TT – Dư âm từ thất bại trong việc gây sức ép “đóng cửa” với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiếp tục khiến nội bộ phe Cộng hòa rạn nứt sâu. Nhiều lãnh đạo bên Cộng hòa thừa nhận không muốn mắc lại sai lầm khiến uy tín của đảng giảm sút nặng nề.
Tổng thống Obama lại diễn thuyết tại Nhà Trắng hôm 21-10 bảo vệ chương trình y tế Obamacare. Bên cạnh ông là những người được thừa hưởng lợi ích từ chương trình này – Ảnh: Reuters
Đổ lỗi cho nhau
Một tuần sau thất bại ê chề, các lãnh đạo đảng Cộng hòa cam kết sẽ không xài lại chiến lược mạo hiểm để gây sức ép đóng cửa chính quyền. Thượng nghị sĩ (TNS) Mitch McConnell – lãnh đạo phe thiểu số tại thượng viện – thừa nhận trên kênh CBS hôm 21-10 rằng “nhiều người trong chúng tôi, từ hồi tháng 7-2013, đã nói rằng chiến lược này không thể và sẽ không hiệu quả. Kỳ thực là nó đã không hiệu quả”. Ông tuyên bố việc đóng cửa chính phủ sẽ không tái diễn. TNS McConnell là một nhân vật chủ chốt trong cuộc thương lượng mở cửa lại chính phủ và tránh vỡ nợ.
Một số thành viên Cộng hòa thậm chí tin rằng vẫn còn cách giải quyết tích cực hơn. TNS John McCain nói trên CNN: “Điều chúng ta cần làm là tiếp tục với cải cách nhập cư, lập một lộ trình tích cực hơn cho nước Mỹ, tiếp tục cuộc chiến chống chính sách Obamacare, giảm thuế…”. Vị TNS lão luyện này còn công kích: “Ông Ted Cruz có thể dùng quyền của một TNS, nhưng (một vụ đóng cửa chính phủ) sẽ không xảy ra”. Nghị sĩ Cộng hòa khác là Lindsey Graham thậm chí kêu gọi phớt lờ TNS Cruz, người đã gây quá nhiều sóng gió trong thời gian qua.
Tuy nhiên, TNS Cruz của bang Texas cương quyết làm mọi cách “để ngăn đoàn tàu trật bánh” vì Obamacare. Trong bài phát biểu khi trở về Texas ngày 21-10, ông Cruz nhấn mạnh thông điệp rằng người Mỹ đã quá ngán ngẩm với Obamacare và quốc hội. Ông thừa nhận đã gây thù tại Washington nhưng khẳng định không có ý định cải thiện quan hệ với các lãnh đạo Cộng hòa. “Tôi không làm việc cho các sếp ở Washington. Tôi làm việc cho 26 triệu người Texas” – ông Cruz nói với đám đông người ủng hộ ông.
Ông tiếp tục chỉ trích những thành viên Cộng hòa ở thượng viện đã không “đoàn kết với nhóm Cộng hòa hạ viện”. “Chúng ta đã không thắng. Nhưng khi khởi đầu cuộc chiến không ai nghĩ rằng nó sẽ dễ dàng cả” – ông nói. Thỏa thuận chấm dứt đóng cửa chính phủ và nâng trần nợ được thông qua ở hạ viện với 87 thành viên Cộng hòa tham gia bỏ phiếu thuận cùng 197 thành viên Dân chủ, trong khi 114 thành viên nghị sĩ Cộng hòa còn lại bỏ phiếu chống.
Nhiều nghị sĩ của hai đảng tại Mỹ trong khi đó cảnh báo rằng những rủi ro chính trị như vậy đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế. Giới phân tích ước đoán vụ đóng cửa chính phủ làm kinh tế Mỹ thiệt hại 24 tỉ USD. “Chuyện này không thể xảy ra nữa – Bộ trưởng tài chính Jack Lew nhấn mạnh – Nó hơi đáng sợ bởi đã tiến sát đến mép vực”.
Người Mỹ bất mãn với Cộng hòa
Những cuộc đấu tranh chính trị căng thẳng từng giây phút mấy tuần qua đã làm hình ảnh đảng Cộng hòa tuột dốc nghiêm trọng trong lòng người Mỹ. Kết quả thăm dò trên toàn nước Mỹ của truyền hình CNN/ORC International công bố ngày 21-10 cho thấy 74% người dân thất vọng và bất mãn với đảng Cộng hòa và cho rằng các nghị sĩ đảng này không xứng đáng được bầu lại. Tỉ lệ này bỏ xa kết quả kỷ lục của năm 1996.
Trong gần 1.000 người được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại, có tới 63% cho rằng Chủ tịch hạ viện thuộc đảng Cộng hòa John Boehner cần bị thay thế ngay lập tức. Có 54% cho rằng cuộc đấu đá phe phái dẫn tới việc chính phủ liên bang phải đóng cửa 16 ngày là một dấu hiệu xấu cho nước Mỹ và phe Cộng hòa nắm giữ hạ viện phải chịu trách nhiệm về điều này.
Tuy nhiên, tỉ lệ ủng hộ phe Dân chủ và Tổng thống Obama cũng bị ảnh hưởng mạnh. Thăm dò của CNN cho thấy 54% ý kiến không muốn nhìn thấy các nghị sĩ Dân chủ tái đắc cử nhiệm kỳ nữa. Còn kết quả thăm dò cuối tuần qua của Pew Research cho biết tỉ lệ ủng hộ ông Obama chỉ có 43% và 31% dành cho các nghị sĩ lãnh đạo của đảng Dân chủ. Đây là mức ủng hộ thấp kỷ lục đối với tổng thống, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Trần Phương
Chương trình vũ khí sẽ đình trệ vì thiếu tiền
Bộ trưởng lục quân Mỹ John McHugh ngày 21-10 thừa nhận việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của nước này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển một dòng xe chiến đấu mặt đất mới và hầu hết các chương trình vũ khí khác. Theo Reuters, một số chương trình quốc phòng đang phát triển của Mỹ có nguy cơ bị hoãn 4-5 năm hoặc hủy bỏ. Ông McHugh cho biết quân đội sẽ ưu tiên phát triển dòng xe chiến đấu mới, cải thiện mạng lưới máy tính và thông tin liên lạc của quân đội. Bên cạnh đó các quan chức cấp cao trong quân đội cũng cố gắng bảo vệ các khoản đầu tư vào các chương trình nhằm mục đích phát triển vũ khí mới. Bộ Quốc phòng Mỹ đang đối mặt với nguy cơ ngân sách bị cắt giảm thêm 21 tỉ USD trong năm tới, nếu quốc hội và Nhà Trắng không đạt được một thỏa thuận về thuế và chi tiêu, theo đó chương trình cắt giảm chi tiêu tự động sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 3-2014. Anh Thư |