loại trở thành nhẳn, dựa trên đó hình ảnh sẽ được in rửa ra

 

Carte de Visite (CDV)

 

Cuối thập niên 1850, Andre Disdéri đưa ra các ảnh dạng Carte de Visite (CDV) (3). Đây là một loại ảnh trên giấy có tính chất thương mại phổ thông. CDV dễ sản xuất hàng loạt và rẻ so với tintype và dùng albumen (chất trong long trắng của chứng gà) tráng trên giấy sau đó là lớp silver chroride. Mặc dầu không bền như ambrotype hay tintype nhưng độ phân giải cũng cao và giá lại rẻ cho người tiêu dùng và quan trọng là không cồng kềnh, dễ dùng vì vậy nên phổ thông trong mọi tầng lớp.

 

CDV sản xuất dễ và rẽ so với tintype và phẩm chất cũng tốt nên vì thế đến với quần chúng tiêu thụ rộng rãi hơn, mặc dầu không bền như tintype vì hình trên giấy (thay vì trên sắt) và khi để lâu albumen ngã màu vàng nâu.

 

Kỹ thuật nhiếp ảnh trên phim nhựa

 

Năm 1884, ông George Eastman ở Mỹ sáng chế ra phương pháp ảnh chụp trên giấy và phim nhựa dùng chất hóa học nhờn khô. Năm 1888, máy chụp ảnh Kodak ra đời dùng cuộn phim, người chụp ảnh không cần phải mang theo các bảng (plate) và chất hóa học. Chỉ cần bấm để chụp ảnh, còn việc tráng, rửa là do công ty “Eastman Dry Plate Company” đảm nhiệm. Đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, thì nhiếp ảnh tân thời như ta biết hiện nay, thực sự ra đời và đi đến quần chúng rộng rãi (trước khi có nhiếp ảnh số, digital photography vào đầu thế kỷ 21).

 

 

Hình 9: Máy ảnh hiệu Demaria-Lapierre, model: caleb. Ra đời khoảng năm 1914 (8)

 

Còn tiếp 2. 3. 4.

 

Chú thích:

 

(1) Phim này của anh em Lumière là do Gabriel Veyre quay ở một làng gần Đà Nẳng và sau đó được chiếu vào năm 1900 ở nhiều nơi trên nước Pháp và Âu châu trong những năm đầu tiên của lịch sử điện ảnh. Phim này có thể xem ở

http://www.youtube.com/watch?v=9dk15FlvRj4. Phim thứ nhì của anh em Lumière ở Việt Nam là “Indochine: Enfants annamites ramassant des sépèques devant la Pagode des dames (1903)” (có thể xem ở http://www.youtube.com/watch?v=WH5NZo8Mm0M). Và thứ ba là “Déchargement du Four à Briques”. Bình luận và nghiên cứu chi tiết về các phim này, có thể xem bài viết của hai giáo sư Barbara Creed và Jeanette Hoorn (University of Melbourne) trong phần tham khảo (18)

 

Tham khảo

 

  1. Marie-Hélène Degroise, Photographes en Outre-Mer (1840-1944),

http://photographesenoutremer.blogspot.com/

  1. Daniel, Malcolm. “The Daguerreian Age in France: 1839–1855”. In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–. http://www.metmuseum.org/toah/hd/fdag/hd_fdag.htm (October 2004).
  2. Daniel, Malcolm. “The Rise of Paper Photography in 1850s France”. In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–. http://www.metmuseum.org/toah/hd/frph/hd_frph.htm (September 2008)
  3. Hình ảnh một số từ http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/collections/http://belleindochine.free.fr/Saigon1882.htm
  4. Nguyễn Đình Đâu, Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn, Báo Lao Động ngày 4/6/2011, http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Tim-lai-cau-tau-noi-Bac-Ho-roi-cang-Sai-Gon/45151
  5. Xavier Guillaume, La terre du Dragon, Tome 1, Publibook, Paris, 2004.
  6. Phạm Phú Thứ, Tây hành nhật ký, Tô Văn Nguyễn Đình Diệm và Văn Vĩnh, Nxb Văn Nghệ, Tp HCM, 2001.
  7. Hình ảnh các camera xưa và nay,

http://www.collection-appareils.fr/general/html/listeD_imagettes.php?RadioGroup1=chrono&submit=Trier

  1. Voyage d’exploration en indochine: par les lieutenants Francis Garnier et Delaporte, Le Tour du Monde – Volume XXII -1870-2nd semestre – Pages 305-321,

http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm

  1. La Conquête du delta du Tong-King, Romanet du Caillaud, Le Tour du Monde, Volume XXXIV – 1877 – 2nd semestre,

http://collin.francois.free.fr/Le_tour_du_monde/Frame7_textes/TdM_frame7.htm

  1. Malcolm Daniel, Daguerre (1787–1851) and the Invention of Photography, The Metropolitan Museum of Art,

http://www.metmuseum.org/toah/hd/dagu/hd_dagu.htm

  1. Nguyễn Đức Hiệp, Võ An Ninh: Nhiếp ảnh và cuộc đời, 2009,

http://www.vannghesongcuulong.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=10502http://www.vannghesongcuulong.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=10502

  1. Kho lưu trữ Bộ ngoại giao Pháp

http://www.archivesnationales.culture.gouv.fr/anom/fr/11_anc.documents/0905_Pestel/Pestel.html

  1. http://www.liveauctioneers.com/item/4482940
  2. Victor Goloubew, V.-T. Holbé, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année   1927, Volume   27, Numéro   27, p. 525.
  3. Chronique, Cochinchine, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Année   1933, Volume   33, Numéro   33, p.1110-1111.
  4. Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1991.
  5. Barbara Creed and Jeanette Hoorn, Memory and History: Early Film, Colonialism and the French Civilising Mission in Indochina, in “French History and Civilization”, Papers from the George Rudé Seminar Volume 4, 2011, Edited by Briony Neilson and Robert Aldrich, http://www.h-france.net/rude/rudevoliv/CreedHoornVol4.pdf.
  6. John Keay, The Mekong Exploration Commission 1866-68: Anglo-French rivalry in South East Asia, Asian Affairs, vol. XXXVI, no. III, November 2005, http://end-of-empires-south-east-asia.wikispaces.com/file/view/THE+MEKONG+EXPLORATION+COMMISSION.pdf
  7. Làng nhiếp ảnh Lai Xá, http://langnghenhiepanhlaixa.com/
  8. J. Y. Claeys, Martin Hurlimann: Ceylan et l’Indochine, architecture, paysages, scènes populaires, Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient, 1930, Vol\. 30, no. 30, pp. 180-181.
  9. Pierre Verger Foundation,

http://www.pierreverger.org/fpv/index.php?option=com_wrapper&Itemid=176

  1. Doig Simmonds, Obituary: Pierre Verger, The Independent Sat. 2 March 1996,

http://www.independent.co.uk/news/people/obituary-pierre-verger-1339851.html

  1. Peter Cohen, Pierre Fatumbi Verger as social scientist, Cahiers du Brésil Contemporain, 1999, n° 38/39, p. 127-151.
  2. Annuaire général Administratif, Commercial et Industriel de l’Indo-Chine, 1908, 1909, 1910, 1911, Imprimerie F.-H. Schneider, Hanoi

 

Nguyễn Đức Hiệp

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: