Ở phút 90, phe Cộng hòa chính thức thừa nhận thất bại và chấp nhận đề xuất ngân sách của thượng viện, cứu nước Mỹ khỏi bị vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
12g30 ngày 17-10, ngay khi dự luật ngân sách được đưa đến Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama ký dự luật, chính thức nâng trần nợ và mở cửa chính phủ sau hơn 16 ngày đóng cửa.
Nhượng bộ của hai phe chỉ đến vào những phút chót. Bốn giờ trước khi bước sang ngày 17-10 (mốc chính phủ hết quyền vay nợ), Thượng viện Mỹ mới bỏ phiếu thông qua dự luật với tỉ lệ 81 phiếu ủng hộ và 18 phiếu chống. Dù qua ải thượng viện, mâu thuẫn phe Cộng hòa vẫn rõ ràng khi nhân vật số 2 của họ – thượng nghị sĩ John Cornyn bỏ phiếu chống cũng như là một loạt nhân vật như Marco Rubio của Florida, Mike Lee của Utah và đặc biệt là Ted Cruz của Texas – mới ở thượng viện chín tháng nhưng là người khởi xướng việc cắt ngân quỹ của đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama (Obamacare), khởi đầu cho cuộc khủng hoảng lần này.
“Chương đáng xấu hổ”
Ở sàn đấu “hỗn loạn” của hạ viện, nơi một ngày trước bác mọi dự thảo của chủ tịch Boehner, dự luật chỉ được thông qua hai giờ sau đó với tỉ lệ 285-144. Chỉ có 87 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ dự luật và tới 144 nghị sĩ Cộng hòa chống. Một lần nữa, kết quả của dự luật cho thấy sự yếu thế của chủ tịch hạ viện John Boehner, người bỏ phiếu ủng hộ. Ông không chỉ huy được đoàn quân của mình mà phải nhờ đến lãnh đạo phe thiểu số là bà Nancy Pelosy huy động phe Dân chủ. Đây được coi là vi phạm nguyên tắc Hastert của chính đảng Cộng hòa rằng chủ tịch hạ viện không được đem dự luật ra bỏ phiếu nếu dự luật không được “số đông của phe đa số” ủng hộ (dự luật có tới 144 nghị sĩ Cộng hòa chống so với 87 ủng hộ).
Thượng nghị sĩ John McCain của phe Cộng hòa ngay sau đó thừa nhận đây là “chương đáng xấu hổ” của quốc hội. Đó là “cuộc chiến tồi, một cuộc chiến sai lầm”, ông nói khi trả lời Andersoon Cooper của CNN. Ông không quên chỉ trích Tổng thống Obama vì không chịu xuất hiện trong khi 17 năm trước, Bill Clinton đã làm việc gần như 24/7 với phe Cộng hòa để cố tìm giải pháp.
Ngay sau khi thượng viện bỏ phiếu, Tổng thống Obama nói ông hi vọng những đối đầu gây tổn hại như thế này sẽ không tiếp tục nữa. Ông kêu gọi quốc hội tiếp tục đàm phán về ngân sách cũng như là dự luật nhập cư và nông nghiệp.
“Mẩu bánh mì vụn”
Kết quả cuộc đấu ngân sách cuối cùng là thất bại thảm hại của phe Cộng hòa. Họ dùng cuộc khủng hoảng ngân sách với hi vọng cắt tiền và trì hoãn đạo luật Obamacare.
Sau ba tuần, về cơ bản họ hoàn toàn không đạt được nhượng bộ nào từ phe Dân chủ, trong khi chỉ số tín nhiệm tụt dốc thê thảm. Chủ tịch hạ viện John Boehner vẫn nói cứng trên đài radio ở Cincinnati sau cuộc bỏ phiếu: “Chúng tôi đánh trận chiến tốt… Chỉ là chúng tôi không thắng”.
Mark Shield, trên mục bình luận cuối tuần trên PBS ngay trước thềm chính phủ đóng cửa, bình luận về nhóm cứng rắn của phe Cộng hòa: “Những nghị sĩ này quá trẻ, họ không nhớ kinh nghiệm đau thương của lần đóng cửa trước”. Đợt đóng cửa chính phủ năm 1995 từng khiến tỉ lệ ủng hộ phe Cộng hòa sụt thê thảm, còn Bill Clinton ung dung giành chiến thắng nhiệm kỳ 2. Hai tuần tương đối đoàn kết của phe Cộng hòa đã trở thành hỗn loạn hôm 15-10 khi lãnh đạo phe hai lần không thể thống nhất được đoàn quân mình để thông qua hai phương án dự thảo. Khi hạ viện thất bại, thượng viện với phe Dân chủ đa số đã đưa ra phương án của mình.
“Chúng ta chọn mấy mẩu bánh mì vụn mà để mặc toàn bộ bữa ăn ở trên bàn – New York Times trích lời thượng nghị sĩ Lindsey Graham của phe Cộng hòa, người từng trải qua lần đóng cửa trước – Đây là hai tuần thật tệ hại của đảng Cộng hòa”.
Hưu chiến tạm thời
Thỏa thuận ngân sách mới thực tế là một thỏa thuận ngắn hạn, hai bên chỉ tạm mở cửa lại chính quyền và gói tạm thời các bất đồng – các vấn đề căng thẳng vẫn nằm nguyên đó. Đạo luật mới thậm chí không phê chuẩn nổi ngân sách năm tài khóa mới. Washington chỉ có tiền hoạt động cho đến ngày 15-1-2014 (chưa đầy ba tháng), còn trần nợ chỉ được duy trì tới ngày 7-2. Đến giờ không có gì bảo đảm quốc hội không rơi vào khủng hoảng lần nữa khi các mốc thời gian này đến gần. Theo thỏa thuận này, hai đảng sẽ tiến hành đàm phán và về chính sách thu – chi trong 10 năm tới trong giai đoạn này. Đến giờ cũng không gì đảm bảo các nhân vật đàm phán hai phe rút ngắn được các bất đồng.
Nhân vật số 2 của phe Dân chủ ở thượng viện, thượng nghị sĩ Richard J.Durbin của bang Illinois, nói: “Hi vọng của chúng tôi là chủ tịch hạ viện Boehner và nhóm nghị sĩ của ông đã diễn trò này với kết cục bi thảm và mong rằng họ sẽ có tính xây dựng hơn”.
Nhóm Cộng hòa trung dung ở thượng viện thì nói kết quả là bài học cho nhóm cứng rắn ở cả lưỡng viện, những người đóng chính phủ với hi vọng cắt ngân sách của Obamacare.
“Giờ là lúc phục hồi sự đúng mực ở quốc hội. Để làm vậy thì tất cả chúng ta đều phải hi sinh một chút” – hạ nghị sĩ Harold Rogers của phe Cộng hòa nói.
Tác động nghiêm trọng 16 ngày đóng cửa cũng làm giảm lòng tin người tiêu dùng tệ hại nhất kể từ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers từ năm 2008. Cuộc khủng hoảng cũng gây hậu quả nghiêm trọng tới nhiều ngành công nghiệp khác vốn dựa vào chính quyền liên bang. Thị trường địa ốc, điểm sáng của hồi phục kinh tế Mỹ, cũng bị tác động bởi cuộc khủng hoảng. Theo Standard & Poor, hơn hai tuần đóng cửa của chính quyền Mỹ làm giảm khoảng 0,6% tăng trưởng GDP của quý 4, tương đương khoảng 24 tỉ USD. Một báo cáo của Macroeconomics Advisers ước tính tình trạng bất ổn về tài khóa từ cuối năm 2009 tới giờ đã làm giảm tăng trưởng kinh tế khoảng 0,3%/năm và làm nước Mỹ tổn thất ít nhất 150 tỉ USD, làm tăng tỉ lệ thất nghiệp khoảng 0,6 điểm %, tương đương 900.000 việc làm. |
Theo: Tuổi Trẻ