Phi hành đoàn Thần Châu-10 sẵn sàng lên vũ trụ

Ba phi hành gia Trung Quốc, trong đó có một nữ, đã sẵn sàng cho chuyến du hành vũ trụ dự tính được thực hiện vào thứ Ba 11/6.

Tàu của họ sẽ khởi hành từ trạm vũ trụ Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, bằng tên lửa đẩy mang tên Trường Chinh 2F vào lúc 17:38 thứ Ba, giờ Bắc Kinh.

Trưởng phi hành đoàn, Nhiếp Hải Thắng và các thành viên khác, Trương Hiểu Quang và Vương Á Bình, sẽ làm việc ở trạm không gian Thiên Cung trong vòng hai tuần.

Bà Vương là nữ phi hành gia thứ hai của Trung Quốc, bà sẽ có bài giảng đầu tiên từ vũ trụ của nước này đến các học sinh ở Trái đất.

“Tôi sẽ trình bày một số thí nghiệm vật lý trong môi trường không trọng lượng của không gian,”phi hành gia 33 tuổi này nói trong buổi họp báo trước ngày khởi hành vào thứ Hai, 10/6.

“Tất cả chúng ta đều là những người học trò khi đứng trước Vũ trụ, tôi nghĩ chúng ta có thể cùng nhau khám phá và thích thú.”

Tàu Thần Châu-10, đảm nhận nhiệm vụ lần này, sẽ tách ra khỏi phần trên của tên lửa phóng chín phút sau khi khởi hành.

Sau đó tàu này sẽ cần khoảng 40 giờ du hành trong không gian để tiến tới độ cao của trạm không gian Thiên Cung, cách mặt đất khoảng 335 km.

Thần Châu-10 là bước mới nhất trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tiến tới mục đích cuối cùng là xây dựng một trạm không gian cố định có người vận hành ở bên ngoài Trái Đất.

Thiên Cung-1 là bước đi thử nghiệm. Trạm này được phóng vào năm 2011 với nhiệm vụ làm mục tiêu để thử nghiệm công nghệ kết nối và đáp tàu.

Phi hành đoàn của tàu Tuần Châu-9, vốn bao gồm nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, Lưu Dương, cũng đã kết nối thành công với trạm Thiên Cung trong 10 ngày hồi tháng Sáu năm 2012.

Phi hành đoàn của ông Nhiếp Hải Thắng sẽ ở lại đây lâu hơn, và cũng giống như Tuần Châu-9, họ có nhiệm vụ thử nghiệm các thao tác đáp xuống bằng cơ khí và tự động.

Bắc Kinh hy vọng sẽ có thể phóng trạm không gian hoàn thiện vào cuối thập kỷ này.

Trạm vũ trụ cố định

Vương Á BìnhVương Á Bình là nữ phi hành gia vũ trụ thứ hai của Trung Quốc

Với khối lượng khoảng 60 tấn, trạm không gian tương lai của Trung Quốc sẽ chỉ có kích cỡ bằng một phần sáu Trạm Không gian Quốc tế (ISS) của Hoa Kỳ, Nga, Châu Âu, Canada và Nhật. Tuy nhiên, chỉ riêng sự hiện diện của nó đã là một thành tựu đáng ghi nhận.

Dù vậy, Trung Quốc sẽ cần nỗ lực hơn trước khi có thể đạt được điều này. Trước hết là phải có tên lửa đẩy mạnh hơn.

Tên lửa Trường Chinh 2F dùng để phóng Thần Châu và trạm Thiên Cung không đủ sức phóng các khối module mà Trung Quốc muốn lắp đặt cho trạm không gian của mình.

Tên lửa Trường Chinh 5 đang được nghiên cứu và dự đoán sẽ được khánh thành trong vài năm tới. Đây được cho là yếu tố sẽ giúp tăng đáng kể khả năng vận chuyển trong tầm gần quỹ đạo Trái Đất.

Bảy phi hành gia nước này đã du hành vào vũ trụ sau chuyến bay lịch sử của Dương Lợi Vĩ vào tháng Mười năm 2003.

Trưởng phi hành đoàn Nhiếp, một thiếu tướng thuộc Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, vinh dự là phi hành gia duy nhất của Trung Quốc du hành vũ trụ đến hai lần, sau khi tham gia vào hành trình của tàu Thần Châu-6 năm 2005.

“Tôi cảm thấy vinh dự, tuy nhiên cũng hiểu được trọng trách đặt trên vai mình,” phi hành gia 48 tuổi này nói.

“So với nhiệm vụ của Thần Châu-6, nhiệm vụ lần này sẽ dài hơn và nhiều thử nghiệm cần phải tiến hành hơn, vì thế đây sẽ là một thử thách mới, cũng với những rủi ro mới.”

Châu Âu đã bắt đầu các cuộc đối thoại có thể dẫn đến việc các phi hành gia của khối này được có cơ hội bay vào vũ trụ cùng trạm không gian trong tương lai của Trung Quốc.

“Chúng tôi đang xem xét khả năng sử dụng trạm không gian này,” giám đốc bộ phận du hành gia vũ trụ của Cơ quan Không gian châu Âu, ông Thomas Reiter, nói với BBC hồi tháng trước.

“Mục tiêu phía trước của chúng tôi, đó là tiến hành những buổi trao đổi thực tập. Hiện tại có một số đồng nghiệp ở Trung Tâm Phi hành gia Châu Âu đã bắt đầu học tiếng Trung Quốc.”

Theo BBC Vietnamese

 

HungViet

HungViet

Posted by HungViet

: