“Nữ mua dâm nguy hiểm hơn ngoại tình”
Sự việc phụ nữ mua dâm tại TP. HCM bị bắt quả tang tối ngày 19/5 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
PV có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất về vấn đề này.
Là nhà tâm lý học, thông tin nữ giới mua dâm để thỏa mãn nhu cầu sinh lý có làm ông bất ngờ?
Thông tin nữ mua dâm được nhiều người cho là “chuyện động trời” nhưng theo tôi, đó không phải là việc gì quá xa lạ khiến tôi bất ngờ.
Ngày nay, người phụ nữ tiên tiến đã vượt qua được quy định “trai khôn 5-7 vợ, gái chính chuyên một chồng”. Họ chủ động hơn trong quan hệ xã hội, muốn thỏa mãn nhu cầu sinh lý.
Tình dục là nhu cầu của con người, nam cũng như nữ. Nó giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nếu xét một cách khách quan ai cũng có quyền được thỏa mãn nhu cầu đó. Nhưng vấn đề ở chỗ nên sử dụng quyền đó như thế nào cho hợp lý.
Việc phụ nữ mua dâm rất nguy hiểm vì làm tăng tệ nạn mại dâm nam
Chuyện nữ giới mua dâm để thỏa mãn nhu cầu tình dục không phải vấn đề mới của xã hội mà nó tồn tại khoảng 10 năm nay. Dư luận gọi là “phi công trẻ lái máy bay bà già” hay “trai bao”… Việc nữ giới mua dâm kiểu “bóc bánh trả tiền” và nuôi phi công trẻ hay traibaokhác nhau về hiện tượng nhưng bản chất như nhau, đều là thỏa mãn nhu cầu sinh lý.
Nhiều ý kiến cho rằng nữ mua dâm nam là chuyện động trời. Tại sao vậy, thưa ông?
Từ trước đến nay chưa có ai đưa ra vấn đề nữ mua dâm, nam bán dâm cả. Ngay cả thông tin đại chúng nói mua dâm cũng chỉ nói đến đối tượng là nam giới nên hằn sâu vào suy nghĩ của đa số rằng trong chuyện mua bán dâm chỉ có nữ bán, nam mua. Cái đó dường như là quy luật bất thành văn, có ranh giới rồi nên khi có thực tế ngược lại thì choáng ngợp, không chấp nhận.
Theo ông, những phụ nữ có nhu cầu mua dâm do nguyên nhân nào?
Nam hay nữ đều có nhu cầu sinh lý như nhau. Những người phụ nữ “bóc bánh trả tiền” có thể do không muốn dây dưa đến chuyện tình cảm mà chỉ đơn thuần là giải quyết nhu cầu sinh lý.
Chồng những người phụ nữ này thường nhu sinh lý thất thường, không thực hiện được nhiều hoạt động tình dục. Trong khi người phụ nữ có tiền, có cuộc sống thoải mái và nhu cầu tình dục cao nên họ mua dâm.
Về bản chất hiện tượng phụ nữ mua dâm không khác với việc đi ngoại tình. Nhưng mua dâm nguy hiểm hơn bởi làm tăng tệ nạn mại dâm nam.
Một bên có nhu cầu và một bên phục vụ. Người ta không yêu nhau mà chỉ trao đi đổi lại thân xác chứ không có tình yêu thương. Các bà thỏa mãn nhu cầu tình dục còn đối tượngkia được tiền.
Đứng về góc độ tâm lý, ông có “thông cảm” cho người nữ giới đi mua dâm để thỏa mãn nhu cầu bản năng?
Những người phụ nữ tìm đối tượng “cave nam” cho thấy họ có nhu cầu tình dục bạo liệt. Tuy nhiên, mua bán dâm là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, đem lại hậu quả nguy hiểm cho cả hai giới. Ngoài ra, bán dâm còn tổn hại cho cả xã hội. Đây là cái tai hại của họ, cái tâm họ đã mất đi và họ cần hướng tới tốt hơn.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất
Người phụ nữ bị bắt quả tang mua dâm đang ở độ tuổi “tứ tuần”, được nhiều người gọi là tuổi “hồi xuân”. Về mặt tâm lý học, lúc này phụ nữ có thay đổi gì, thưa ông?
Từ khi lấy chồng, rồi bắt đầu có con, nuôi con… Lúc này, người phụ nữ thường mệt mỏi nên quan hệ với chồng thường không nghĩ đến hưởng thụ. Tâm lý chung, chồng muốn gần gũi thì “kệ ông, muốn làm gì thì làm”.
Đến lúc từ 35-40 tuổi, người phụ nữ bắt đầu nhàn hạ. Đọc thông tin báo chí, nghe bạn bè nói chuyện… trên cơ sở đó trở lại ham muốn. Từ đó làm suy nghĩ và sinh học phụ nữ có nhu cầu ham muốn tình dục thôi thúc, gọi là hồi xuân.
Giải pháp nào giúp tâm lý chị em ở giai đoạn này ổn định hơn để không phải “bóc bánh trả tiền”?
Giải pháp do chính mỗi con người. Bản thân mỗi người phải có kỹ năng trong quan hệ vợ chồng. Đừng bao giờ nghĩ người vợ hoặc người chồng không thực hiện được nhu cầu tình dục. Tâm lý nam giới, người vợ chủ động quá mức sẽ khiến người chồng quá sợ, mất cao trào, chán trường. Ngoài ra, những người chồng bất lực, cần chữa để trở thành tốt đẹp hơn.
Tối 19/5, Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội TPHCM phối hợp với Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP bất ngờ ập vào 2 khách sạn trên địa bàn quận 5 để kiểm tra hành chính.
Tại khách sạn thứ nhất, lực lượng chức năng phát hiện và bắt quả tang 2 trường hợp mua, bán dâm mà khách mua dâm là… phụ nữ đã lớn tuổi! Theo lời khai ban đầu của 2 “trai” bán dâm, mỗi lần bán dâm được trả 300.000 đồng/lượt. Còn tại khách sạn thứ hai, lực lượng chức năng phát hiện 5 cặp đang thực hiện hành vi mua bán dâm, trong đó có 4 nam bán dâm cho 4 phụ nữ, 1 đối tượng nam (SN 1977) đang bán dâm cho 1 nam khác (SN 1982); mỗi lần bán dâm được trả 200.000 đồng. |
Trịnh Thu (thực hiện) (Khampha.vn)
**********************************
Về Trảng Bàng ăn bánh tráng, bánh canh!
Bánh canh vùng nào chả có, mà lạ hễ nhắc là ai nấy lại nghĩ ngay tới Trảng Bàng.
Vùng quê tràn nắng bốc khói mùa hè, khô nẻ mùa đông, nhờ những đầu bếp nhọc nhằn pha chế nên tô bánh canh và món bánh tráng phơi sương cuộn rau độc đáo trở nên nổi tiếng về ẩm thực dân dã.
Nghe nói Núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ khánh thành thêm tuyến cáp treo, nhóm bạn cao nguyên bèn quẳng ba-lô lên một chiếc Jeep mui trần du nam. Vừa bềnh bồng trôi trên đỉnh núi mát lạnh xuống, lập tức choáng váng bởi cái nắng hừng hực ập vào. Nhưng tiếng reo “Ôi, bánh canh Trảng Bàng kìa” với danh tiếng món ngon miền tây vẫn lấn át được cơn lười biếng. Cả nhóm lục tục kéo vào quán, dè dặt gọi mỗi người một tô nhỏ. Hóa ra loáng cái, phải gọi thêm cả mấy tô to!
Dù thương hiệu bánh canh Trảng Bàng giờ đã lan khắp nơi, nhưng về đúng quê gốc món ngon vẫn tuyệt thú.
Quả danh bất hư truyền! Dù thương hiệu bánh canh Trảng Bàng giờ đã lan khắp nơi, nhưng về đúng quê gốc món ngon vẫn tuyệt thú. Nóng bốn bề vây phủ quyện với làn khói nóng hổi từ tô bánh thơm phức tỏa lên. Múc một muỗng nước lèo trong veo lăn tăn hoa mỡ nóng bỏng húp thử, vị ngọt đậm đà tinh tế của xương hầm, gạo thơm, hành lá, gia vị, tiêu cay hòa quyện như thấm vào từng tế bào khiến gương mặt rịn đầy mồ hôi nào cũng ngỡ ngàng tỉnh hẳn. Sợi bánh canh Trảng Bàng vừa đủ mềm dai của chất gạo dẻo thơm được chọn để vo sạch, ngâm đủ nở, xay đủ nhuyễn đã lắm công phu. Nhưng những lát thịt vừa chín tới mềm ngọt thả trong bát nước lèo thanh tao hấp dẫn xui thực khách húp cạn tô nọ gọi tiếp tô kia, mới thể hiện tay nghề của cô đầu bếp đáng nể!
Quán nhỏ lúp xúp như nhau, chuỗi bảng hiệu cắm chi chít nối dài cũ kỹ Bánh canh, Bánh canh, Bánh canh… chứng tỏ nơi đây đã từ lâu mọc thành làng đặc sản ven quốc lộ. Cô chủ gạt mớ tóc mai lòa xòa má đỏ như trái chín, cười nhẹ nhàng dễ thương: “Từ hồi năm xưa rồi, bà cố em đã gánh nước lèo, thịt heo, rau sống tới nấu bán cho các đoàn xe chở hàng qua lại chặng Sài Gòn – Tây Ninh. Rồi má em mở sạp ở đây, tới em thì đã đông như vậy đó…”.
Huyện Trảng Bàng có ấp Lộc Du còn được gọi là “xóm bánh tráng”. Bánh tráng nướng giòn, bánh tráng phơi sương ở đây hằng ngày được đếm từng ngàn, từng vạn chiếc, chia từng xấp nhỏ cuộn trong lá chuối tươi để giữ được độ mềm dịu gửi lên Sài Gòn, xuống Cần Thơ, tỏa đi mọi miền đất nước. Bánh tráng cuốn thịt heo ăn kèm hàng chục thứ rau rừng, rau vườn chấm nước mắm pha chua ngọt, kèm tô bánh canh đúng kiểu Trảng Bàng đủ truyền đời giữa các thế hệ Trảng Bàng niềm tự hào về hương quê độc đáo.
Theo Hoàng Thiên Nga
****************************
Những câu chuyện trên bàn nhậu của đàn ông
Nếu như nói đến chuyện đi nhậu, cánh đàn ông có cả trăm nghìn lý do, thì trên bàn nhậu, họ cũng có đến một nghìn lẻ một những câu chuyện để nói, thậm chí có những chuyện nói đi nói lại đến cả chục lần mà vẫn “hot”…
Một nghìn lẻ một chuyện để… nói
Nói đến việc đi nhậu, rất nhiều bà vợ thắc mắc: tại sao họ có thể nhậu nhiều đến thế. Ngày nào cũng nhậu, cứ tan sở là nhậu, nhậu đến say xỉn mới về nhà, hoặc ít thì đầu óc cũng lâng lâng. Ông nào kiềm chế hơn thì tuần cũng phải đôi ba lần thở ra rượu.
Mà một khi đã nhậu, họ không thể ngồi chốc lát, chí ít cũng phải vài tiếng đồng hồ, còn nhiều hơn thì vô vàn, có khi cả ngày, cả tối thậm chí là kéo dài cho đến tận hôm sau.
Ảnh minh họa. |
“Vậy thì họ nói chuyện gì trong suốt những thời gian đó, bởi từ trước tới nay, ai cũng bảo, chỉ đàn bà mới nhiều chuyện để buôn bán chứ làm gì có ai nói đàn ông nhiều chuyện?” – một bà vợ khác thắc mắc.
“Xin thưa, một khi đã ngồi vào bàn nhậu thì bất cứ chuyện gì cũng có thể trở thành một đề tài nóng hổi để các anh em đưa ra bàn tán. Từ chuyện chính trị, chuyện giá vàng, giá xăng, giá bất động sản lên xuống đến những dự án nghìn đô, rồi lại quay trở lại chuyện cơ quan đang có gì biến động… Chuyện cô nhân viên mới vào, chân dài thì có dài nhưng cong lại còn hay mặc váy ngắn, hay chuyện cô này trông ngon còn cô kia ngực khủng…” – Anh Huy – một dân nhậu chuyên nghiệp hiện đang làm việc tại phòng kinh doanh của một công ty chuyên bán hàng nội thất bật mí.
Cứ rượu vào là lời ra
Trong cuộc nhậu, ngay cả những câu chuyện thầm kín như sinh hoạt vợ chồng bao nhiêu lần trong tuần, hay chuyện ông này có bồ chân dài, ông kia có bồ chân ngắn cũng được các anh em mang ra bàn tán một cách sôi nổi. Bởi rượu vào thì lời ra, rượu càng nhiều thì những câu chuyện vụn vặt lại càng nhiều.
Có nhóm nhậu, ngồi suốt 3 tiếng đồng hồ ở một quán bia cỏ trên phố Minh Khai (Hà Nội) mà câu chuyện chỉ xoay quanh cô giúp việc. Nào là, “vợ mình tự nhiên rước đâu về con bé giúp việc xấu thế, đã vậy lại còn hay nhõng nhẽo với mình, làm thì lười thôi rồi, sểnh ra là tót lên phòng xem phim, ăn quà thì như mỏ khoét. Thế mà động tí là giận dỗi đòi nghỉ việc…”. Một ông khác thì lại than thở: “Osin nhà mình thì vừa già vừa khó tính, thế mà 2 vợ chồng vẫn phải chiều như mẹ, thậm chí mình đi đâu cũng phải báo cáo báo mèo…”.
Trong khi đó, ở bàn bên cạnh, một nhóm nhậu 5, 6 người lại liên tục cười nói, và chúc tụng ầm ĩ chỉ vì 1 ông trong nhóm “quá thông minh” nên đã lừa được cho vợ đi ăn giỗ bà cô họ, còn mình thì ra đây lai rai với anh em. Đến lúc câu chuyện này lắng xuống thì một ông khác lại khởi xướng ra vụ thi uống bia xem ông nào uống được liền một lúc nhiều bia nhất. Thế là lại rôm rả, bia được gọi ra xếp đầy bàn, ông nào ông ấy thi nhau uống ừng ực. Lúc xem kết quả thì lại bắt đầu bàn tán, nào là ông này uống kém quá, ông kia phong độ thất thường. Rồi lý do vì sao lại thất thường cũng được các ông mang ra để phân tích, bàn tán, trêu đùa… Mà nếu kể chi tiết ra thì có khi cả chục trang giấy cũng không ghi hết chuyện mà cánh đàn ông nói với nhau trong cuộc nhậu.
Ấy thế nhưng, chỉ cần hôm sau gặp lại, họ lại có trăm nghìn những câu chuyện không đầu không cuối khác mang ra để bàn tán đủ cho cả cuộc nhậu rôm rả, mặc kệ cho các bà vợ cứ ở nhà mà thắc mắc: “Chuyện ở đâu mà nhiều thế?”.
Minh Minh
***********************
Dịch vụ “tắm tiên” với NV ở khu du lịch
Nhận được tin báo của quần chúng về nạn mại dâm trá hình ở Khu du lịch sinh thái Duy Sơn (xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam), chiều 22/5, tại quán Thơ, tổ công tác PC45 bắt quả tang nhân viên của quán đang bán dâm cho khách.
Để phục vụ khách thường xuyên, quán nuôi năm nhân viên phục vụ tại bàn nhậu với nhiều trò tươi mát, tắm tiên với giá 200.000 đồng/người, bán dâm giá 300.000 đồng/lần, sau đó nhân viên phải đưa chủ quán 50.000 đồng tiền phòng.
Điều đáng nói là chủ quán đang trong thời gian được cho tại ngoại để chờ chấp hành quyết định thi hành án phạt một năm tù về tội môi giới mại dâm.
Cũng trong chiều 22/5, tại phòng trọ của Trần Đình Trung (chủ quán Trung Hà, ở Khu du lịch sinh thái Duy Sơn), tổ công tác bắt tang LTP là nhân viên phục vụ đang bán dâm cho khách. Các nhân viên của quán khai nhận sau khi nhậu xong, khách có nhu cầu mua dâm thì lên phòng trọ, sau đó nhân viên phải trả cho Trung 50.000 đồng tiền phòng.
Theo Tam Thăng (Pháp Luật Tp.HCM)
**********************
Trúng số bạc tỷ, ông thợ hồ khao cả làng
– Câu chuyện ông Xiêm, người thợ hồ trúng số bạc tỷ vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận Tiền Giang.
Đã một tháng trôi qua, nhưng chuyện ông Trần Văn Xiêm (SN 1958, trú tại ấp Hòa Nghĩa, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) trúng 3 tờ vé số đặc biệt mệnh giá 1,5 tỷ đồng vẫn còn “nóng” ở địa phương.
Thần tài gõ cửa
Đến đầu xã Long Khánh, hỏi ông Xiêm thợ hồ trúng số, ai cũng nhiệt tình chỉ đường. Nhà ông nằm ở sâu trong con hẻm nhỏ. Từ ngày trúng số, trong nhà ông lúc nào cũng đông khách!
Chân dung ông Trần Văn Xiêm người trúng số bạc tỷ – (Ảnh: Quốc Huy) |
Mấy người cháu ông Xiêm cho biết ông đang đi làm thợ hồ ở thị trấn Cai Lậy. Không để khách đợi lâu, con gái ông Xiêm đi gọi bố về.
Hơn 20 phút sau, ông Xiêm về nhà trong bộ quần áo lấm lem, vóc người nhỏ thỏ, sạm đen vì nắng gió công trường.
Uống ngụm nước, ông kể lại, sáng 22/4, khi đang cùng nhóm thợ xây nhà cho ông Trương Bá Tùng thì có người phụ nữ đưa tập vé số 4 tờ (có 3 tờ cùng loại) nói: “Bác ơi, con còn mấy tờ vé số bác mua giùm”.
Nhìn trong tập số, ông Xiêm quyết định mua 3 tờ cùng loại có ký hiệu: M17DM, số 021056, loại mệnh giá 10.000 đồng.
Đến khoảng 17h30 cùng ngày, ông trở về nhà và chuẩn bị làm mồi nhậu cùng anh em thợ hồ.
Sau đó, bà Dương Vũ Thị Thùy Mai (SN 1967, là hàng xóm) gọi điện ông Xiêm hỏi: “Hôm nay anh có mua số trên đám ma nhà ông Bảy Trừ không? Có mua tờ nào 56 không?”.
Ông Xiên nói lại: “Anh không mua ở đó, nhưng mua chỗ khác cũng tờ 56“. Nghe đến đó, bà Mai đề nghị ông Xiên mang tờ vé số ra xem thì bà Mai giật lấy, bấm điện thoại dò số.
Quá mừng rỡ, bà Mai cho biết là tờ vé số trúng giải an ủi 100 triệu đồng. Sau đó, bà năn nỉ xin ông Xiêm cho mình tờ số này để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, ông Xiêm từ chối, chỉ đồng ý cho 50 triệu đồng.
“Tôi không cho thì bà Mai quỳ xuống vái lạy. Tôi nói em đưa đây để tôi đưa về cho vợ con nó vui. Nhưng bà ấy cứ cương quyết giữ lấy tờ số cho đến nay” – ông Xiêm kể.
Thế nhưng, điều bất ngờ nhất là khi ông Xiêm về nhà, rút thêm 1 tờ vé số bảo con trai dò thử và kết quả là, người con trai thông báo: bố đã trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng.
Trúng số làm từ thiện
Sau ngày ông Xiêm trúng số, ngôi nhà lúc nào cũng đông khách |
Trước đó, ngày 21/4, ông Xiêm nhận công trình cùng nhóm thợ xây dựng ngôi mộ cho ông Hồ Văn Trừ (ông Bảy Trừ, hưởng thọ 56 tuổi, tại ấp Hòa Nghĩa).
Tại đây, nhiều người đi dự đám tang đã mua tờ vé số có đuôi 56.
Ông Xiêm cho hay: “Hầu hết những người mua vé số tại đám tang ông Bảy Trừ đều trúng số, bởi ông Bảy chết ở tuổi 56 tuổi nên khi có tờ đuôi này là họ mua hết. Chủ yếu là mua theo niềm tin chứ ít ai nghĩ trúng lớn“.
Khi biết chắc chắn trúng số đặc biệt, ông Xiêm đã đến Công ty Xổ số Đồng Tháp để lãnh thưởng và đang gửi ở ngân hàng.
Trở về nhà, ông Xiêm đi tìm người phụ nữ bán 3 tờ vé số cho ông và tặng một phần quà may mắn.
“Tôi bảo để bác cất (làm) cho cháu ngôi nhà 50 triệu, nhưng cô này lại bảo không nhận. Tui bảo cho tiền mặt, 25 triệu thì cũng không lấy. Cuối cùng tôi làm cho một sổ tiết kiệm 20 triệu và đưa cho 5 triệu tiền mặt” – ông Xiêm cho hay.
Ông Xiêm đã tìm hiểu và được biết, người phụ nữ này đã ly dị chồng, thường xuyên bị chồng bạo hành nên không dám cầm số tiền lớn vì sợ bị lấy mất.
Tiếp đến, toàn bộ 15 công nhân làm cùng ông Xiêm đều được ông mua bảo hiểm tai nạn lao động 1 năm cho.
Chưa dừng lại ở đó, gia đình ông Xiêm còn mua 2 con heo quay, rượu bia để mời tất cả bà con thân thích, xóm làng đến cùng chung niềm vui tại nhà.
Cũng trong buổi tiệc, ông và con gái đã mua sẵn 2 cây vàng và phát cho mỗi gia đình 1 chỉ vàng.
Liên quan đến tờ vé số đặc biệt bị bà Mai giật trên tay, Công an tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc điều tra và đang tiếp tục xác minh để làm rõ.
Ông Xiêm còn cho biết thêm, khi lấy lại được tờ vé số 1,5 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này sẽ nhờ chính quyền xã Long Khánh đứng ra lập danh sách phân phát, làm từ thiện cho những hộ gia đình khó khăn, hoàn cảnh éo le trên toàn xã.
Quốc Huy
****************************
Họa sĩ Thành Chương: Tôi sẽ hiến tặng Việt phủ
Câu chuyện về Việt phủ Thành Chương luôn luôn là một câu chuyện hấp dẫn ngay từ khi họa sỹ Thành Chương đặt viên gạch đầu tiên trên vùng đồi trọc. Có một câu hỏi đã đặt ra từ lâu nay với những người quan tâm đến Việt phủ : Sau Thành Chương ai sẽ là người tiếp tục gìn giữ và phát triển địa chỉ văn hóa này? Cuộc trò chuyện với họa sỹ Thành Chương có thể hé lộ một phần câu trả lời đó.
