Từ đầu tuần đến nay, giá mua USD của các ngân hàng liên tục tăng nhanh. Diễn biến giá mua bằng với giá bán xuất hiện trở lại sau nhiều năm.
Nhu cầu mua USD của các ngân hàng đang tăng – Ảnh: Đ.N.Thạch
Mua – bán bằng nhau
Ngày 14.6, giá mua USD mặt và chuyển khoản trong các ngân hàng (NH) thương mại cổ phần lớn tiếp tục tăng thêm 1 – 5 đồng/USD so với ngày 13.6, chênh lệch giữa giá mua và bán gần như không đáng kể hoặc bằng nhau. Giá mua USD mặt và mua chuyển khoản tại Vietcombank lên 21.035 – 21.035 đồng/USD. Eximbank công bố mức giá mua chuyển khoản ở mức kịch trần 21.036 đồng/USD, bằng với giá bán. Tại Vietinbank giá mua tiền mặt và chuyển khoản cùng là 21.030 – 21.030 đồng/USD…
Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc (TGĐ) Eximbank, hiện nay Eximbank vẫn đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Giá USD trong NH tăng là do lãi suất (LS) liên NH hiện nay đang thấp, khoảng 1,5 – 2%/năm. Chính vì vậy các NH chuyển qua mua ngoại tệ bởi trước đó đã âm trạng thái, khi LS cao, nhiều NH bán USD để lấy tiền đồng và khi LS thấp thì mua USD lại.
Lãnh đạo ngân hàng A. cho rằng nguồn cung – cầu USD hiện nay “có chênh lệch một chút”, một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu có nguồn USD muốn tăng giá bán khiến giá mua USD tăng lên. Tuy nhiên, ngân hàng A. vẫn có nguồn USD đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, NHNN đã tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 20.950 đồng/USD lên kịch trần là 21.036 đồng/USD. Con số nhập siêu trong tháng 5 đã tăng khá mạnh, khoảng 1,2 tỉ USD, đẩy mức nhập siêu của 5 tháng đầu năm lên 1,9 tỉ USD.
TGĐ một NH cổ phần lớn cho hay, ngoài tình hình nhập siêu tăng, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cũng là tác nhân gây nên sự tăng giá USD. Hơn nữa, lượng USD mua được từ người dân đã giảm. Trước đây, LS gửi tiết kiệm tiền đồng cao hơn LS gửi USD khá nhiều nên người có USD có xu hướng bán cho NH để gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Nay chênh lệch giữa LS huy động USD và tiền đồng không còn cao như trước, xu hướng dịch chuyển từ tiền đồng sang USD đã manh nha trở lại, người dân mua USD gửi tiết kiệm tăng lên.
“Không biến động nhiều”
Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 giá USD trong NH tăng cao. Những lần trước, giá USD tăng rồi giảm nhanh sau đó. Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là liệu có tạo thành xu hướng?
Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN giữ ổn định tỷ giá bình quân liên NH ở mức 20.828 đồng/USD. Tỷ giá được giữ trong vòng 18 tháng liên tục khiến thị trường đưa ra nhiều dự báo rằng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới. Lãnh đạo ngân hàng A. từ chối dự báo tình hình giá USD trong thời gian tới sẽ còn tăng nữa hay không vì theo ông “rất khó dự báo được cung – cầu của thị trường”. Một số lãnh đạo NH khác cho rằng giá USD tăng hay không trong thời gian tới phụ thuộc vào việc NHNN có bán USD ra thị trường hay không.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nói: “Thời điểm này NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá USD bởi đã giữ ổn định hơn 18 tháng qua. Hơn nữa nguồn dự trữ USD đã tăng nhiều và gần đây còn tuyên bố mua vàng dự trữ. Sự tăng giá USD hiện nay chưa phải là một xu hướng. Xét về góc độ kinh tế vĩ mô, tôi chưa thấy có dấu hiệu hay áp lực gì rõ nét để tăng giá USD”.
Ông Trương Văn Phước nhận định: “Tín dụng trong hệ thống NH chưa tăng lên chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu của DN không cao, do đó áp lực đối với tỷ giá là không nhiều. Hơn nữa NHNN duy trì tỷ giá bình quân liên NH ổn định thì không có lý do gì NH thương mại lại tăng giá USD. Dù rằng Thống đốc NHNN đã tuyên bố tỷ giá năm 2013 tăng không quá 2% nhưng với thực tế cung – cầu ngoại tệ, mặt bằng LS USD và VND như hiện nay thì tỷ giá sẽ không biến động nhiều”.
Thanh Xuân