Ngày 1.1, hàng chục ngàn người xuống đường tại Hồng Kông để đòi được bảo đảm quyền tự chọn lãnh đạo.
Một phần đoàn người tuần hành hôm qua tại Hồng Kông – Ảnh: Reuters
AFP dẫn lời các nhà tổ chức cho hay hơn 30.000 người tham gia tuần hành từ công viên Victoria kéo đến Trung Hoàn, trung tâm tài chính và hành chính của đặc khu, còn con số của phía cảnh sát đưa ra là 11.000 người. An ninh được thắt chặt tại các khu vực trọng yếu và đã không xảy ra vụ xô xát hay bạo lực nào.
Mục đích của cuộc xuống đường là nhằm kêu gọi chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh bảo đảm dân chủ, cụ thể là trong vấn đề để người dân tự bầu đặc khu trưởng.
Theo thể chế hiện nay, người đứng đầu Hồng Kông được chọn bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên, nhưng nhiều người dân cáo buộc phần lớn ủy ban này đều thân trung ương, dẫn đến việc Hồng Kông chịu ảnh hưởng quá lớn từ Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết người Hồng Kông sẽ được tự bầu lãnh đạo vào năm 2017 nhưng những người tham gia tuần hành hôm qua lo ngại rằng vào thời điểm đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách kiểm soát danh sách các ứng viên tranh cử. Nhiều chuyên gia và một bộ phận dư luận đặc biệt chỉ trích ý kiến đăng trên các tờ báo ủng hộ đại lục cho rằng cần có một cuộc sàng lọc ứng viên trước khi tổ chức bỏ phiếu rộng rãi.
Hôm qua, đoàn người cầm theo các biểu ngữ ghi những dòng chữ như “Dân chủ thực sự” đồng thời lớn tiếng phản đối Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh. Uy tín của ông Lương hiện nay đang xuống thấp do nhiều vụ tai tiếng cũng như các cáo buộc nói ông quá “thần phục” trung ương. Hồi tháng 12.2013, Đại học Hồng Kông công bố kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 42% người được hỏi ủng hộ nhà lãnh đạo này.
Có mặt trong cuộc tuần hành ngày 1.1, cựu nghị sĩ Trần Phương An Sinh, một chính khách cực kỳ uy tín ở Hồng Kông, tuyên bố với Reuters: “Chúng tôi muốn người dân Hồng Kông có được lựa chọn thật sự đối với các vị trí lãnh đạo đặc khu”. Một số tổ chức còn đe dọa sẽ tiến hành chiếm cứ và phong tỏa Trung Hoàn trong mùa hè năm nay nếu không nhận được cam kết về một cuộc bầu cử rộng rãi, dân chủ và công bằng.
Từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông tương đối độc lập về chính trị, tài chính và luật pháp nhưng một bộ phận người dân không hài lòng về sự hiện diện ngày càng sâu rộng của đại lục. AFP dẫn kết quả một cuộc khảo sát khác của Đại học Hồng Kông cho thấy “tiến bộ về chính trị” đứng thứ hai sau giá nhà tăng cao trong danh sách các vấn đề mà người dân đặc khu cho rằng chính quyền cần quan tâm giải quyết trong năm 2014. Cuộc biểu tình hôm qua xảy ra vài ngày sau vụ một nhóm người ở đặc khu xông vào một doanh trại quân đội và đòi đuổi binh sĩ đại lục, theo Nhân Dân nhật báo.
Thụy Miên