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương
Tôi không bao giờ ghi lại những chi phí bỏ ra, chỉ biết nó rất nhiều
– Cho đến bây giờ, Việt phủ Thành Chương đã xây dựng được 13 năm. Đó là một quãng đường dài! Với ông, Việt phủ đã hoàn thiện chưa? Hay ông còn có ý định tiếp tục hoàn thiện nó thêm nữa, và nếu cần phải làm thêm thì ông sẽ làm những gì?
Thật ra mà nói, Việt phủ đã xây dựng xong từ năm 2003 và sau đó, vào năm 2004, Việt phủ đã vinh hạnh được đón tiếp phái đoàn Hoàng gia Thụy Điển. Nhưng Việt phủ, với tôi mà nói, là một tác phẩm đặc biệt, một tác phẩm của cuộc đời. Nó không phải là bức tranh sơn dầu chỉ vẽ xong, ký tên rồi đóng khung là xong. Đó là một công trình sắp đặt lớn. Nên lúc nào tôi cũng trong trạng thái phải tìm cách bổ sung nó, hoàn thiện nó. Vì thế, nó như một dòng chảy, mỗi phút, mỗi giây lại có thêm những cái mới.
– Việt phủ Thành Chương bây giờ là một không gian văn hóa lớn. Nhưng người ta còn nói đến nó như một khu rừng “nguyên sinh” với những tán cây cổ thụ sum suê. Thưa ông, có bao nhiêu cái cây cổ thụ trong Việt phủ ? Và con đường mà những cái cây ấy bước vào Việt phủ là một con đường như thế nào?
Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì tôi không nhớ xuể có bao nhiêu cây được trồng trong Việt phủ. Nhưng số cây đã chết cũng lên đến hơn 100. Khi mới bắt đầu xây dựng Việt phủ, tôi rất lãng mạn. Tôi nghĩ về một dòng suối, một hồ nước và rủ bóng bên đó là một hàng liễu. Và chính tay tôi đã đưa cả trăm cây liễu lớn về đấy.
Khi biết tôi muốn tìm những cây liễu đại thụ để đưa về Việt phủ, bạn bè đã giúp tôi rất nhiều, thấy ở đâu có cũng về nói cho tôi. Nhờ đó mà khắp các tỉnh lân cận Hà Nội, nơi nào có những cây liễu đẹp nhất, tôi đều đã đưa về. Những cây liễu đó tôi đều phải dùng cần cẩu mới đưa về được. Hết sức kỳ công!
– Khu vườn của Việt phủ có thể gọi là một khu rừng. Một khu rừng với không gian văn hóa hiếm có. Với chỉ riêng cây cối trồng trong Việt phủ, với việc vận chuyển và chăm sóc kỳ công như thế, ông đã tốn bao nhiêu tiền vào đó? Và ông đã có ý tưởng gì khi tạo ra khu rừng đó?
– Mọi người đều biết là với việc xây dựng Việt phủ, tôi không tính toán tiền nong, không so đo chuyện lỗ lãi. Tôi không bao giờ ghi lại những chi phí bỏ ra, chỉ biết nó rất nhiều, rất nhiều. Duy có một lần tôi đã thử ghi lại chi phí trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng sau đó thì tự tôi thấy sợ. Tự tôi nhận ra nếu cứ ghi lại, cứ tính toán thế này, cứ nhìn vào lượng tiền hàng ngày đổ vào đó tôi sẽ chẳng bao giờ dám tiếp tục xây dựng và hoàn thành Việt phủ nữa.
Tôi không dám gọi là khu rừng mà chỉ coi đó là một khu vườn đặc biệt. Khi bắt tay vào tạo dựng lên khu vườn đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về nó. Tôi phải tự hỏi mình: ý nghĩa của khu vườn là gì, tinh thần của khu vườn là gì? Phải làm gì để nó đúng là một khu vườn Việt, chứ không bị nhầm lẫn với bất cứ khu vườn Pháp, vườn Ý, vườn Trung Quốc, vườn Nhật Bản nào đó.
Tôi đã tìm ra được tinh thần cốt lõi trong khu vườn của người Việt, cũng là tinh thần của văn hóa người Việt, chính là tinh thần dân gian. Có những loại cây trong khu vườn ở Việt phủ mang đầy màu sắc tâm linh như bốn loại cây Sanh – Si – Đa – Đề, hay những cây mang hình ảnh của làng quê Việt Nam như cây gạo, cây xoan, cây bàng, cây đại. Những cây thông, những giàn nho, nếu xuất hiện trong không gian đó sẽ vô cùng chơ vơ, lạc lõng.
Chính từ tinh thần dân gian đó, tôi đã tạo ra khu vườn Việt phủ Thành Chương – một khu vườn Việt thực sự. Và tôi đã chọn lọc từng cái cây với tinh thần đó, để cho nó phát triển tự nhiên ở Việt phủ. Có những cái cây đến giờ này đã trở thành một phần hồn cốt của Việt phủ. Không ai có thể hình dung khu vườn Việt phủ bây giờ trước kia chỉ là một triền đồi trọc. Nhiều người bạn của tôi vẫn đùa: “Nhìn qua cứ tưởng rừng Cúc Phương, hóa ra đây là rừng Cúc Chương” – tôi hạnh phúc và thật lòng thì có cả một chút tự hào vì câu nói đùa đó.
Tôi đã làm công trình này vì tình yêu văn hóa Việt
– Có bao giờ ông ngồi một mình trong Việt phủ, ngắm nhìn những cái cây, những tảng đá, những ngôi nhà và tất cả những gì trong Việt phủ rồi bất ngờ với chính những gì mình làm nên, vì với sức lực và tiền của của một con người thì điều đó là phi thường. Có bao giờ ông nghi ngờ sự phi thường đó, đến mức phải cấu chân cấu tay xem Việt phủ là thật hay mơ?
– Cấu chân cấu tay thì rất nhiều lần. Không biết bao lần ngồi cùng vợ ở một góc nào đó trong vườn, tôi đã tự hỏi: Bằng cách nào mà mình đã làm được tất cả những điều này?Vì khi tôi đến, đó là một mảnh đất bìa rừng, đất lưu không, chẳng có bất cứ cái gì cả.
Đôi khi tôi nghĩ có lẽ phải có một cái gì ngoài cái năng lực của con người, một cái gì đó rất tâm linh đã giúp tôi làm được điều đó. Chính bạn bè tôi nhiều người cũng nói không có Trời giúp, tôi chẳng thể tạo ra được công trình này, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: đây có lẽ là thiên duyên.
– Có bao giờ ông giật mình vì số tiền ông đã đổ vào đó? Con số đó có lẽ rất khủng khiếp? Có bao giờ nó làm ông hoảng sợ?
– Lúc làm thì không, đang máu mà (cười). Nhưng bây giờ thì đôi lúc có đấy. Tôi có thể nói với anh một điều rất thật lòng: mỗi khi nhìn vào cuộc sống gia đình, nhìn vợ và các con nhỏ chưa được bằng người nọ người kia, tôi rất day dứt. Vì đáng ra với điều kiện của mình, tôi thừa sức để lo cho vợ con một cuộc sống tốt hơn như thế. Nhưng tôi đã quá đắm đuối vào công trình của mình, để phần thiệt thòi cho vợ con gánh lấy.
– Có những người nói: Tiền bạc của cả cuộc đời Thành Chương tích cóp được đều đổ vào Việt phủ!
– Đúng là đã hết sạch. Nhưng không phải để cho mình nổi tiếng, vì khi chưa có Việt phủ, tôi cũng nổi tiếng lắm rồi, mà cũng không phải với mục đích làm kinh tế. Thực sự, tôi đã làm công trình này vì tình yêu văn hóa Việt. Tôi đã dồn hết cuộc đời mình vào đó: mọi thứ tôi có, từ tâm trí, thời gian, sức lực, tiền bạc với hy vọng bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa cha ông.
– Giai đoạn đầu xây dựng Việt phủ, chưa thấy cái gì mà chỉ thấy những nguy cơ đe dọa về tài chính, có ai trong gia đình, bạn bè từng ngăn cản ông? Và có lúc nào ông cảm thấy mình nên dừng lại?
– Tôi là người đã đam mê thì gần như bất chấp tất cả mọi thứ. Trong chuyện này, chính vợ tôi là người đã nhắc nhở tôi – vì cô ấy hiểu điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình. Sự nhắc nhở đôi lúc khiến tôi băn khoăn, suy nghĩ nhưng cuối cùng niềm đam mê và tình yêu đã cuốn tôi đi. Mỗi khi nhìn Việt phủ hôm nay, tôi luôn nhớ một điều: sự hy sinh của gia đình với tôi, với công trình của tôi là rất lớn. Đó là cái giá tôi và gia đình tôi phải trả, không ai ép, nhưng tôi đã làm.
Cái tôi làm không đem lại lợi nhuận kinh tế về cho gia đình; cái nổi tiếng, nói thật với anh cũng không thể đem ra ăn được. Nhưng giá trị thật sự của Việt phủ, đến hôm nay chính là cái tôi có được. Nhưng để giá trị đó được công nhận, bản thân tôi và vợ con tôi đã phải hi sinh rất lớn cho nó.
– Nếu ngày mai anh phải vẽ minh họa cho báo để kiếm từng đồng bạc lẻ, anh có ân hận vì mình đã dành mọi thứ mình có cho Việt phủ: thời gian, tiền của, sức lực và đôi khi là cả tình cảm, hạnh phúc đang có?
– Có những khoảnh khắc tôi đã ân hận khi nghĩ đến vợ con, vì sợ cái ý nghĩ vợ con tôi sẽ khổ. Tôi không sợ cái ngày mình phải ra đường kiếm ăn, vì tôi đã từng trải qua những ngày như thế. Nếu có một ngày Thành Chương phải ra đường vá xe hay ngồi vẽ chân dung kiếm vài chục nghìn lẻ, tôi nghĩ cũng không là gì. Nhưng tôi chẳng thể đành lòng nếu vợ con mình như thế. Ý nghĩ đó vô cùng đau đớn. Tôi lại nói lại một lần nữa: đó là sự hy sinh của vợ con tôi, là sự thiệt thòi của họ.
Khi tôi làm Việt phủ, cái tôi nghĩ là cho 100 năm sau
– Việt phủ Thành Chương đã tồn tại suốt 13 năm qua. Có thể nói trong chặng đường 13 năm đấy, ông đã tạo nên một vùng văn hóa, tạo nên một vùng thiên nhiên, một vùng bí ẩn về ý chí, khát vọng phi thường của con người. Có thể giờ đây, đôi khi ông phải đối mặt với tiếc nuối, với nỗi buồn, với sự lo lắng, có thể vợ con ông đôi khi đưa ông trở về hiện thực nào đó trong một xã hội mà không phải lúc nào người ta cũng hướng về một giá trị tinh thần nào đó, một xã hội mà đến bây giờ người ta vẫn có thể đặt ra những vấn đề này, vấn đề kia với những lý do hết sức vô lý như chúng ta đã biết, nhưng đoạn đường đó là đoạn đường chưa phải “khủng khiếp”.
