TT – Hãng tin Reuters vừa tung ra bài điều tra lớn cho thấy người Trung Quốc đã thò tay thành công vào ngành công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Craig Healy, giám đốc thực thi pháp luật của Chính phủ Mỹ, trưng ra loại vi mạch được chế tạo “đề kháng với bức xạ” bị tịch thu từ vụ buôn lậu do người Trung Quốc thực hiện – Ảnh: Reuters

Ngày 18-12 (giờ Mỹ), Tòa án Oakland, California bắt đầu tuyên án đối với Hà Triều Huy, một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa, với cáo buộc buôn lậu số lượng lớn vi mạch điện tử dùng cho ngành công nghệ không gian. Hơn ba tháng trước, kỹ sư Hà đã nhận tội buôn lậu và cố ý vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Reuters dẫn lời thẩm phán Wiley Y.Daniel cho biết kỹ sư Hà có thể sẽ đối mặt với mức án từ 46-57 tháng tù giam. Song, vụ án đang làm dấy lên mối nghi ngại Trung Quốc đang đứng sau các phi vụ mua bán, gián điệp ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ, nhằm sao chép những kỹ thuật vũ khí hiện đại để đẩy nhanh việc hiện đại hóa quân đội mà nước này đang thực hiện.

Vị khách hàng tên “Hi vọng”

Ghi nhận từ các tòa án ở Mỹ cho biết trong bốn năm (2005-2008) có 280 vụ buôn lậu vũ khí được phát hiện ở Mỹ. Từ năm 2008, số vụ điều tra kỹ thuật không gian liên quan đến Trung Quốc tăng xấp xỉ 75%. Reuters dẫn lời trợ lý giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ Robert Anderson cho biết càng tìm hiểu sâu vào các vụ này thì càng phát hiện thêm nhiều vụ phải điều tra hơn.

Tháng 5-2011, Công ty Aeroflex ở Colorado nhận được email của một người có tên “Philip Hope” ở Oakland. Trong thư, người này cho biết muốn mua hai loại chip dùng cho công nghệ không gian, tổng cộng 312 con, với số tiền 549.654 USD và chỉ trả một lần. Giá trị đơn hàng quá lớn và cách trả tiền nhanh đã khiến các nhân viên bán hàng của Aeroflex sinh nghi.

Thêm vào đó, khách hàng mua các loại chip này thường là những công ty hoặc tập đoàn có tiếng tăm. Philip Hope và cả công ty dụng cụ điện Sierra đều chưa từng xuất hiện trong danh sách khách hàng quen thuộc của Aeroflex.

Nhân viên của Aeroflex đã liên hệ với Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HIS). Rất nhanh sau đó, các đặc vụ của HIS đã tìm được “Philip Hope”, tức Philip Hà Triều Huy, một kỹ sư người Mỹ gốc Trung Quốc. Công ty Sierra được thành lập từ văn phòng của Hà ở khu phố người Hoa.

Các đặc vụ của HIS kết luận Hà đang thay mặt mua số chip này cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó rất giàu nhưng không có quyền hợp pháp để mua những thứ này từ Mỹ. HIS đặt mối nghi ngờ Tập đoàn khoa học kỹ thuật không gian Trung Quốc có thể đứng sau phi vụ mua bán này. Tập đoàn này điều hành khoảng một nửa các dự án không gian dân sự và quân sự của Trung Quốc. Song, truyền thông Trung Quốc khi đó dẫn lời một quan chức của tập đoàn này ở Thượng Hải đã bác bỏ những nghi ngờ trên.

“Nếu không có ý định sử dụng những loại chip này trong công nghệ vệ tinh lớn thì người ta sẽ không chi ra khoản tiền lớn như vậy để mua chúng” – Reuters dẫn lời ông Alvar Saenz Otero, giám đốc phòng thí nghiệm hệ thống không gian ở Viện kỹ thuật Massachusetts.

