CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga đã gắn bó với nhau nhiều năm bởi truyền thống hữu nghị và hợp tác.
Trung tâm số 2 – mỏ Bạch Hổ thuộc Liên doanh Vietsovpetro – Ảnh: Thanh Hải
Hai nước đã đưa mối quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược vào năm 2001. Năm 2012, mối quan hệ này lại được nâng lên một tầm cao mới – quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong các nước châu Á, Tổng thống Nga cũng đề cao Việt Nam như một đối tác tin cậy và nhiều triển vọng.
Mức độ tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức cao; đối thoại song phương được củng cố và mở rộng; quan hệ giữa các địa phương hai nước cũng ngày càng phát triển, những trao đổi theo đường ngoại giao nhân dân cũng diễn ra thường xuyên. Việt Nam và Liên bang (LB) Nga hợp tác chặt chẽ với nhau trên trường quốc tế, đồng nhất quan điểm trong những diễn đàn tại Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), tại ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận việc hai bên cần tiếp tục khai thác hết tiềm năng trong quan hệ thương mại. Tổng kim ngạch ngoại thương hai chiều năm 2001 là 500 triệu USD. Năm vừa qua con số này lên đến hơn 3,6 tỉ USD. Vấn đề nâng cao hiệu quả thương mại giữa đôi bên đã được thỏa thuận một cách tổng thể trong chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tháng 7.2012. Theo kết quả của chuyến đi này, lãnh đạo hai nhà nước đã thỏa thuận sẽ tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 7 tỉ USD tới năm 2015 và đạt mức 10 tỉ USD vào năm 2020. Bước đột phá nữa trong thương mại có thể gắn liền với việc hình thành khu vực tự do thương mại với Liên minh hải quan bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan sau vài năm nữa. Mặt khác, đầu tư của Việt Nam vào Nga từ 100 triệu USD năm 2008 tăng lên đến 1,7 tỉ USD năm 2013. Việt Nam đang thực hiện 16 dự án trên lãnh thổ LB Nga: đó là khai thác dầu mỏ và khí đốt, lĩnh vực ngân hàng, thương mại. Trong hợp tác đầu tư với Việt Nam về phía Nga chủ yếu là các tập đoàn nhà nước lớn, do đó sẽ đảm bảo duy trì thế cân bằng trong đầu tư vào các tổ hợp năng lượng – nhiên liệu so với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Nga trở thành đối tác chính của Việt Nam trong phát triển năng lượng nguyên tử, tham gia xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Đối tác của Việt Nam thực hiện dự án của thế kỷ 21 này là Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia (Rosatom). Việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại Việt Nam sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng của phía Nga và sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất của Nga.
Năng lượng là một trong những lĩnh vực chính của hợp tác đầu tư. Dưới sự trợ giúp công nghệ của Liên Xô và sau khi Liên Xô tan rã là Nga, tại Việt Nam đã xây dựng và hiện đại hóa những công trình năng lượng chính: nhà máy thủy điện và nhiệt điện Sesan-3, PleiKrông, A Vương, Buôn Kuốp, Uông Bí. Lĩnh vực được ưu tiên sau năng lượng là hợp tác khai thác dầu khí. Cho đến nay, dù có cạnh tranh gay gắt Nga vẫn giữ vị trí hàng đầu trong khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam Việt Nam. Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro từ năm 1981 là công ty dầu khí lớn nhất trong số các công ty liên doanh của Nga ở nước ngoài. Hiện nay công ty con của Vietsovpetro là Rusvietpetro đang tiến hành khai thác dầu tại vùng tự trị Nenetskiy.
Việt Nam đề nghị Nga nghiên cứu khả năng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình
Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok năm 2012, Chủ tịch nước Việt Nam đã đề nghị các địa phương của Nga lưu ý đến sự tham gia của Việt Nam vào các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển Viễn Đông đến năm 2020: trong lĩnh vực vận tải, công nghiệp sản xuất hàng hóa, thu hút lao động Việt Nam. Việt Nam nằm trong số 6 quốc gia hàng đầu về đóng tàu và có thể tham gia tích cực vào việc hiện đại hóa và phát triển ngành tàu biển dân dụng tại vùng Viễn Đông LB Nga.
Việt Nam và Nga hợp tác thành công trong lĩnh vực nhân văn, hợp tác ngày càng được mở rộng trong các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo cán bộ chuyên nghiệp, khoa học và công nghệ. Ngành du lịch phát triển rất nhanh. Năm 2010 có 82.000 người Nga đến Việt Nam; đến năm 2012 số người Nga đến du lịch Việt Nam đã vượt quá 170.000 người và 9 tháng đầu năm 2013 đã hơn 200.000 người.
Trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam lần này, chắc chắn đôi bên sẽ thảo luận các vấn đề quan trọng không chỉ về hợp tác kinh tế mà còn là vấn đề an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác về công nghiệp, công nghệ và đầu tư, về kỹ thuật quân sự, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học… Kết quả tốt đẹp từ những thảo luận này sẽ là động lực mới và mạnh mẽ cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Quyết Thắng