Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói rằng hành động này của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Bà Psaki nói “Việc thông qua những hạn chế này đối với hoạt động ngư nghiệp của các nước khác trong những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông là một hành động có tính chất khiêu khích và có thể gây nguy hiểm.”
Trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, phản bác những phát biểu của Washington.
Bà nói “Chúng tôi bày tỏ sự thất vọng và chống đối đối với những phát biểu liên hệ của Hoa Kỳ mà quí vị vừa nói tới.
Mọi người ai nấy đều biết Trung Quốc là một nước bao quanh bởi đất liền và biển, có một bờ biển dài và có rất nhiều hải đảo. Dựa theo luật pháp quốc tế và các công ước quốc tế, cùng với luật lệ và qui định của quốc gia, chính phủ Trung Quốc có quyền và bổn phận quản lý các hải đảo liên hệ cũng như các tài nguyên phi sinh học.”
Theo những qui định mới, do chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ban hành, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép giới hữu trách Trung Quốc trước khi đi vào vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.
Những qui định mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014, áp dụng cho gần 2/3 diện tích 3 triệu rưỡi cây số vuông của Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Trong một thông cáo công bố hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng những diễn tiến mới này “làm leo thang căng thẳng, làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp một cách không cần thiết và đe dọa tới hòa bình và ổn định của khu vực.”
Việt Nam cũng phản ứng trước hành động của Trung Quốc bằng cách tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với vùng biển có nhiều tài nguyên này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm thứ Năm tuyên bố Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tất cả những hoạt động của nước ngoài không có sự chấp thuận của Việt Nam trong khu vực này đều là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Vụ tranh cãi về các qui định mới của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa xảy ra tiếp theo sau việc Bắc Kinh tuyên bố thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không mới trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Vùng nhận dạng phòng không đó đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.
Giờ đây các nhà phân tích đang tranh luận với nhau về vấn đề là trong thời gian tới đây Trung Quốc có tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không mới ở Biển Nam Trung Hoa hay không.