Ông Neth Monorom nói chuyện với cộng đồng người Mỹ gốc Campuchia, khuyến khích họ đi bầu cử
Số người Mỹ gốc châu Á đến định cư tại quận hạt Los Angeles, bao gồm cả thành phố Los Angeles, đông hơn bất kỳ thành phố nào của Mỹ.
Một tổ chức của người Mỹ gốc châu Á tại đây tính rằng, từ 2000 đến 2010, người Mỹ gốc châu Á là nhóm thiểu số tăng nhanh nhất tại quận hạt Los Angeles, và cũng là thành phần có số người thất nghiệp và rơi vào tình trạng nghèo túng đông nhất tại đó. Thông tín viên VOA đã đến Long Beach, nơi có cộng đồng Campuchia đông nhất nước Mỹ và ghi lại như sau:
Nhà phân tích Kristin Sakaguchi nói rằng nhiều người Mỹ gốc châu Á ở đây có hình ảnh trái ngược với những câu chuyện thành công hội nhập của người Mỹ gốc châu Á tại Mỹ:
“Nhiều người trong cộng đồng ở đây bị gạt ra ngoài lề và họ ít được chú ý.”
Một phúc trình mới đây cho thấy tỷ lệ nghèo túng của người Mỹ gốc châu Á tại quận hạt Los Angeles trung bình là 11%, nhưng tỷ lệ này cao hơn ở những nhóm nhỏ. Ví dụ, theo phúc trình này, tỷ lệ nghèo túng của người Mỹ gốc Campuchia là 25%.
Theo lời cô Lian Cheun của tổ chức Thiếu nữ Khmer Hành động, một tổ chức giúp đỡ các sinh viên Mỹ gốc Campuchia, nhiều người trước khi đến Mỹ không có trình độ học hành cao, nhiều người là nông dân hoặc ngư dân. Cô nói:
“Đối với người Campuchia ở đây, nếu nói rằng mình đang sống trong nghèo khổ, dù đang ở bên ngoài Campuchia, là điều cấm kỵ. Nhiều người không thích đá động đến chuyện này.”
Cô Cheun cũng nói có nhiều người Campuchia định cư ở Mỹ theo diện tỵ nạn:
“Chúng tôi đến từ một đất nước có quá trình chiến tranh và diệt chủng. Nhiều người trong cộng đồng chúng tôi có tỷ lệ rối loạn căng thẳng sau chấn thương cao hơn cựu chiến binh Mỹ trở về sau các cuộc chiến tranh.”
Em Sokbrany Yourk. một học sinh trung học gốc Campuchia cho biết cha mẹ em không muốn nhắc đến quá khứ và vẫn chưa hội nhập xã hội Mỹ. Em cho biết:
“Cả bố và mẹ em đều là công nhân làm ở dây chuyền lắp ráp. Cả hai đều thuộc diện tỵ nạn, hai ông bà nói tiếng Mỹ một cách khó khăn.”
Em Yourk còn nói rằng gia đình em đang vất vả phấn đấu về tài chính, nhất là khi nói tới chuyện chi phí đại học cho em và ba người em của em:
“Chúng em phải đối mặt với những rào cản tài chính khiến chúng em khó lòng xin vô đại học hoặc học tại những trường mà chúng em muốn, bởi vì đơn giản là chúng em không thể với tới.”
Em Yourk tham gia tổ chức Thiếu nữ Khmer Hành động để học hỏi kỹ năng lãnh đạo, hy vọng sau này cải tiến cuộc sống cho các thiếu nữ rơi vào cùng trường hợp như em.
Nhưng cô Lian Cheun của tổ chức này nói rằng kiếm ra ngân khoản cần thiết để giúp các thiếu nữ này là một vấn đề:
“Nhiều lúc, những người muốn giúp ngân khoản không có đủ dữ liệu để dựa vào đó mà cung cấp thêm nguồn lực.”
Không đủ dữ liệu bởi vì người Mỹ gốc châu Á thường bị gom chung thành một nhóm duy nhất. Vì không có đủ dữ liệu cho riêng từng sắc dân, các cơ quan và các nhà tài trợ rất khó xác định phải đưa tiền cho những tổ chức nào để giúp sắc dân cần đến.
Cô Cheun hy vọng rằng, thông qua giáo dục, các cơ quan chính quyền sẽ thấy được những khác biết giữa những người Mỹ gốc châu Á, và thay đổi cách thu thập dữ liệu.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu để giúp người Mỹ gốc Campuchia thoát khỏi nghèo túng.