HÀ NỘI – Theo thống kê từ Bộ Ngoại giao VN, năm ngoái, có 3,780 đoàn của nhiều ngành, cấp của nhà cầm quyền đi công tác ở nước ngoài. Trung bình, mỗi ngày có tới sáu đoàn ra nước ngoài công tác.
Quốc hội VN bấm nút thông qua nghị quyết chống lãng phí nhưng quan chức chế độ giắt nhau đi ngoại quốc như đi chợ.(Hình: Infonet) |
Một thống kê khác, tổng hợp từ báo cáo của các ngành và các tỉnh, thành phố cho biết, năm ngoái, số đoàn đi công tác ở nước ngoài lên tới 5,800, vượt xa số liệu do Bộ Ngoại Giao Hà Nội báo cáo. Năm nay, ngành ngoại giao cho biết, tuy số lượng đoàn của các ngành, cấp của chế độ đi công tác nước ngoài đã giảm 30% nhưng vẫn còn tới 3,200 đoàn đi công tác ở nước ngoài.
Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao, gọi chuyện cử quá nhiều đoàn đi công tác ở nước ngoài là “sự lãnh phí không cần thiết”. Chưa kể chuyện quá nhiều đoàn đi công tác ở nước ngoài còn khiến các quốc gia khác ngán ngẩm khi phải tiếp các đoàn công tác của nhà cầm quyền CSVN.
Ông Minh bảo rằng, nhiều đoàn đi công tác nước ngoài chỉ để “nghiên cứu” về cùng một vần đề và phản hồi từ nhiều quốc gia thân thiết than phiền về chuyện phải tiếp quá nhiều đoàn công tác của Việt Nam chỉ để trả lời những thắc mắc giống nhau.
Không chỉ lũ lượt kéo nhau đi công tác nước ngoài, các ngành, các cấp của nhà cầm quyền CSVN còn lũ lượt kéo nhau đến “công tác” ở nhiều vùng, nhiều nơi trong nước. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang, than, chỉ riêng năm 2013, tỉnh này phải tiếp 70 đoàn công tác của các cơ quan trung ương từ Đảng, chính phủ, tới các bộ, các ngành. Có đoàn vào công tác tới 3 tuần hoặc hơn 1 tháng. Chi phí ăn ở đi lại không chỉ lãng phí ngân sách trung ương mà còn tốn kém cho ngân sách địa phương.
Dẫu liên tục đi tới, đi lui ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam để nghiên cứu nhưng hoạt động của hệ thống công quyền Việt nam vẫn rất tồi. Khi công bố “Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014”, vốn mà các quốc gia khác đồng ý cho vay không thiếu nhưng việc soạn thảo các dự án quá chậm, quá kém, tính khả thi không cao nên phía cho vay không đưa tiền.
Giai đoạn từ 2006-2010, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đồng ý cho Việt Nam vay 31.7 tỷ USD nhưng cuối cùng chỉ giải ngân được 13,8 tỷ USD. Còn giai đoạn từ 2011 -2013, vốn ODA theo cam kết cho vay là 20.8 tỷ USD nhưng chỉ giải ngân được 11.7 tỷ USD.
Dẫu không có số liệu cụ thể về chi tiêu nhưng nhiều người tin rằng, các đoàn công tác của chế độ Hà Nội đã góp phần đáng kể trong việc đẩy Việt Nam rơi vào tình trạng bội chi nghiêm trọng. Trong báo cáo trình Quốc hội của chế độ hồi cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính CSVN thú nhận, năm nay, trong khi nguồn thu cho ngân sách quốc gia bị hụt ít nhất 63,630 tỉ thì bội chi lên tới 140 ngàn tỉ.
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính đề nghị Quốc hội CSVN cho phép nâng mức bội chi của cả năm nay lên thành 195,500 tỷ, tương đương 5.3% GDP. Như vậy là sau hàng loạt hứa hẹn, tuyên bố cắt giảm chi tiêu, chi tiêu của hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn tăng. Hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Tài chính thú nhận, “chi tiêu không ngừng tăng, tăng quá nhanh”.
Cách nay bảy năm, Việt Nam ban hành một bộ luật để “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” nhưng bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, khẳng định, “chi tiêu vẫn còn quá lãng phí”.
Để đủ tiền cho chuyện phung phí ngân sách, hệ thống công quyền CSVN ép dân chúng và doanh giới nộp đủ thứ thuế, phí và lệ phí. Giới nghiên cứu đã thử thực hiện một thống kê và xác định, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ thu thuế.
Căn cứ vào quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính CSVN, người ta cho biết, mỗi năm, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, nguồn thu từ thuế và phí ở Việt Nam chiếm đến 26.2% GDP, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Qũy tiền tệ Quốc tế cũng đã thử so sánh và xác nhận, tỷ lệ thuế, phí trên GDP của Việt Nam cao gấp 1.2 – 1.8 lần so với các quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý là thu rất nhiều, bội chi rất lớn nhưng chi tiêu của hệ thống công quyền lại chi rất ít cho đầu tư phát triển. Vào lúc này, trên khắp Việt Nam, nhiều trường học, bệnh viện, công trình giao thông bị bỏ dở hoặc không thực hiện vì không có ngân sách trong khi mức bội chi thì càng ngày càng lớn. Phần lớn chi tiêu dẫn tới bội chi là những khoản chi để nuôi hệ thống công quyền. Nếu năm 2003, các khoản chi để nuôi hệ thống công quyền chiếm 51.9% tổng chi thì tới năm 2011, các khoản này đã chiếm đến 67.2% tổng chi.