Các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh đối phó với biểu tình hôm qua bắt đầu được triển khai tại Thái Lan sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ.
Làn sóng biểu tình ở Bangkok khiến chính phủ Thái Lan phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 60 ngày. Ảnh: BBC
Chalerm Yoobamrung, Bộ trưởng Lao động Thái Lan đồng thời là người đứng đầu Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO), cho biết người dân nước này không được tụ tập từ 5 người trở lên ở các khu vực cấm do CMPO quy định, trừ các cuộc biểu tình và bầu cử hợp pháp. Bất kỳ hành động gây rối loạn an ninh đều bị cấm.
Sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ đồng thời ra lệnh cấm đăng tải tin tức và phân phát các loại báo hay ấn phẩm có thể gây hoảng loạn trong dân chúng, hoặc bóp méo thông tin về tình trạng khẩn cấp gây ảnh hưởng đến hòa bình và trật tự cũng như thuần phong mỹ tục.
Xinhua cho hay, việc sử dụng các phương tiện giao thông và lưu thông trên các tuyến đường, các tòa nhà và các khu vực nhất định sẽ bị cấm theo chỉ thị của CMPO. Người dân phải sơ tán đến các địa điểm khác để đảm bảo an toàn và không được đi vào các khu vực cấm.
Theo ông Charlerm, CMPO sẽ ấn định một khung thời gian để thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh ở Thái Lan, đồng thời đưa ra các tiêu chí về chuẩn mực dành cho các nhân viên an ninh thực thi lệnh tình trạng khẩn cấp này nhằm giảm thiểu các tác động đến người dân.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm 22/1 ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và khu vực lân cận trong 60 ngày, để đối phó với các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính phủ. Hơn 500 người Thái Lan hôm qua biểu tình tấn công trụ sở cảnh sát sau khi chính phủ ban bố lệnh này.