Đoạn đường từ bây giờ đến sau này mới là “khủng khiếp”, đoạn đường mà Thành Chương phải tự trả lời câu hỏi: Thành Chương sẽ tiếp tục làm gì và làm như thế nào với Việt phủ? Sau này, khi Thành Chương già nua đi rồi, việc bảo tồn nó sẽ thế nào? Việt phủ không phải là mây trời mà thả nó bay đi, không phải là nước sông mà thả xuống nó trôi đi, mà nó hiện diện ở đây, phải tu bổ, phải chăm sóc, phải phát triển. Ông đã đi qua 13 năm, hãy nghĩ về 13 năm tới. Vậy ông đã nghĩ gì về 13 năm tới?
– Khi tôi làm Việt phủ, tôi đã không nghĩ đến 20 năm sau, 30 năm sau sẽ như thế nào. Cái tôi nghĩ là cho 100 năm sau. Tôi nghĩ rằng, đất nước mình với những di sản mà cha ông để lại có quá nhiều điều đặc biệt, nhưng cái còn lại thì ít ỏi: thiên nhiên tàn phá, chiến tranh liên miên, ý thức con người đã hủy hoại nó qua từng giai đoạn. Ngay giờ phút này đây, chúng ta vẫn đang phải chứng kiến những điều đó.
Vì vậy, cái lo lắng của tôi cho việc bảo tồn nó, gìn giữ nó, phát triển nó là sự lo lắng cho cả trăm năm sau. Đó là nỗi lo lớn của tôi, chứ không phải nỗi lo sẽ làm gì để duy trì nó. Trong giai đoạn vừa qua, có những chuyện xảy ra khiến tôi rất buồn. Vì tôi đang nghĩ đến những điều lớn lao, với trách nhiệm của một công dân, của một nghệ sĩ với dân tộc, nhưng lại có những chuyện như con kiến nó đốt ở dưới chân.
– 5 năm trước tôi đã hỏi ông một câu hỏi tương tự. Để nói một điều, sự quan tâm, lo lắng giữ gìn văn hóa Việt của Thành Chương không chỉ là nỗi lo của riêng Thành Chương, mà còn là nỗi lo của những người ý thức đúng về sự quan trọng của văn hóa dân tộc. 20 năm nữa, 30 năm nữa, hoặc 50 năm nữa, có thể người Việt sẽ tỉnh thức và nhận ra rằng những thứ giản dị như mái đình, như những bậc đá…là những thứ mà trăm năm qua, nghìn năm qua người Việt đã làm ra nó. Đó là những vẻ đẹp của đất nước. Và những vẻ đẹp đó đang biến mất.
Tôi chắc chắn nếu bây giờ rà soát tài sản trong mỗi ngôi nhà ở mỗi làng quê thì sẽ hầu như chỉ thấy ti vi, tủ lạnh, xe máy, đồ điện tử…mà thôi. Có lúc tôi nghĩ rằng, nếu bây giờ ta bọc giấu Việt phủ đi và một ngày của 50 năm sau chúng ta mới mở nó ra, người Việt sẽ bàng hoàng nhận ra đó là một viên ngọc. Đây không phải là một lời nói quá. Những người bình tĩnh nhất sẽ nhìn thấy điều đó. Vậy tôi muốn hỏi ông, với một viên ngọc như thế, ông sẽ chuyển giao cho ai?
Con cái ông lớn lên và có thể kế thừa những gì ông để lại. Nhưng cũng có thể chúng lớn lên và niềm đam mê của chúng là ở nơi khác, khả năng của chúng ở việc khác, chứ không phải ở những việc như ông đang làm cho Việt phủ. Chúng sẽ nói: con yêu cha, con kính trọng những việc cha mẹ đã làm, nhưng chúng con không thể thay cha mẹ làm được những việc đó. Vậy điều gì sẽ xảy ra, ông sẽ làm gì?Ông sẽ chọn người nào để kế thừa và gìn giữ công trình của mình?
– Tôi đã suy nghĩ về điều này nhiều năm nay. Tất cả những lo lắng của mọi người, tôi cũng đã đều nghĩ tới. Cái gọi là giá trị của Việt phủ là những giá trị bất biến, trường tồn cùng đất nước. Tôi đã đẻ nó ra, nhưng nếu có một cơ quan, một tổ chức nào đó có thể giữ gìn được nó, phát triển nó, tôi sẵn sàng hiến tặng nó. Để họ có thể tiếp tục câu chuyện mà tôi đã bắt đầu.
Tôi nghĩ mình như đang trong cuộc chạy tiếp sức
– Khi ông nói muốn hiến Việt phủ cho một cơ quan, một tổ chức, trong lòng tôi dấy lên nỗi lo lắng. Những di sản được xác lập trên văn bản pháp luật của quốc gia như các di tích lịch sử, di tích văn hóa, rất buồn là lại đang bị mai một dần, mất mát dần dưới bàn tay quản lý văn hóa của các cơ quan, tổ chức Nhà nước như chuyện mới nhất là Chùa Một Cột. Tôi thực sự lo lắng cho số phận Việt phủ mai sau.
– Thật ra mà nói, tôi hiểu rằng tôi đã sinh ra một đứa con và tôi biết rằng tôi phải nuôi nấng và chăm sóc nó. Nhưng tôi không sống mãi mãi để nuôi nó được. Vậy thì sẽ đến lúc tôi phải tự giải đáp câu hỏi ai sẽ là người tiếp tục nuôi nó. Sòng phẳng và thành thật mà nói thì nếu chúng ta ở một đất nước mà sự quan tâm, bảo vệ, gìn giữ văn hóa nó có hiệu quả, thì sẽ chẳng khó để tìm ra người có thể thay tôi chăm sóc “đứa con” của mình.
Nhưng cách quản lý yếu kém của chúng ta, thể hiện qua rất nhiều câu chuyện, mà gần đây nhất là câu chuyện về chùa Một Cột đã đang phá hỏng rất nhiều di sản. Vì thế khi bắt đầu nghĩ đến việc hiến tặng Việt phủ, tôi đã phải nghĩ đến một bài toán: Nhà nước có đủ năng lực, có đủ tình yêu, có đủ trình độ để quản lý nó hay không?
Tôi đã dốc hết tất cả những gì mình có vào đó, để có được Việt phủ như hôm nay, còn việc nuôi dưỡng nó, giữ gìn nó tồn tại, sẽ là một giai đoạn khác. Có thể tôi còn đủ sức trong một giai đoạn nào đó, nhưng tôi biết quãng thời gian đó sẽ không dài. Việc tìm người tiếp nhận nó, thay thế vai trò của tôi là điều đương nhiên.
Nhưng tôi tin không chỉ mình tôi mới có tâm huyết này. Tôi tin xã hội này còn rất nhiều người có tâm huyết đó. Tôi nghĩ mình như đang trong cuộc chạy tiếp sức. Tôi đã hoàn thành giai đoạn đầu và đang tìm kiếm người tiếp tục cuộc chạy đó.
– Khi Thành Chương xây dựng Việt phủ, trên giấy tờ, về giá trị vật chất, nó là công trình của riêng cá nhân Thành Chương, nhưng trên ý nghĩa tinh thần, nó là của cả cộng đồng. Ở những nước như Pháp, như Na Uy, Ai Len…nhiều bảo tàng tư nhân đã được Nhà nước hóa sau khi họ qua đời. Những người chủ của những bảo tàng đó là những người yêu văn hóa. Trước khi họ mất, họ đã chuyển giao công trình gửi gắm không ít tình yêu trong đó cho Nhà nước và nó đã được bảo tồn và tiếp tục tồn tại một cách hãnh diện.
Tôi biết có những bảo tàng người xây dựng nên nó đã được tạc tượng để trong khuôn viên bảo tàng. Bởi vì đó không phải là chuyện của một cá nhân nữa. Với những đất nước đó, tất cả những gì đang hiện hữu trong bảo tàng kia, đó là của dân tộc anh ta, của loài người trong lịch sử dài vô tận của mình. Như Việt phủ, với những ngôi nhà, cái cầu đá, con voi đá, những cổ vật đó, không gian đó…là của dân tộc này. Và Thành Chương là người ý thức được nó, yêu nó, tạo dựng nó, bảo vệ nó bằng mồ hôi, nước mắt và tiền của của mình… Tôi nghĩ rằng chỉ khi các cơ quan nhà nước hiểu ra thấu đáo cái ý nghĩa của văn hóa, cái chứa đựng, cái còn lại của con người ta 50 năm nữa, 100 năm, 200 năm nữa là cái gì thì họ mới có thể giữ gìn được văn hóa.
Tôi hình dung trong 20 – 30 năm nữa, Thành Chương là người vẫn có thể cai quản Việt phủ. Nhưng sau đó, Thành Chương sẽ phải tìm người kế tục sự nghiệp của mình. Trong lúc chờ đợi các cơ quan quản lý văn hóa của nhà nước “thức tỉnh”, cá nhân Thành Chương sẽ chọn cách nào, nếu con cháu mình không có khả năng làm được việc đó – bảo quản một tài sản văn hóa.
Ở một số quốc gia mà tôi biết, khi một bảo tàng tư nhân đã được chính phủ công nhận, thì dù đó là tài sản của anh ta, nhưng nó được chính phủ bảo vệ. Ngay cả chính anh ta cũng không được phép có những hành động làm tổn thương nó. Anh không được tùy tiện bán đi những món đồ cổ, không được tùy tiện phá đi từng cái cây, không được tùy tiện làm hỏng tính nguyên bản của nó. Ở Việt Nam, Thành Chương có thể giữ nó cho riêng mình, có thể di chúc lại cho con cháu, có thể bán từng món đồ cổ đi lấy tiền, nhưng một người có tâm với văn hóa sẽ lựa chọn cách giải quyết nào?
– Cách ứng xử của các quốc gia như bạn vừa nói – theo tôi đó là văn hóa cao cấp. Đó là cách lựa chọn đúng nhất để bảo vệ di sản. Nhưng ở nước mình, sự quan tâm đến di sản, văn hóa chưa đạt được đến mức đó. Cách bảo vệ máy móc của chúng ta hoặc làm hỏng nó, hoặc dẫn đến những bi kịch như câu chuyện làng cổ Đường Lâm.
Sự lựa chọn của tôi là sẽ hiến tặng Việt phủ, trong một thời điểm phù hợp. Dĩ nhiên đó sẽ là một sự hiến tặng có điều kiện. Người được tôi hiến tặng Việt phủ sẽ phải là người đáp ứng đủ những điều kiện do tôi đề ra, là người mà tôi tin tưởng sẽ tiếp tục giữ gìn, bảo vệ Việt phủ.
– Anh đã bàn bạc chuyện đó với người đồng sở hữu – vợ anh về ý định này chưa?
– Trong gia đình tôi, vợ chồng trong mọi lĩnh vực đều là một, nhất là trong một quyết định lớn lao như thế này. Nhiều người sẽ nghĩ tôi mới là người quyết định việc này nhưng thực ra ý tưởng đó bắt đầu từ vợ tôi và chúng tôi đã thống nhất với nhau về điều đó. Vợ chồng chúng tôi muốn nghĩ đến những việc lớn hơn, bỏ qua những tính toán về kinh tế.
Nếu là người có thể cam kết giữ gìn Việt phủ, thì tôi không ngần ngại hiến tặng
– Dĩ nhiên nếu không nghĩ đến những điều lớn lao, Thành Chương đã không nghĩ đến việc hiến tặng vì gia đình anh hoàn toàn có quyền sở hữu nó, sử dụng nó theo ý mình. Nhưng cái cách mà anh chọn là hiến tặng. Vậy anh dự định điều đó sẽ xảy ra như thế nào? Vào quãng thời gian nào và anh sẽ hiến tặng như thế nào? Và nếu như một cơ quản quản lý nào đó nhận và một cá nhân nào đó cùng muốn tiếp nhận, nhưng khi xem xét hồ sơ, nhưng cá nhân đó có tâm hơn, có năng lực hơn, ông sẽ chọn hồ sơ nào?
– Cái này phải đi vào cụ thể. Chính vì cái mục đích cuối cùng là bảo vệ văn hóa. Nhưng nếu như cá nhân đó có năng lực hơn nhà nước, tôi sẵn sàng chọn cá nhân. Và đến một giai đoạn nào đó, khi cá nhân đó không còn đủ sức nữa, họ sẽ giống như tôi, tìm người thay thế để quản lý nó.
– Nếu một nhà đầu tư nước ngoài, nếu một người nước ngoài yêu văn hóa Việt muốn bảo vệ tài sản chung của con người gửi hồ sơ cho ông, cam kết với ông, và có đầy đủ điều kiện và sức lực bảo vệ Việt phủ, ông có sẵn sàng chấp nhận?
– Cái đó còn phải xem luật pháp Nhà nước Việt Nam có cho phép không. Nhưng nếu nhìn từ góc độ cá nhân, thì dù là cơ quan nhà nước, dù là người Việt, Việt kiều, người nước ngoài, bất kể tổ chức nào, bất kể là ai, nếu là người có thể cam kết giữ gìn Việt phủ, thì tôi không ngần ngại hiến tặng nó. Vì mục đích cuối cùng của chúng ta là bảo tồn và giữ gìn nó.
Con đường xây Việt phủ Thành Chương là con đường bảo tồn, lưu giữ và làm lan tỏa vẻ đẹp truyền thống Việt. Nó sẽ tồn tại rất lâu nữa, phục vụ những thế hệ sau này. Nhìn vào các quy chiếu về những giá trị văn hóa, di sản của các nước trên thế giới so với chúng ta, tôi càng khẳng định rằng càng ngày Việt phủ Thành Chương càng thêm giá trị, thêm ý nghĩa trong đời sống văn hóa của đất nước.
Bây giờ chỉ còn một điều mà chúng ta đợi chờ: trong tương lai, một người hoặc một tổ chức bước đến, với tình yêu những di sản văn hóa truyền thống, chấp nhận dâng hiến trí lực của họ bảo vệ Việt phủ. Người đó có thể là bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào miễn là có đủ hiểu biết văn hóa, đủ điều kiện, đủ trình độ làm việc này. Nếu người đó là người nước ngoài, chúng ta cũng sẵn sàng đón nhận, mang ơn họ vì những việc họ làm.
Cuối cùng tôi nghĩ rằng con đường của phủ Thành Chương sẽ giá trị hơn rất nhiều lần sau câu chuyện này. Việc chúng ta lưu giữ như thế nào, đó là một câu hỏi không dễ dàng nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để tìm ra nó. Xin cám ơn cuộc trò chuyện của ông.
Chị Ngô Hương, vợ họa sĩ Thành Chương: Lúc nào tôi cũng lo lắng
Tôi là người thực tế, tôi luôn nhìn cái ngày hôm nay với cái hậu quả và với tầm nhìn của 10 năm sau, 20 năm sau, 30 năm sau, luôn luôn đau đáu. Có 2 cách yêu: người sáng tạo lên thể hiện đam mê bằng cách chăm chút, dành mọi tâm huyết, thời gian để làm cho nó trở nên đẹp đẽ. Anh Thành Chương đam mê Việt phủ theo cách đó. Còn tôi, tôi là người đam mê theo cách thứ hai: nó như đứa con gái của mình, mình muốn gả cho nó vào chỗ tử tế, xứng đáng. Lúc nào tôi cũng lo lắng, luôn lo lắng. Và thế là có nhiều đêm mất ngủ. Tôi luôn nghĩ rằng chồng tôi dựng lên Việt phủ theo lối không bình thường, làm những việc dị thường, thì có lẽ con đường đi của nó cũng sẽ không bình thường, số phận cũng sẽ không thể thông thường. Ngay từ giờ, tôi đã nghĩ đến việc chuyển giao nó cho thế hệ sau: muốn Việt phủ phát triển lên nữa, thì chúng ta phải làm gì? Vì chúng tôi đã tạo ra nó, nếu không nghĩ đến việc giữ gìn nó, như vậy sẽ là có lỗi. |
Hòa Quang
******************************
Trăn khổng lồ cứu dân bản khỏi bầy thú dữ
Bọn trăn khổng lồ vắt mình trên các mỏm đá, quấn quanh nhũ đá. Chúng hiền lành như cục đất, không sợ người, cũng không tấn công người.
Những ngày lang thang ở bản Thín (Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La), tôi nhận thấy rằng, đồng bào trong bản không ưa loài trăn, vì trăn xơi quá nhiều gà, vịt, lợn, dê của đồng bào.
Bản Thín là thung lũng bị kẹp giữa cao nguyên Mộc Châu và dãy Pha Luông huyền thoại. Mộc Châu quanh năm chìm trong mây mù, mùa Đông càng lạnh giá. Dãy Pha Luông cao vời vợi cũng lạnh cóng, trong khi bản Thín luôn ấm áp vào mùa Đông, nên trăn tụ cả về đây.
Xung quanh bản Thín có nhiều quả núi thấp, toàn núi đá, cây cối rậm rạp, hang hốc khắp nơi, là lãnh địa ẩn náu của loài trăn. Đồng bào Thái và Mường ở vùng đất này vừa kính trọng, vừa sợ, lại vừa ghét loài trăn.
Điểm trưởng bản Thín
Đồng bào kính trọng trăn, vì trong bản lưu truyền một huyền thoại vừa đẹp, vừa bí ẩn về loài trăn cứu người.
Trưởng bản Vì Văn Đoài cho biết, độ chục năm trước, khi con đường vào Xuân Nha còn là đường mòn, bản Thín còn chìm trong đại ngàn hoang thẳm. Chỉ bước chân ra khỏi bản, là đã lạc vào rừng già. Thú hoang, trăn rắn quanh bản rất nhiều.
Bản Thín có 74 hộ dân, với hai dân tộc là Thái và Mường sinh sống. Người Mường mới di cư đến đây từ những năm 70 thế kỷ trước, nhưng người Thái đã định cư ở đất này từ lâu.
Núi Phạ Hằng um tùm cây cối
Người già trong bản, hiểu nhiều truyền thuyết là cụ Vì Văn Đứng. Đứng bên mép ngôi nhà sàn, chỉ tay về phía dãy Pha Luông huyền thoại, cụ Đứng bảo, bản thân cái tên núi Pha Luông đã mang nhiều bí ẩn.
Ngay dưới chân núi Pha Luông có núi Phạ Hằng, cách bản Thín mấy con dao quăng. Đây là quả núi rậm rạp cây cối, có vô số hang hốc, là vương quốc của loài trăn.
Cụ Đứng là người vinh dự được tham quan động Phong Nha trong Quảng Bình. Cụ bảo: “Dãy núi Pha Luông ở bản mình có vô số hang động đẹp không kém gì ở Phong Nha đâu. Cả đời mình, mấy chục năm lội rừng, trèo hang, nhưng vẫn chưa đi hết hang động núi Hằng, chứ đừng nói hàng ngàn hang động trên Pha Luông”.
Đường vào núi Hằng
Theo truyền thuyết, dân bản đã được con trăn thần khổng lồ dẫn đường vào hang Hằng trốn bầy thú dữ
Từ người già đến con trẻ bản Thín đều tôn trọng núi Hằng, coi quả núi đó là chốn linh thiêng tuyệt đối, không ai dám xâm phạm. Đời các cụ đã thờ quả núi ấy, đời con cháu ra sức bảo vệ, nên núi Hằng mãi xanh tươi, cây cối cổ thụ rợp bóng.
Quả núi ấy có vô số hang động, hang nọ thông hang kia, đi cả thế kỷ không hết, nhưng hang đẹp nhất, thiêng nhất, chính là hang Hằng, lấy tên theo quả núi. Vì hang có nhiều trăn, nên lớp trẻ gọi đó là hang trăn. Đôi khi, gọi tên hang Hằng, thì lớp trẻ lại không biết đến.
Truyền thuyết kể rằng, thời trái đất còn hoang sơ, con người sống co cụm thành những bản nhỏ giữa rừng hoang, thì vùng đất này nổi tiếng nhiều thú dữ. Ban ngày, đồng bào kéo nhau vào rừng săn bắn, hái lượm, đêm chui vào những căn lều nhỏ, đốt lửa xua thú dữ. Trong bộ tộc có một tù trưởng là người đứng đầu. Tù trưởng là người giỏi săn bắn nhất bộc tộc.
Đường vào hang Hằng
Một hôm, thú dữ từ khắp nơi kéo bầy về khu vực bản Thín để tìm cách ăn thịt con người. Hổ, báo, chó sói hàng ngàn con gầm ghè khắp rừng hoang, vây kín bản nhỏ. Chúng chỉ chờ chực con người sơ hở là ăn thịt.
Mặc dù trai tráng trong bản đều là những thợ săn giỏi, nhưng người ít, mà thú hoang thì nhiều, nên con người dần đuối sức, có nguy cơ trở thành mồi cho thú dữ.
Trước mặt dân bản là hàng vạn con thú dữ, sau lưng dân bản là vách đá dựng đứng, không có cách nào vượt qua được. Tiếng kêu khóc não nề cả rừng hoang.
Giữa đêm tối mịt mùng và tuyệt vọng, bỗng một luồng ánh sáng từ trên trời soi xuống làm sáng bừng cả rừng hoang.
Cụ Đứng bảo rằng, những người già bản Thín hiểu rõ về truyền thuyết trăn thần, nên không bao giờ dám bắt trăn ở núi Hằng
Trong ánh sáng kỳ ảo đó, có một con trăn khổng lồ, thân to như cây nghiến, dài vắt từ thung nọ sang thung kia đang trườn đi. Con trăn khổng lồ đi đến đâu, những dải rừng dạt ra đến đó.
Nghĩ rằng Giàng đã cử con trăn xuống cứu dân bản, nên đồng bào đi theo con trăn. Vách núi dựng đứng bỗng nứt ra thành hang động. Con trăn chui vào hang và biến mất. Vị tù trưởng đã dẫn đồng bào chui vào hang.
Miệng hang nhỏ, nhưng bụng hang rất lớn, lại có vô số ngóc ngách dẫn đi khắp nơi. Điều kỳ lạ là trong hang đó có vô số trăn. Bọn trăn khổng lồ vắt mình trên các mỏm đá, quấn quanh nhũ đá. Chúng hiền lành như cục đất, không sợ người, cũng không tấn công người.
