Ô nhiễm kéo dài ba ngày nay đã lên tới mức kỷ lục ở Singapore, trong khi khói đốt rừng từ Indonesia bao trùm thành phố.
Chỉ số ô nhiễm PSI lên tới 401 vào giữa trưa thứ Sáu 21/6 (11:00 giờ sáng giờ Hà Nội) – cao chưa từng thấy trong lịch sử thành phố.
Khói cũng ảnh hưởng Malaysia, nơi 100 trường học ở miền nam đã phải đóng cửa.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo hôm thứ Năm rằng đợt ô nhiễm này sẽ kéo dài hàng tuần liền.
Ông nói: “Chúng ta không thể biết trước diễn biến của vấn đề này vì nó phụ thuộc vào tình trạng cháy rừng, thời tiết và gió”.
“Nó có thể kéo dài hàng tuần và hơn nữa, cho tới khi mùa khô kết thúc ở Sumatra, tức là tháng Chín hoặc tháng Mười.”
Đe dọa tính mạng
Chỉ số PSI trên 300 đã bị liệt vào loại “nguy hiểm”, và chính phủ Singapore nói PSI trên 400 trong vòng 24 giờ liền “có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người già hoặc bệnh nhân”.
“Người khỏe cũng có thể bị ảnh hưởng hoạt động bình thường.”
Một số người Singapore nói họ ở trong nhà hai ngày nay và khi ra đường phải đeo khẩu trang.
Philip Koh, một bác sỹ, nói với hãng thông tấn AFP rằng số các vụ khám bệnh của ông trong tuần qua tăng khoảng 20%.
Ông nói: “Bệnh nhân của tôi rất lo lắng không biết đợt này sẽ kéo dài bao lâu và độ ô nhiễm còn tăng bao nhiêu nữa”.
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore bắt đầu cung cấp chỉ số PSI hàng giờ trên website của mình thay vì cứ ba tiếng đồng hồ một lần như trước.
Khoảng 300 trường học ở miền Nam Malaysia bị đóng cửa vì khói ô nhiễm. Các trường ở Singapore đang nghỉ hè.
Tình trạng ô nhiễm hiện tại là do nạn phá rừng trồng trọt bất hợp pháp ở Sumatra, phía tây Singapore.
Đợt ô nhiễm này đã làm quan hệ ngoại giao giữa Singapore và Indonesia – hao quốc gia lâu nay vẫn có quan hệ tốt, trở nên căng thẳng.
Thủ tướng Lee nói Singapore đã cung cấp các thông số vệ tinh cho Indonesia để giúp nhận dạng các công ty liên quan và cho biết nếu có công ty nào của Singapore thì sẽ xử lý.
Indonesia nói hai trực thăng chở thiết bị tạo mây gây mưa đã được triển khai hôm thứ Sáu nhằm dập lửa.
Tổng thống nước này Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố “toàn bộ nguồn lực của đất nước” sẽ được huy động để dập lửa.