TT – Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim hôm 12-10 cảnh báo về “thời khắc rất nguy hiểm” khi trần nợ bị chạm và nước Mỹ có thể rơi vào vỡ nợ. Theo ông: “Càng gần tới thời hạn, ảnh hưởng với thế giới càng lớn”.

Các thượng nghị sĩ phe Dân chủ tại cuộc họp báo hôm 12-10. Sự cứng rắn của phe Cộng hòa đang đẩy Chính phủ Mỹ tới nguy cơ vỡ nợ – Ảnh: AFP

Dưới đây là một số giải thích cơ bản về chuyện vỡ nợ của Chính phủ Mỹ.

Chính phủ Mỹ vỡ nợ là sao?

Có thể in tiền để trả nợ?

Không. Cục Dự trữ liên bang Mỹ, nơi chịu trách nhiệm in tiền, là cơ quan độc lập với chính phủ. Chính phủ chỉ chi tiêu bằng tiền thuế và vay tiền.

Do chi tiêu luôn vượt nguồn thu, do vậy Chính phủ Mỹ thường xuyên phải đi vay thông qua phát hành trái phiếu Treasurys. Tuy nhiên, khoản vay này bị khống chế bởi mức trần. Một khi đã vay đụng trần nợ mà vẫn không đủ để chi tiêu, nhất là trả nợ gốc đến hạn và lãi, khi đó Chính phủ Mỹ rơi vào vỡ nợ.

Quy định về trần nợ được quy định từ năm 1917 và kể từ năm 1962 tới nay Quốc hội Mỹ đã tăng trần nợ 77 lần. Trần nợ Mỹ hiện tại là 16,7 ngàn tỉ USD. Theo Bộ trưởng tài chính Jacob Lew, chính phủ khó có thể chi trả thêm kể từ ngày 17-10. Khi đó, chính phủ chỉ dựa vào tiền mặt có trong tay (khoảng 30 tỉ USD) và tiền thuế để trả tiền. Theo ông Lew, chi tiêu hằng ngày của Chính phủ Mỹ có thể lên tới 60 tỉ USD/ngày.

Chính phủ có thể bị kiện

Thực tế Chính phủ Mỹ không vỡ nợ ngay lập tức. Vỡ nợ xảy ra nếu chính phủ không thể thực hiện được chi trả nợ gốc (principal payment) hay không trả được tiền lãi của trái phiếu Treasurys. Chính phủ Mỹ sẽ phải trả một khoản lãi 6 tỉ USD vào ngày 31-10.

Nhiều chuyên gia cho rằng để tránh vỡ nợ, Bộ Tài chính Mỹ nên ưu tiên việc trả nợ. Nhưng thực tế việc ưu tiên rất khó vì mỗi tháng Bộ Tài chính Mỹ phải thực hiện khoảng 100 triệu giao dịch thanh toán và hầu hết đều được thực hiện tự động. Quan chức Bộ Tài chính Mỹ từng tính đến phương án tối ưu hóa việc chi trả nhưng sau đó kết luận: “Không có cách hợp lý nào để chọn giữa vô số khoản chi phải trả hằng ngày”. Việc không có tiền dự trữ thì chỉ cần một chút sự cố (trong thanh toán) sẽ khiến Bộ Tài chính không thể trả nợ và rơi vào vỡ nợ.

Và cho dù chính phủ có thể duy trì trả nợ, ngân sách Mỹ sẽ không thể chi trả các khoản khác như: tiền an sinh xã hội, lương của nhân viên liên bang hay tiền trả cho các đối tác thực hiện các dự án của chính phủ.

Ngoài ra còn cả các thách thức về pháp lý và chính trị. Về mặt luật, chính phủ có nghĩa vụ trả tiền các đối tác. Không thực hiện điều này, các đối tác có quyền kiện Chính phủ Mỹ.

Mỹ có thể làm gì khác?

Bộ Tài chính Mỹ có thể tập trung trả phần lãi các khoản nợ trước, rồi tạm hoãn tất cả khoản chi khác cho đến khi tiền thuế đủ để trả. Điều đó có thể tránh được những phức tạp trong chuyện chi trả nhưng sẽ dẫn tới các khoản chi trả khác bị đình hoãn. Ví dụ: khoản chi cho phúc lợi xã hội trị giá 12 tỉ USD sẽ phải trả vào ngày 23-10 sẽ bị hoãn tới hai ngày. Khoản hoàn thuế ngày 24-10 cũng sẽ buộc phải trì hoãn tới 28-10. Rồi đến ngày 1-11, gần 60 tỉ USD tiền phúc lợi xã hội, tiền medicare (phúc lợi y tế) và tiền lương cho quân nhân phải trả. Nếu không tăng trần nợ, các khoản chi quan trọng này sẽ buộc phải đình lại có thể tới hai tuần.

Tác động kinh tế của việc vỡ nợ?

Nhiều người coi đó là ác mộng. Khi không thể vay thêm, chính phủ buộc chỉ chi tiền trong khoản thu từ thuế và phí. Điều này tương đương việc chính phủ cắt giảm chi tiêu 32% ngay tức khắc. Nếu trần nợ không được nâng lên trong suốt tháng 11, Goldman Sachs tính số cắt giảm ngân sách tương đương sẽ là 175 tỉ USD (phe Dân chủ và Cộng hòa từng tranh cãi nảy lửa với mức cắt 1.000 tỉ USD trong 10 năm, tức xấp xỉ 100 tỉ USD/năm). Hơn thế, thị trường chứng khoán chắc chắn bị ảnh hưởng – điều sẽ làm giảm tài sản của người dân. Lòng tin khách hàng sụt giảm, người Mỹ cắt giảm chi tiêu. Lãi suất trái phiếu tăng sẽ dẫn tới việc tăng các lãi suất khác.

Thị trường tín dụng xáo trộn

Ảnh hưởng việc chính phủ vỡ nợ sẽ tác động lên nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Các ngân hàng của Mỹ và quốc tế thường ký quỹ bằng trái phiếu Treasurys mỗi khi mượn tiền nhau. Giờ nếu Treasurys không còn là “phi rủi ro,” sẽ làm xáo trộn thị trường tín dụng và mượn tiền. Một cuộc khủng hoảng kiểu năm 2008 hoàn toàn có thể xảy ra. Các ngân hàng giữ nhiều Treasurys, giá trị của họ có thể sụt giảm sau khi Chính phủ Mỹ vỡ nợ, các ngân hàng vì vậy sẽ phải cắt giảm việc cho vay.

Anh Nguyễn  (Theo AP, AFP)

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!