Đi đến giữa hang, thì một con sông lớn hiện ra, nước chảy lấp lánh. Dưới lòng sông, trong bụng hang có vô số cá lớn, cá bé. Đồng bào đánh bắt cá và sống thoải mái trong hang động rộng lớn này.
Tấn công vào trong hang không được, con người lại không chịu ra, bầy thú dữ nản chí nên bỏ đi. Lúc đó, bộ tộc mới chuyển ra ngoài.
Nhớ ơn cứu mạng của Giàng, nên tù trưởng mới gọi dãy núi này là Phạ Hằng, có nghĩa là trăng. Nhờ có ánh sáng của mặt trăng dẫn đường, cùng với trăn thần, mà mọi người tìm thoát được bầy thú dữ.
Trong lòng hang Hằng
Cũng kể từ đó, đồng bào bản Thín coi loài trăn trong hang Hằng, trên núi Hằng là trăn thần. Vậy nên, đồng bào chẳng bao giờ dám trèo lên quả núi đó, chứ đừng nói chuyện vào hang, lên núi bắt trăn.
Điều đó lý giải vì sao, từ xưa đến nay, ở núi Hằng có rất nhiều trăn khổng lồ. Các cụ già trong bản hiểu rõ truyền thuyết này thì vừa sợ vừa tôn kính loài trăn. Thậm chí, các cụ gọi là ông trăn, chứ không gọi là con trăn.
Tuy nhiên, thế hệ trẻ thì không hiểu rõ về truyền thuyết đó và cũng không sợ trăn. Núi Hằng là núi cấm, là lãnh địa thiêng, dân bản không dám vào, nhưng hễ trăn bò ra khỏi núi, tìm về bản bắt vật nuôi, là họ tóm sống làm thịt, nấu cao.
Ngoài ra, người dân ở nơi khác đến, không tin vào truyền thuyết trăn thần, nên họ cũng không sợ. Không ít người vì lòng tham, đã mò vào hang bắt trăn đem bán. Chính vì thế, loài trăn không còn đông đúc trong hang Hằng như xưa nữa.
Theo VTC
**************************
Quý bà mua dâm chàng trai 17 tuổi có thể bị phạt tù
Liên quan việc một “quý bà” bị bắt quả tang mua dâm chàng trai 17 tuổi, các chuyên gia pháp lý cho rằng bà này có thể xử lý hình sự, án phạt cao nhất tới 5 năm tù.
Công an TP HCM vừa ra quyết định xử phạt hành chính hai người này cùng 17 trường hợp tham gia mua bán dâm nam bị bắt quả tang tại 3 tụ điểm. 20 người khác không bị bắt quả tang nhưng khai có hoạt động mại dâm cũng bị phạt cảnh cáo.
Theo nhà chức trách, trong vụ triệt phá này, khi cảnh sát ập vào khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5), phát hiện một phụ nữ 37 tuổi đang chuẩn bị “vui vẻ” với chàng trai 17 tuổi. Làm việc với cơ quan điều tra, cậu này thừa nhận bán dâm cho “quý bà” hơn mình 20 tuổi với giá 300.000 đồng. “Tụi em chưa làm gì thì đã bị bắt rồi”, cậu khai.
“Quý bà” bị bắt quả tang mua dâm nam thanh niên 17 tuổi. |
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết, hành vi của người đàn bà kia đã cấu thành tội Mua dâm người chưa thành niên. “Dù hai người chưa giao cấu, nhưng theo luật, tội phạm cấu thành ngay từ khi người mua dâm thỏa thuận giá cả và người bán dâm đồng ý và dắt nhau vào khách sạn”, ông Hậu nói vàcho hay theo điều 256 Bộ luật hình sự, người nào mua dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
“Đây là một hiện tượng mới xuất hiện trong xã hội trong vài năm gần đây nên thực tiễn xét xử chưa có trường hợp người mua dâm là phụ nữ bị xử lý hình sự”, Phó chủ tịch hội luật gia nhận định
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thị Thu Hà lý giải, theo Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, “bán dâm” là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Còn “mua dâm” là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Như vậy, quy định của pháp luật không nói việc người mua dâm hoặc bán dâm là nam hay nữ nên về nguyên tắc có thể áp dụng biện pháp xử lý đối với cả hai. Tuy nhiên, tùy theo tính chất mức độ về hành vi của người mua dâm nam mà có thể khởi tố hoặc không khởi tố hình sự.
Còn thạc sĩ luật học Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, trong lịch sử tố tụng Việt Nam từ trước đến nay chưa có trường hợp nào người mua dâm nam bị xử lý hình sự, dù theo luật hoàn toàn có thể áp dụng cho cả nam và nữ.
Theo bà Nữ, trong trường hợp “quý bà” mua dâm người chưa thành niên này, việc xử lý cần phải xem xét đến yếu tố nhân thân. Nếu người này có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, không có chồng hoặc chồng đã mất… thì chỉ cần cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính là đủ. Nếu nhất thiết phải xử lý hình sự, truy tố ra trước pháp luật thì có thể nói đây là một vụ án “điểm” về việc xử phạt người mua dâm nam. Vì vậy, cần xử kín và chỉ nên cho hưởng án treo.
“Cũng cần phải cân nhắc, việc đưa ra xét xử một người phụ nữ mua dâm thì chưa hẳn đã có ý nghĩa răn đe, làm cho xã hội tốt hơn. Bởi điều đó ảnh hưởng đến cả cuộc đời còn lại của họ”, luật sư Nữ nhấn mạnh.
Trước đó, đêm 19/5, Đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa – Xã hội và Công an TP HCM ập vào các khách sạn và spa, bắt quả tang nhiều người đang có hành vi mua bán dâm. Trong số này, hai nam thanh niên được xác định nhận mỗi người 300.000 đồng để phục vụ hai phụ nữ đứng tuổi. Một người khác bán dâm nam đồng tính giá 200.000 đồng.
Theo Quốc Thắng – Hải Duyên (Vnexpress)
***************************
Lần đầu tiên bắt ‘trai tơ’ bán dâm cho ‘quý bà’
Nhiều năm nay, cơ quan chức năng triệt phá hàng loạt vụ nữ bán dâm cho nam, nhưng việc cơ quan chức năng lần đầu tiên bắt quả tang hai thanh niên trẻ tuổi đang bán dâm cho hai phụ nữ luống tuổi đã hé mở về một loại tệ nạn mại dâm mới đang tồn tại song song với tệ nạn gái bán dâm tràn lan hiện nay.
Từ những tin báo của người dân
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM liên tục nhận được tin báo của người dân về các tệ nạn mại dâm mới như nam bán dâm cho phụ nữ luống tuổi, các nữ đại gia… và tệ nạn mại dâm đồng tính nam bùng phát ở nhiều nơi khiến người dân rất bức xúc, hoang mang.
Cơ quan chức năng tại TP.HCM nhận định rằng các tệ nạn mại dâm trên chưa từng được triệt phá hay phát hiện xử lý. Việc bóc mẽ, phơi bày ra ánh sáng các tệ nạn mại dâm này là việc làm cần thiết để cảnh tỉnh người dân không có những hành vi vi phạm pháp luật.
Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa – xã hội TP.HCM thời gian qua là một trong những cơ quan cũng nhận được tin báo của người dân về một tệ nạn mại dâm thu hút sự chú ý của nhiều phụ nữ là các nam thanh niên trẻ, đẹp bán dâm cho khách là phụ nữ luống tuổi có tiền, cần tình với giá từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng.
Trước yêu cầu phải triệt phá loại hình mại dâm mới này, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 – Công an TP.HCM) lên kế hoạch triệt phá các nhà nghỉ, khách sạn tại địa bàn TP.HCM nghi ngờ có diễn ra tệ nạn mại dâm này.
Đối tượng nam bán dâm cho phụ nữ luống tuổi đang bị lập biên bản.
Sau thời gian điều tra, theo dõi, Đoàn kiểm tra liên ngành cùng PC45 phát hiện một số khách sạn trên địa bàn quận 5 (TP.HCM) đang diễn ra tệ nạn mại dâm này. Vào đêm 19/5, Đoàn kiểm tra liên ngành cùng PC45 quyết định ập vào một khách sạn trong diện khả nghi để kiểm tra, bắt quả tang. Lo sợ kế hoạch triệt phá bị bại lộ nên mọi phương án ập vào kiểm tra được thực hiện cẩn thận, các phương án triệt phá hành vi phạm tội của đối tượng được vạch ra chi tiết. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành cùng PC45 lo lắng các đối tượng tổ chức tệ nạn mại dâm này sẽ có người theo dõi mọi động tĩnh nên phương án đối phó với các đối tượng này được vạch ra.
Mỗi lần “phục vụ” nhận công 300 ngàn đồng
Khi Đoàn kiểm tra liên ngành ập vào các phòng nghỉ của khách sạn thì phát hiện 2 cặp nam nữ đang thực hiện bán dâm trong phòng. Làm việc với 2 cặp nam nữ, Đoàn kiểm tra cùng PC45 dù không bất ngờ nhưng cũng “nổi da gà” khi biết được sự thật 2 phụ nữ luống tuổi bị bắt quả tang là người đi mua dâm, còn 2 thanh niên trẻ, đẹp này là đối tượng bán dâm chuyên nghiệp.
Một nguồn tin từ Đoàn kiểm tra liên ngành tiết lộ, khi lực lượng chức năng ập vào, các phụ nữ đang không mảnh vải trên người. Khi thấy màu áo công an, những phụ nữ này mới luống cuống lo sợ hành vi vi phạm của mình bị phát giác. Sau vài phút nghe thông báo của lực lượng chức năng, các phụ nữ này đã trấn tĩnh và khai nhận hành vi mua dâm nam của mình. Về phần 2 nam thanh niên bán dâm, đây là những thanh niên tuổi đời còn khá trẻ, khi bị bắt vẫn tỏ thái độ khá điềm tĩnh. Phong cách ăn mặc của 2 thanh niên này khá thời trang, bắt mắt.
Khai nhận với Đoàn kiểm tra liên ngành cùng PC45, 2 phụ nữ này cho biết thông qua quen biết, họ liên hệ với 2 thanh niên này để mua dâm theo giá thỏa thuận. Sau khi thỏa thuận giá cả, 2 phụ nữ này sẽ được nam bán dâm tìm “bãi đáp” là các khách sạn. Mỗi lần mua dâm, mỗi người phụ nữ phải trả cho nam nhân viên bán dâm số tiền là 300 ngàn đồng/lần. Ngoài ra, trong trường hợp các phụ nữ mua dâm nếu vui vẻ, được nam mua dâm hầu hạ “nhiệt tình” thì mức giá trả sẽ cao hơn và có thêm tiền “bo”.
Ngày 20/5, nguồn tin từ Đoàn kiểm tra liên ngành cùng PC45 cho biết danh tính của 2 phụ nữ mua dâm và 2 thanh niên bán dâm chưa được tiết lộ để phục vụ công tác điều tra. Trong thời gian tới, khi có kết luận điều tra tùy theo yêu cầu danh tính các đối tượng trên sẽ được tiết lộ. Hiện vụ việc đang được PC45 tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ trong thời gian sớm nhất.