Vồ hụt con mồi

Chiến dịch phá vỡ đường dây buôn lậu kỹ thuật vũ khí của Hà thành hình. Các đặc vụ thuộc Bộ Nội vụ Mỹ đã sắp xếp để Công ty Aeroflex chuyển cho Hà số hàng như trong email đặt hàng. Đó là những con chip được thiết kế “đề kháng” phóng xạ không gian, sử dụng chủ yếu trong hoạt động vệ tinh, tên lửa đạn đạo dẫn đường, bảo vệ các phần cứng quân sự tránh hạt nhân và bức xạ mặt trời.

Sau đó, các đặc vụ đột nhập văn phòng của Hà ở khu phố người Hoa vào rạng sáng 4-12-2011. Song, họ phát hiện số chip chuyển từ Colorado đã được Hà chuyển đi. “Hàng loạt thiết bị đã được chuyển về Trung Quốc và tôi chịu trách nhiệm về vụ này” – Reuters dẫn lời ông Greg Slavens, người chịu trách nhiệm theo dõi vụ trên.

Tưởng chừng đã phá vỡ được toàn bộ đường dây buôn lậu nhưng các đặc vụ của Bộ Nội vụ Mỹ đã thất bại trắng tay. Ngay lúc đó, mối quan ngại lớn nhất được đặt ra cho phía Mỹ là nếu như Hà buôn lậu thành công số chip này về Trung Quốc thì một ngày nào đó những loại công cụ này sẽ chống lại những thủy thủ, binh sĩ hoặc phi công của Mỹ. Thậm chí, giới chuyên gia quân sự Mỹ còn cho rằng nếu chúng được triển khai lên các vệ tinh thì chúng sẽ trở thành tai mắt cho quân đội Trung Quốc.

Lần lại thông tin, các nhà điều tra phác thảo lại đường đi của số hàng. Trước đó, Hà từng cùng một đồng phạm Mexico đã đánh lô hàng đầu tiên về Trung Quốc bằng cách chuyển từ Mỹ qua Mexico City rồi về Thượng Hải. Tháng 12-2011, Hà chuẩn bị xuất lô thứ hai gồm 200 chip SRAM, loại chuyên biệt cho công nghiệp hàng không, được thiết kế “đề kháng” phóng xạ không gian, một kỹ thuật mà Trung Quốc chưa có được. Ngày 11-12, Hà lái xe đến cảng Long Beach, bên trong cốp xe là năm thùng giấy niêm phong kỹ, đề “sữa bột trẻ em” bằng tiếng Hoa và an toàn đưa số hàng này ra khỏi biên giới Mỹ.

Mối đe dọa trước mắt

Các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang thâm nhập ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ theo nhiều đường khác nhau, không chỉ nhắm vào các vũ khí sát thương thông thường mà còn tìm đến những kỹ thuật nguy hiểm nhất. Báo cáo của Ủy ban cố vấn Lầu Năm Góc cho biết tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập kế hoạch của hàng chục hệ thống vũ khí của Mỹ.

Song, kỹ thuật vi mạch kháng bức xạ bị buôn lậu ra khỏi nước Mỹ như trường hợp của Hà cho thấy quân đội Mỹ đang đối mặt với một thử thách rất lớn. Giả thiết đặt ra nếu Trung Quốc ăn cắp được một bản thiết kế vũ khí nhạy cảm thì có thể họ sẽ đốt cháy giai đoạn để sản xuất vũ khí và có thể đưa ra sử dụng ngay lập tức.

Bắc Kinh đang hiện đại hóa quân sự với ngân sách quốc phòng tăng gần 200 tỉ USD. Bộ Quốc phòng Trung Quốc luôn khẳng định nước này chủ yếu tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí. Trung Quốc luôn tuân theo luật pháp của các bên liên quan và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Song Washington chưa bao giờ tin vào điều này.

Các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc thường sao chép kỹ thuật sản xuất vũ khí do Mỹ sản xuất. Họ cho rằng có thể kỹ thuật quân sự của Mỹ đã được chuyển hợp pháp đến các nước thân cận của Washington và sau đó Trung Quốc tìm mọi cách để có được những kỹ thuật này thông qua nước thứ ba.

 Mỹ Loan
khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!