TTO – Trước việc các đồng minh như Pháp, Đức và mới nhất là Tây Ban Nha nổi giận khi phát hiện Mỹ nghe lén điện thoại ở nước mình, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang xem xét rà soát các chương trình tình báo này.
Một người biểu tình phản đối chương trình nghe lén của Mỹ khi đại sứ Hoa Kỳ rời Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha hôm 28-10. Ảnh: AFP
AFP dẫn lời ông Obama tuyên bố hôm 28-10 (giờ Mỹ) rằng trước phản ứng của các đồng minh châu Âu, ông sẽ kiểm soát chương trình thu thập thông tin tình báo của Mỹ .
Tây Ban Nha là nước châu Âu thứ ba bị phát hiện trở thành nạn nhân của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Nước này đã triệu tập đại sứ Mỹ để phản đối việc Mỹ theo dõi hơn 60 triệu cuộc gọi của dân mình.
Ông Obama không chứng thực các cáo buộc này, song ghi nhận hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ đang được đánh giá lại.
“Tôi chính thức khởi động một cuộc rà soát (các cơ quan tình báo) để đảm bảo họ không nhất thiết phải làm những việc họ có thể làm” – tổng thống Mỹ nói với ABC News.
Cũng trong ngày 28-10, Chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein lên tiếng phản đối việc nghe lén đồng minh và cáo buộc NSA không thông báo đầy đủ cho ủy ban của bà về việc này.
“Về việc NSA theo dõi lãnh đạo các đồng minh của Mỹ, gồm Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Mexico, để tôi nói rõ luôn nhé: Tôi hoàn toàn phản đối” – AFP dẫn lời bà Feinstein gay gắt.
Bà chủ tịch cho rằng nhiều hoạt động do thám được thực hiện hơn một thập niên nhưng Ủy ban Tình báo của bà không hề được thông tin đầy đủ. “Trừ khi Hoa Kỳ đang có quan hệ thù địch với một quốc gia, hay khi có nhu cầu khẩn cấp cho loại tình báo này, tôi không nghĩ chúng ta lại nên theo dõi điện đàm và email của các nhà lãnh đạo bạn bè” – bà Feinstein kết luận.
“Phải gầy dựng lại lòng tin”
Hôm qua, một phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhóm họp với Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers tại điện Capitol về căng thẳng vì bê bối nghe lén giữa Mỹ và đồng minh châu Âu. AFP dẫn lời ông Rogers nói hai bên “đạt được một số tiến triển” sau cuộc hội đàm.
Claude Moraes, thành viên người Anh tại Nghị viện châu Âu, nói điều cần thiết là bắt đầu tiến trình “hàn gắn vết thương”, cũng như cam kết rằng Mỹ sẽ chấm dứt lạm dụng do thám ở châu Âu.
Phái đoàn châu Âu này sẽ tiếp tục gặp gỡ với các quan chức Hoa Kỳ khác, gồm lãnh đạo Bộ Ngoại giao và văn phòng giám đốc tình báo quốc gia vào ngày 29 và 30-10 (giờ địa phương), theo AFP.
Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ cũng sẽ sớm đến Brussels (Bỉ) để tiếp tục hội đàm với các quan chức châu Âu về vấn đề này, theo ông Rogers.