Mại dâm đồng tính
Ngày 20/5, Đoàn kiểm tra liên ngành cùng PC45 cho biết vào đêm 19/5, tại khách sạn thứ 2 tại quận 5 (TP.HCM), lực lượng kiểm tra còn phát hiện 5 cặp nam nữ khác đang mua bán dâm. Trong đó, có một cặp mua bán dâm đồng tính. Làm việc với các đối tượng này thì đối tượng nam sinh năm 1977 đang “bán dâm” cho đối tượng nam sinh năm 1982. Mỗi lần “hành lạc” người nam bán dâm được trả ngay 200 ngàn đồng. |
Nhóm PV
***************************
Dân Bắc Kinh rùng mình vì các cuộc điện thoại “ma”
Dân Việt – Các cuộc điện thoại này có đặc điểm là khi người nghe nhấc máy lên thì không thấy có ai nói gì, chỉ có tiếng trẻ con khóc hoặc tiếng phụ nữ la hét, rồi dập máy. Người nghe gọi lại thì thấy số máy không còn hoạt động.
Báo Tin tức Bắc Kinh số ra ngày 22.5 đưa tin: Trong những ngày gần đây, người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) liên tiếp nhận được những cuộc điện thoại “ma”.
Ảnh minh họa
|
Một người dân Bắc Kinh kể rằng: “Tôi đã bị 5 cuộc gọi “ma” trong một đêm từ cùng một số máy. Cuộc gọi đầu tiên có tiếng phụ nữ than khóc. Cuộc gọi thứ hai có tiếng trẻ con khóc. Cuộc gọi thứ ba có tiếng một bé gái nói “cứu em với, anh trai ơi”. Hai cuộc gọi thứ hai chỉ có tiếng la hét”.
Được biết số điện thoại “ma” đó là 010-67679910. Nhiều người dân Bắc Kinh than phiền rằng đã bị số điện thoại này làm phiền trong suốt 3 năm qua. Hầu hết các cuộc gọi đều vào nửa đêm và chỉ nghe thấy tiếng khóc hoặc la hét.
Công ty viễn thông Bắc Kinh Unicom xác nhận số điện thoại đó không tồn tại và hứa sẽ chuyển vụ việc đến cơ quan chức năng giải quyết. Cảnh sát Bắc Kinh nhanh chóng “vào cuộc”, khuyến cáo người dân không gọi lại các cuộc điện thoại “ma” như thế. Nếu sự việc vẫn tái diễn thì họ sẽ tiến hành điều tra.
Cẩm Mai
**********************
Đám tang vua trâu ở Trung Quốc
Những người dân tộc Mèo ở huyện Lôi Sơn thuộc tỉnh Quý Châu của Trung Quốc đã tổ chức đám tang cho một con trâu 28 tuổi chết cuối tuần qua. Nó được dân phong làm “vua trâu” sau khi giành được 11 chức vô địch tại các giải chọi trâu trước khi giải nghệ vào năm 2009.
Xác của “vua trâu” được rước qua khắp làng với hàng trăm người tham dự và mang theo vòng hoa nhiều màu sắc. Con trâu cuối cùng được chôn tại khu vực trung tâm của ngôi làng.
Dưới đây là một số hình ảnh về lễ tang của “vua trâu” ở Trung Quốc:
Những người dân tộc Mèo ở Lôi Sơn đã tổ chức đám tang cho một con trâu được phong làm anh hùng trong làng.
Mọi người rước trâu đi khắp làng.
Con trâu đã được dân làng gọi là “vua trâu” sau khi giành được 11 chức vô địch tại các giải chọi trâu.
Người dân tộc Mèo ở Lôi Sơn rất tôn sùng trâu.
Trâu được phụ lên người một tâm vải trắng và một bông hoa trên đầu.
Mọi người mang theo nhiều vong hoa trong lễ trang của trâu,
Người dân nhanh múa quanh xác trâu…
… trước khi chôn cất nó ở khu vực trung tâm của làng.
Huy Phong (Theo Daily Mail) (Khampha.vn)
********************
Đau đớn cô giáo biến mình thành gái gọi
“Mà cái lý do biến chị không chỉ thành ra tay trắng mà còn có thêm vết nhơ trăm năm khó gội rửa, ấy là chỉ vì giận chồng trăng hoa. Bởi chị là gái nhà danh gia vọng tộc, đoan trang đoan chính nên không chịu nổi cú sốc chồng mình bồ bịch lăng nhăng…”.
Chị 27 tuổi, đẹp thanh tú, lại sở hữu đôi chân dài nên trông lại càng nổi bật giữa bao cô gái thuộc đối tượng 05 (gái mại dâm) đang cặm cụi làm mi mắt giả tại trung tâm phục hồi nhân phẩm này.
Cũng không riêng mình tôi, mà bao người vào đây, được chiêm ngưỡng dung nhan của chị rồi, câu đầu tiên bao giờ cũng là, vì sao chị đẹp như thế, vẹn toàn như thế mà chồng vẫn tìm của lạ từ bên ngoài, để đến nỗi gia đình tan nát, bản thân chị thì đánh mất mình trong tủi hổ?
Phút trải lòng của chị trong một chiều lạnh khi mưa xuân đã lắc rắc ngoài song kịp giúp tôi hiểu ra bản chất đau đớn của câu chuyện cuộc đời người con gái truân chuyên này.
Với chị, phía trước luôn là bầu trời sáng.
Chị Trần Thị Bằng, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh Nghệ An, người đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nơi luôn tìm lại lối đi tươi sáng cho những con người lầm lỡ này cho biết, trong cuộc đời của mình, chị đã cảm hóa, giáo dục cho hàng trăm gái bán dâm, nghe và thấu hiểu hoàn cảnh của từng người khi đến đây để chia sẻ, động viên họ vượt quá lỗi lầm của quá khứ.
Thế nhưng, với câu chuyện đời của học viên Hoàng Thị Huệ (tên nhân vật đã được thay đổi), mỗi lần nghĩ về chị lại không cầm được nước mắt. Có muôn nẻo đường dẫn người ta đến với con đường bán dâm, và chung quy lại làm cái việc này cũng chỉ vì tiền, nhưng với Huệ thì lại khác.
Trước khi lạc bước lỗi lầm, Huệ đã có tất cả, từ gia đình, con cái, sự nghiệp đến địa vị trong xã hội. Huệ cũng là cô gái sở hữu sắc đẹp lung linh, một đầu óc biết toan tính nên sớm nổi tiếng. Ấy thế nhưng, người xưa bảo lắm tài thì nhiều tật, và nhan sắc thường đi liền với đa đoan quả không sai chút nào.
Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, lớn lên giữa nhung lụa kim tiền, từ nhỏ Huệ chưa một lần biết đến sự lo lắng tủn mủn về vật chất. Cuộc sống của chị cũng giản đơn, không kiêu kỳ, không sa đà theo những cuộc vui của chúng bạn.
Chính bởi vậy mà mãi đến năm thứ 3 đại học, chị mới gặp và yêu say đắm mối tình đầu, cũng là chồng và căn nguyên của mọi sự đau khổ sau này.
Minh là bạn thân của anh trai Huệ, là giảng viên của trường đại học nơi chị đã dùi mài kinh sử suốt 4 năm ròng. Được sự giới thiệu của ông anh trai, Huệ đã gặp Minh và tình yêu đến như lẽ thường tình tự nhiên nhất.
Yêu nhau được 2 năm thì chị tốt nghiệp và xin được vào dạy tại một trường mầm non ở trung tâm thành phố một cách khá dễ dàng nhờ tấm bằng loại ưu. Họ cưới nhau và kỷ niệm 5 năm ngày cưới, Huệ đã có tất cả.
Một cậu bé trai kháu khỉnh, một người chồng thành đạt và cũng thời điểm này, chị vui mừng đón nhận tin vui được đề bạt lên phó hiệu trưởng trường mầm non.
Tuy nhiên, cũng từ ngày lên chức, công việc với những chuyến công tác, những buổi tiếp khách thông tầm đã kéo Huệ rời xa hơn với việc vun vén cho tổ ấm của mình. Không có nhiều thời gian cho gia đình, hai vợ chồng quyết định thuê ôsin và đó là sai lầm kéo theo mọi sai lầm khác của Huệ sau này.
Cô gái mà Huệ tin tưởng chọn về giúp việc là cháu họ hàng xa ở dưới quê. Phần vì nghĩ có chút dây mơ rễ má, phần nữa tin tưởng tuyệt đối vào chồng nên chị không một chút mảy may nghi ngờ chuyện tư tình giữa chồng với đứa cháu họ những khi chị vắng nhà.
Nhưng trực giác của người đàn bà yêu chồng không phải lúc nào cũng đúng, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, và chuyện không ai ngờ nhất cũng đã xảy ra, ấy là chồng với đứa cháu họ đã đi quá giới hạn.
Tệ hại hơn, khi chị biết chuyện, không những Minh không phủ nhận mà còn tự thú với chị ngoài chuyện quan hệ với cháu họ nhiều lần, anh còn ngã vào vòng tay của cô bạn đồng nghiệp trong những lần đi công tác nước ngoài.
Cay đắng, nhục nhã, chị xách va li bồng con bước ra khỏi căn nhà quá rộng ấy mà không màng đến tài sản. Chị ra đi trong tủi phận ê chề, cố đặt ra trăm ngàn câu hỏi, rằng chồng chị có vợ đẹp, con ngoan như thế nhưng vì sao vẫn trăng hoa bên ngoài.
Câu hỏi của chị có lẽ cũng là điều muôn thuở mà các bà vợ gặp phải đức ông chồng hám của lạ luôn đặt ra mà chẳng bao giờ có câu trả lời. Nhưng, không như những quý bà cam chịu khác, chị bầm dập với niềm tin, khi người đàn bà có nhan sắc và có học thức bị phụ rẫy, họ không dễ dàng chấp nhận, chị cũng vậy.
Chị từ chỗ giận chồng tím mặt đến hận kẻ bạc tình, và chị quyết tâm trả thù chồng để cho Minh thấy, chị cũng không phải là loại đàn bà bỏ đi, nhan sắc và trí tuệ của chị đang khiến cho khối thằng đàn ông phải ao ước. Và đó là sai lầm thứ hai trong cuộc đời chị.
Chỉ vì hận chồng
Ly thân với chồng, chị ăn mặc đẹp hơn, ra đường trau chuốt hơn và với trai, chị cũng đánh mắt đưa tình nhiều hơn. Dĩ nhiên, xung quanh chị vệ tinh hàng tá, mặc dù ai cũng biết chị còn con nhỏ đấy, còn chồng danh chính ngôn thuận đấy nhưng tất cả đều phớt lờ vì chị đẹp.
Huệ cho hay, thực lòng chị cũng chỉ có ý định dừng lại ở mức độ ấy thôi để trêu tức chồng, nhưng chẳng ai nói trước được chữ ngờ khi chính chị lại rơi vào bẫy tình của một đại gia. Trong một bữa tiệc mừng công của ngành, chị đã uống quá chén đến quên cả đường về.
Hậu quả của lần vui chơi quá đà ấy là vị trưởng phòng đã đưa chị vào khách sạn và hai người đã qua đêm. Tỉnh dậy khi chưa tàn canh, chị giật mình hiểu ra thì mọi chuyện đã muộn. Người đàn ông thứ hai đến với đời chị sau Minh để lại cho chị một xấp đô la còn thơm phức.
Đau xót hơn, chuyện chị qua đêm với trai lần ấy đã được lan truyền, rỉ tai nhau. Số điện thoại của chị trở thành thứ để cho bao người đàn ông chán cơm thèm phở sùng sục săn tìm.
Huệ cũng không nhớ mình chính thức trở thành gái bán dâm cao cấp từ khi nào, chỉ biết rằng đã đôi lần chị bốc máy gọi cho người ấy lúc buồn, có khi anh ta đến được, nhưng cũng có lúc bận bịu công việc, anh này đã hào phóng giới thiệu bạn mình cho chị để tâm sự.
Chị không cần tiền, chị đến với những người đàn ông lạ vì nỗi căm phẫn người chồng bội bạc, phần nữa là để thỏa mãn nhục dục xấu xa những tưởng đã ngủ quên trong con người chị.
Cứ như thế, chị đánh mất tất cả và trượt dài trên vết xe đổ của bản thân khi bị chuyền tay từ người này sang người khác như một món hàng.
Để thỏa mãn cho cái gọi là trả thù chồng của mình, chị đã làm một việc hết sức xấu hổ khi biến mình trở thành gái gọi cao cấp! Hằng ngày, chị vẫn đến trường làm công việc của một người quản lý giáo dục, nhưng lúc màn đêm vừa buông xuống chị lại nhận lời đến khách sạn với những kẻ ô trọc lắm tiền.
Nhưng rồi bước ngoặt cuộc đời cũng đã đến với chị khi một lần đang đi khách tại một khách sạn 3 sao ở trung tâm thành phố, chị bị công an bắt và đưa vào trung tâm giáo dục lao động xã hội.
Cái tin chị bị bắt khi đang bán dâm cho khách đã khiến cho hàng trăm người biết đến chị bàng hoàng, lúc này Huệ mới tỉnh ngộ thì mọi cái đã an bài.
Đứa con trai duy nhất đã lâu chị gửi nhờ nhà ngoại, chồng cũ đã đến đưa về ngay đúng hôm chị làm thủ tục gia nhập mái nhà phục hồi nhân phẩm. Công việc, địa vị, tiền tài danh vọng, tất cả bỗng chốc biến bay khỏi đời chị như bong bóng xà phòng.
Huệ bảo: “Đời em coi như đã bỏ đi từ khi em bị bội phản trong tình yêu, lúc rời xa tổ ấm ấy, em luôn nghĩ là phải sống tốt vì con, nhưng những vết trượt không đoán định cứ thế vồ vập lấy số phận, cuốn riết em vào những ma quái mụ mị của cuộc đời mà không sao dứt ra được.
27 tuổi, em vẫn còn có cả một tương lai dài ở phía trước, lúc mới đưa vào trung tâm, điều mà em nghĩ sẽ làm đầu tiên khi ra khỏi đây là sẽ viết đơn ly dị chồng”. Nhưng giờ thì không phải làm việc đó nữa, cách đây nửa tháng, anh ấy đã đích thân mang đơn vào cho chị ký. Coi như kết thúc một lần đò, dù sóng gió miên man vẫn còn thổi mãi.
Hoàng Thị Huệ chia sẻ thêm, ngày chị mới vào trung tâm, các học viên nữ khác thấy chị xinh đẹp, sành điệu thì cứ ngỡ là tiểu thư con nhà đại gia sa ngã, chứ không ai nghĩ rằng chị đã có chồng, và vì giận chồng mà đi bán dâm.
Cũng không ai biết ngày Huệ bị bắt, cái chức Phó hiệu trưởng trường mầm non vẫn đang là của chị. Chị ít chia sẻ, mà cũng chẳng buồn tâm sự với ai. Mãi đến hôm vừa rồi, thấy chị Phó giám đốc trung tâm gần gũi, lại hiền lành nên Huệ đã tỉ tê chuyện đời của mình với chị, để cho nhẹ lòng vơi bớt.
Đời chị đã có quá nhiều nỗi đau, bất hạnh chồng lên bất hạnh mà suy cho cùng, tự mình làm khổ mình chứ cũng không ai đổ tội lên đầu, ấy là chị tự nhận với tôi như thế. Vào trung tâm phục hồi nhân phẩm được 6 tháng, chị đang được đào tạo thêm nghề may và làm mi mắt giả.
Sau này, cũng chưa biết phải làm gì để không đi lại vết xe đổ của quá khứ, trở lại là một cô giáo mầm non thì chắc chắn là không được nữa rồi. Huệ định mở một cửa hàng thời trang ở trung tâm thành Vinh để làm lại cuộc đời.
Có lẽ sẽ rất khó khăn nhưng chị thông minh, hoài bão và có kiến thức, chị tin mình sẽ làm được. Sai lầm nào rồi cũng đến lúc phải trả giá, chị đang trải qua những tháng ngày đau đớn nhất của phận người, nhưng cũng trong cơn vật lộn ấy, chị đang tự đứng lên sau vấp ngã để làm lại.
Với chị, phía trước luôn là bầu trời sáng.
Theo Thiên Thảo (Phunutoday)
******************************
Có chồng, con, vẫn “đi khách” tiền triệu
Hôm qua (22/5), TAND quận Long Biên đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với N.T.D.H (SN 1982, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bị VKSND cùng cấp cáo buộc phạm tội “Môi giới mại dâm”.
Cáo trạng truy tố thể hiện, tối 28/1, Đ.H.Cường và Đ.H.Tiến (Hưng Yên) hùn tiền, rủ nhau đi tìm “gái”. Vì quen biết với H. từ trước nên Tiến gọi điện và nhắn tin đặt vấn đề mua bán dâm. H. đồng ý và rủ thêm N.T.P (SN 1991, cũng trú ở quận Hai Bà Trưng) cùng tham gia.
H. bảo khách mua dâm đến thuê phòng trước tại một khách sạn thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên và sau đó thông báo lại số phòng cụ thể cho cô ta biết. H. ra giá với khách, bản thân cô ta sẽ chỉ nhận 3 triệu đồng, còn P. thì được hưởng “3 vé” (300USD) cho lần “vui vẻ” này.
23h cùng ngày, H. cùng cô bạn đến khách sạn mà khách đang chờ sẵn. Tiến cùng Cường trả tiền cho 2 “người đẹp” như đã thỏa thuận. Ngoài ra, vì H. có công chắp mối cho Cường và Phương thành một cặp nên được Tiến thưởng thêm cho 3 triệu đồng nữa.
Tuy nhiên, giữa lúc hai cặp đôi này đang “mây mưa” thì bị lực lượng CAQ Long Biên phát hiện, đưa về trụ sở làm rõ.
Tại phiên tòa, bị cáo H. không thành khẩn thừa nhận việc được hưởng lợi khoản tiền dẫn dắt cô bạn đồng nghiệp ở vụ án này với lý do đó là tự Tiến thưởng thêm. Việc P. đi bán dâm cùng bị cáo là do cô gái kia chủ động đề nghị cho đi theo, bởi vào thời điểm Tiến đặt vấn đề mua bán dâm, H. và P. đang đi xem phim cùng nhau.
Cũng theo trình bày của bị cáo, cô ta và Tiến tình cờ quen biết nhau trước khi vụ việc diễn ra chừng 2 ngày. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, H. luôn được vị khách hứa hẹn tặng quà, rủ đi ăn uống và mua sắm đồ dùng cá nhân. Trước vành móng ngựa, H. luôn chối bỏ vai trò môi giới mại dâm. Chỉ đến khi HĐXX công bố tất cả các lời khai của những người liên quan đến vụ án và của cả bản thân bị cáo tại CQĐT thì thiếu phụ bán dâm giá cao mới thừa nhận hành vi phạm pháp. Nói lời sau cùng, H. khẩn khoản: “Hiện bị cáo đang nuôi con nhỏ, không công ăn việc làm và đang sống ly thân với chồng nên cầu mong tòa án xem xét, mở lượng khoan hồng”.
Bày tỏ quan điểm tại phiên xử, đại diện VKS cho rằng tuy bị cáo không hoàn toàn nhận tội, song căn cứ vào lời khai của những người liên quan cùng các chứng cứ thu thập có đủ cơ sở để khẳng định N.T.D.H đã phạm tội như cáo trạng truy tố. Sau khi cân nhắc mọi tình tiết liên quan, TAND quận Long Biên đã quyết định tuyên phạt N.T.D.H 18 tháng tù về tội “Môi giới mại dâm”.
(Tên người liên quan đã thay đổi)
Theo Minh Long
*****************
Phóng viên Đài Loan bịa chuyện tẩy chay người Philippines
Một phóng viên ở Đài Loan vừa bị cho nghỉ việc sau khi thêu dệt câu chuyện về một quán ăn từ chối tiếp người Philippines, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên chưa lắng dịu.
Người Đài Loan biểu tình đòi Philippines phải xin lỗi và bồi thường sau vụ bắn chết một ngư dân. Ảnh: AFP |
Theo AFP, phóng viên trên được xác định mang họ Cheng, đã viết trên trang Facebook của mình rằng anh “chứng kiến” một chủ nhà hàng từ chối bán bữa trưa đóng hộp cho hai vị khách, vì biết họ là người Philippines.
Khi cấp trên của Cheng ở báo Lih Pao yêu cầu được gặp ông chủ nhà hàng để xác minh sự việc, phóng viên này đã nhờ một người khác giả mạo. Cuối cùng, Cheng cũng tự mình thừa nhận rằng anh này chưa bao giờ chứng kiến sự việc trên.
“Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi đến công chúng. Dù chúng tôi đã cố gắng xác minh câu chuyện, chúng tôi vẫn rất lấy làm tiếc vì không thể ngăn được một sự lừa dối có chủ ý như thế xảy ra”, báo Lih Pao nói trong một thông báo.
Làn sóng chống Manila nổi lên ở Đài Loan sau khi một ngư dân 65 tuổi bị tuần duyên Philippines bắn chết hồi đầu tháng này với lý do “xâm phạm lãnh hải”. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, hàng trăm người Đài Loan đã tổ chức biểu tình rầm rộ trước cơ quan đại diện của Philippines trên đảo, đốt cờ, ném trứng và hô khẩu hiệu phản đối.
Đầu tuần này, một phụ nữ Đài Loan cũng gây ra sự xôn xao tương tự trên Facebook với câu chuyện về một nhà hàng từ chối phục vụ khách Philippines. Tuy nhiên, bà này sau đó đã thừa nhận mình bịa chuyện.
Người phụ nữ mang họ Tung, tuyên bố bà đã mua thức ăn cho một lao động Philippines tại một nhà hàng ở Đài Bắc hôm 15/5, vì ông chủ không bán hàng cho người này. Bà bị “lộ tẩy” khi đưa ra những chi tiết mâu thuẫn về vụ việc này và bị nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ.
“Tôi biết tôi đã phạm một lỗi lầm lớn. Bây giờ tôi không biết phải đối mặt với dư luận như thế nào”, người phụ nữ nói.
Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã kêu gọi công chúng bình tĩnh và cam kết bảo vệ cho 87.000 người Philippines đang sinh sống và làm việc trên đảo, sau khi một lao động Manila bị tấn công và phải nhập viện hồi tuần trước.
Tuy nhiên, Đài Loan vẫn tuyên bố một loạt biện pháp cấm vận kinh tế chống lại Philippines, yêu cầu chính phủ nước này phải đưa ra lời xin lỗi chính thức, bồi thường tiền cho gia đình nạn nhân và tổ chức điều tra chung về vụ việc.
Anh Ngọc
********************