Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu cạnh Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Dinh Tổng thống Malacanang ở Manila, ngày 17/12/2013.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ngày hôm nay đến Philippines, nơi Washington đang thương thuyết về một thỏa thuận mở rộng sự hiện diện quân sự tại nước này.

Chuyến đi của ông Kerry tiếp theo một chặng dừng chân tại Việt Nam, nơi ông Kerry hứa giúp các nước Đông Nam Á hơn 32 triệu đô la để bảo vệ lãnh hải giữa những căng thẳng với Trung Quốc.

Ông Kerry phủ nhận viện trợ mới là để đối phó với những hành vi xâm lấn trên biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói Hoa Kỳ ủng hộ các biện pháp ngoại giao chứ không phải những hành động đơn phương trong các cuộc tranh chấp.

“Hòa bình và ổn định tại Biển Ðông là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi và những quốc gia trong vùng. Chúng tôi rất quan ngại  và cực lực chống lại những chiến thuật cưỡng chế và hung hăng để đạt được chủ quyền.”

Theo thỏa thuận, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu đô la gồm có 5 tàu tuần tra cho Lực lượng Tuần duyên của Việt Nam. Các nước khác ở Đông Nam Á sẽ nhận được 14,5 triệu đô la.

Tại Manila ông Kerry hy vọng dùng các cuộc họp ngày hôm nay với các nhà lãnh đạo Philippines để đạt được tiến bộ về một thỏa thuận cho phép nhiều binh sĩ Hoa Kỳ, cùng với máy bay và tàu chiến đi qua nước này.

Ngày mai, ông Kerry sẽ đi thăm khu vực bị bão Hayan tàn phá trong tháng trước làm hàng ngàn người thiệt mạng và khiến cho Hoa Kỳ phải đáp ứng bằng một chiến dịch trợ giúp nhân đạo to lớn do quân đội lãnh đạo.

Hoa Kỳ đã gởi một nhóm tàu trong đó có một tàu sân bay, một ngàn Thủy quân lục chiến và tiêu nhiều triệu đô la để giúp cựu thuộc địa này phục hồi  sau cơn bão, một nỗ lực nhiều nhà phân tích nói có thể giúp đưa đến những quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn.

Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ lãnh hải ở Biển Đông.

Manila dính líu đến một vụ tranh chấp với Trung Quốc về lãnh thổ ở Biển Ðông. Tiếp theo một tuần lễ đối đầu vào năm ngoái, Philippines mất quyền kiểm soát một khu vực gồm các vĩa đá không người ở nhưng có tầm quan trọng chiến lược.

Trung Quốc cũng có những tranh chấp với các nước láng giềng khác gồm Việt Nam, tại Biển Ðông, nơi giàu trữ lượng cá, đường chuyển vận hành hải quan trọng, và trữ lượng năng lượng to lớn.

Trong chuyến đi này, ngoại trưởng Kerry tiếp tục cho rằng Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong những cuộc tranh chấp, ngay cả khi ông mở rộng sự hợp tác quân sự với các nước láng giềng Trung Quốc và cảnh báo chống lại những hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Ngày hôm qua, ông Kerry một lần nữa tuyên bố Trung Quốc không nên áp đặt Vùng Nhận diện Phòng không mới, bao gồm những lãnh thổ Nhật Bản, Nam Triều Tiên nhận chủ quyền tại Biển Hoa Ðông. Ông cũng nói Bắc Kinh ‘nên tự chế không nên có những hành động đơn phương tương tự tại các nơi khác, đặc biệt tại Biển Ðông’.

Hoa Kỳ đã từ chối công nhận vùng của Trung Quốc. Hoa Kỳ đã cho máy bay ném bom B-52 bay những phi vụ được xem như là huấn luyện, bất kể những yêu cầu của Trung Quốc phải đệ trình kế hoạch bay và tự nhận diện.

Các biến cố này đã làm dấy lên những lo ngại về một vụ đụng độ quân sự. Những lo ngại này lên cao trước đây trong tháng  khi các giới chức Hoa Kỳ nói một trong những chiến hạm của Hoa Kỳ  là chiếc USS Cowpens, suýt đụng với một chiến hạm Trung Quốc trên Biển Ðông.

Quân đội Mỹ cho biết chiến hạm Hoa Kỳ hoạt động trên hải phận quốc tế, bắt buộc phải đổi hướng để tránh đụng vào tàu Trung Quốc đang đi cùng với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Chưa có bình luận chính thức của Trung Quốc về sự kiện này.

Trung Quốc đã gia tăng đều đặn chi phí quân sự và hoạt động của hải quân trong những năm gần đây. Tuy nhiên Trung Quốc nói những nỗ lực của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình và bảo vệ lãnh thổ. Trung Quốc xem sự tái có mặt quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á là một nỗ lực nhằm chế ngự Trung Quốc, một cáo buộc Washington bác bỏ.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: