Trung Quốc cam kết cải thiện sự minh bạch tư pháp và hạn chế sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền địa phương với tòa án.
Phiên tòa xử cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai – Ảnh: Reuters
Trong văn kiện Hội nghị Trung ương lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 18 công bố ngày 15.11, Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết tăng cường sự độc lập của các thẩm phán và kiểm sát viên cũng như “cải thiện việc bảo vệ nhân quyền trong các trình tự tố tụng” và “cải thiện cơ chế để tránh buộc tội oan hoặc ép nhận tội bằng nhục hình”. “Đảng sẽ khảo sát cách thức thiết lập một hệ thống giám sát để tách bạch chính quyền địa phương và bộ máy tư pháp dưới cấp tỉnh thành”, văn kiện viết.
Tân Hoa xã trích phát biểu của Tổng bí thư Tập Cận Bình tại hội nghị thừa nhận có nhiều lời kêu ca về chất lượng công tác tư pháp. Tờ Legal Daily cho biết tòa án ở Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông và Thiểm Tây đã được lệnh cải thiện sự minh bạch trong tố tụng và bổ nhiệm.
Theo tờ South China Morning Post, những cải cách này vẫn chưa đáp ứng được trông đợi lâu nay về hệ thống quản lý theo chiều dọc. Theo đó, tòa án và viện kiểm sát không phải báo cáo với chính quyền địa phương. Hiện nay, tòa án và viện kiểm sát được chính quyền địa phương cấp ngân sách hoạt động trong khi thẩm phán và kiểm sát viên do các lãnh đạo đảng ở địa phương bổ nhiệm. Vì thế, những quan chức tư pháp này khó có thể đưa ra các phán quyết độc lập chỉ dựa vào luật pháp, bằng chứng và phải tuân theo quyết định chính trị của đảng ủy các cấp. Tờ South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia nhận xét Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn muốn nắm quyền quyết định các vụ án quan trọng và sự độc lập của tòa án sẽ bị hạn chế ở một mức độ nhất định.
Kế hoạch đổi mới đầy tham vọng do ông Tập Cận Bình khởi xướng cũng bao gồm việc cải tổ hoạt động của quân đội. Văn kiện cho biết Trung Quốc sẽ “tối ưu hóa quy mô và cấu trúc quân đội… và cắt giảm các nhân sự và tổ chức không tham gia tác chiến”. Tân Hoa xã đưa tin các công ty tư nhân sẽ được phép gia nhập ngành công nghiệp quốc phòng. Ngoài ra, cơ chế lãnh đạo quân đội cũng sẽ được cải tổ bằng cách “tối ưu hóa” vai trò của Quân ủy Trung ương do ông Tập đứng đầu.
Không chỉ nắm quân đội, ông Tập còn được dự kiến sẽ nắm quyền kiểm soát bộ máy an ninh đồ sộ của đất nước thông qua Ủy ban An ninh quốc gia sắp thành lập. Truyền thông Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Tập nhận xét quyết định thành lập Ủy ban An ninh quốc gia sẽ cho phép chính phủ có tiếng nói chung trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng trong và ngoài nước. “Hiện tại, đất nước chúng ta đối mặt với các áp lực bên ngoài trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, và áp lực nội bộ về việc bảo vệ an ninh chính trị và ổn định xã hội”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập.
Những nguy cơ mà Trung Quốc đối mặt đang gia tăng đáng kể và hệ thống hiện hữu của nước này không đủ khả năng để xử lý chúng, theo ông Tập. Các chuyên gia cho rằng Ủy ban An ninh quốc gia của Trung Quốc sẽ dựa trên mô hình Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ và sẽ tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành khác nhau trong bộ máy an ninh như công an, quân đội, tình báo và ngoại giao. “An ninh quốc gia và ổn định xã hội là điều kiện tiên quyết cho cải cách và phát triển”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập.
Sơn Duân