TTO – Ngày 9-10, Mỹ thúc giục các lãnh đạo khối ASEAN và Trung Quốc thảo luận vấn đề tranh chấp biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Brunei.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp chiều 9-10 tại Brunei – Ảnh: Reuters
Theo Reuters, ông Kerry có cuộc đối thoại với lãnh đạo khối ASEAN và có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình tham gia hội nghị lần này.
Các chuyên gia quan ngại việc ông Obama vắng mặt ở sự kiện lần này có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và chính sách tái cân bằng châu Á của nước này.
“Tái cân bằng châu Á là cam kết của chúng tôi. Chúng tôi đến đây để khẳng định điều này và sẽ tiếp tục thực hiện nó trong tương lai” – ông Kerry nói với lãnh đạo khối ASEAN.
Cũng theo Reuters, Trung Quốc không muốn đối thoại về vấn đề chủ quyền cùng lúc với 10 quốc gia Đông Nam Á. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ đồng ý đàm phán với từng nước một.
Hãng tin Mỹ tiết lộ rằng Nhà Trắng khẳng định mình ở vị trí trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhưng nước này gây áp lực cho Trung Quốc và các nước có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh kết thúc tranh chấp thông qua đối thoại.
Ông Kerry nhấn mạnh vai trò của Mỹ là “một nước đấu tranh cho an ninh và hòa bình khu vực và ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp, tự do hàng hải và thương mại” – một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ.
Dù Trung Quốc đồng ý hội đàm với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng một số nhà ngoại giao và phân tích bình luận rằng Trung Quốc có thể tham gia cuộc đối thoại này mà không đưa ra bất kỳ cam kết thật sự nào vì Bắc Kinh muốn kéo dài cuộc đối thoại để có thời gian củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết các cuộc đối thoại COC tại thành phố Tô Châu tháng trước là thành công và Trung Quốc sẽ dựa theo đó mà làm. Nhưng ông Cường không đưa ra chi tiết cụ thể.
“Chúng tôi luôn nhất trí rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nên được giải quyết theo cách trực tiếp và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại và đàm phán” – ông Cường nói. Song ông Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ giữ vững lập trường bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Manila có tham gia đàm phán COC nhưng khiến Trung Quốc tức giận khi đưa vụ tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp trong việc bảo đảm nền kinh tế sung túc của khu vực trong một bài diễn văn ngày 9-10. “Sự phát triển của khu vực (ASEAN) sẽ không được nhìn nhận trong một môi trường quốc tế nơi mà luật pháp không tồn tại” – ông Aquino nói.