Các quyết định về công chi và thuế khóa phải đợi đến phút chót đã dẫn đến việc mất công ăn việc làm
Công ty khảo cứu Cố vấn Kinh tế Vĩ mô nói rằng sự bất định trong chính sách tài chính và mức chi của giới tiêu thụ giảm thiểu đã gây thiệt hại hàng năm cho nến kinh tế Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tỷ lệ 1% tăng trưởng kinh tế kể từ cuối năm 2009.
Bản phúc trình nói mức công chi giảm thiểu tối đa và các quyết định về thuế khóa đã gây hậu quả là mất đi 2 triệu công ăn việc làm và đẩy tỷ lệ thất nghiệp Hoa Kỳ lên mức 0,6% cao hơn mức thường lệ.
Tuy tỷ lệ này đã giảm dần, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn còn ở mức cao 7,3% trong khi nền kinh tế Mỹ chật vật lấy lại sức mạnh từ những mức thấp của cuộc suy thoái kinh tế tệ hại nhất kể từ thập niên 1930.
Tác giả bản phúc trình là kinh tế gia Joel Prakken, nói với đài VOA rằng vụ xung đột kéo dài ở Washingtyon về vài trò của chính phủ trong đời sống Mỹ đã dẫn tới những tranh chấp liên tục về lập pháp có liên quan đến các chính sách công chi và thuế khóa.
Ông Prakken giải thích: “Có hiện tượng tranh chấp ở Washington về viễn ảnh dài hạn hơn của vai trò chính phủ trong xã hội Mỹ. Và bởi lẽ không thể đạt được một thỏa thuận về quan điểm lâu dài đó, chúng ta rơi vào tình trạng thiếu trọng điểm về một chính sách tài chính ngắn hạn vì sự cần thiết trên cơ sở thường xuyên phải tái chuẩn chi các ngân khoản cho phần không bắt buộc trong ngân sách liên bang.”
Tổng thống Barack Obama, một đảng viên Dân chủ, và các đối thủ Cộng Hoà tại Quốc Hội đang phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng tài chính song song vào lúc này. Họ đang tìm cách đạt được một thỏa thuận về việc chấm dứt việc chính phủ đóng cửa một phần đã kéo dài 15 ngày và tăng mức trần nợ 16,7 ngàn tỷ đôla trước ngày thứ năm để Hoa Kỳ tránh khỏi tình trạng không hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình.
Ông Prakken nói việc chính phủ đóng cửa đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ 0,3% tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm và việc không tăng mức trần nợ có thể gây thiệt hại khủng khiếp. Ông nói việc vỡ nợ ngắn hạn sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 8,5% và là mất đi 2,5 triệu công ăn việc làm trong khi việc không trả được nợ lâu hơn còn có thể sẽ tệ hại hơn thế.
Ông cho rằng không ai có thể biết chắc điều gì có thể xảy ra nêu Hoa Kỳ trải qua tình trạng không trả được nợ ở quy mô lớn, ngoài việc nền kinh tế thế giới và các thị trường tài chính có thể rơi vào tình trạng rối loạn. Ông nói:
“Ðó là một tình huống đáng sợ, một tình huống mà chúng ta không muốn thực sự trải qua. Ðúng là các hậu quả và những ước tính loại này đều mang tính ước đoán, nhưng chúng ta không muốn chứng kiến.”
Vụ tranh chấp hiện nay tại Washington về các ưu tiên công chi và gia tăng giới hạn vay nợ của Hoa Kỳ tiếp theo một vụ tranh chấp về mức trần nợ hồi tháng 8 năm 2011 đã kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế khi đó và khiến cho một công ty dịch vụ tài chính hạ thấp điểm tín dụng của Hoa Kỳ.
Vào cuối năm ngoái, ông Obama và Quốc Hội cũng lâm vào một cuộc tranh chấp kéo dài về mức thuế được giải quyết vào phút chót với việc tăng thuế đánh vào những người Mỹ giàu có nhất.