Hơi nước được nhìn thấy bốc lên từ cơ sở hạt nhân Yongbyon của Bắc Hàn, cho thấy lò phản ứng tại đây có thể đã được khởi động trở lại, một viện nghiên cứu Mỹ cho biết.
Màu và độ dày của cột khói là tín hiệu cho thấy lò phản ứng hạt nhân có thể đang hoạt động hoặc sắp sửa hoạt động, viện nghiên cứu này nói thêm.
Bình Nhưỡng đã tuyên bố sẽ tái khởi động các cơ sở tại Yongbyon vào tháng Tư, trong bối cảnh căng thẳng lên cao trong khu vực.
Lò phản ứng này có thể sản xuất chất plutonium, vốn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Giới phân tích cho rằng Bắc Hàn hiện đã sở hữu khoảng bốn đến 10 đầu đạn hạt nhân, dựa trên lượng plutonium được sản xuất tại lò phản ứng ở Yongbyon trước khi cơ sở này bị đóng cửa giữa năm 2007.
Công cụ mặc cả
Bản báo cáo, được đăng tải trên trang web 38 North vào ngày 11/9, do Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ-Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins thực hiện. Viện nghiên cứu này chuyên sử dụng hình ảnh chụp từ vệ tinh để theo dõi tình hình tại Bắc Hàn.
Lò phản ứng sử dụng tua bin hơi nước để sinh ra điện, và hơi nước được thấy trong hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 31/8 là tín hiệu cho thấy hệ thống điện sắp hoạt động trở lại, báo cáo nói.
“Vẫn còn thời gian cho các cuộc đàm phán nhằm dẫn đến việc đóng cửa lò phản ứng.“
Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế
“Lò phản ứng nhìn có vẻ như sẽ hoạt động toàn bộ chỉ trong vài ngày tới, và sau đó có thể sản xuất plutonium,” tác giả bản báo cáo, Jeffrey Lewis, nói với BBC.
“Có vẻ như họ đang tăng lượng vật liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân, và tôi nghĩ điều này giúp họ có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán, điều này cũng làm tình hình trở nên cấp bách hơn,” ông nói thêm.
Lò phản ứng với công suất 5 megawatt có khả năng sản xuất các thanh nhiên liệu dùng để chế biến chất plutonium mà giới chuyên gia cho rằng Bắc Hàn đã sử dụng trong hai cuộc thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006 và 2009.
Bắc Hàn cũng đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào tháng Hai năm nay, nhưng chưa rõ sử dụng chất plutonium hay uranium.
Điện hay bom?
Trong báo cáo hồi tháng 11 năm 2010 sau chuyến đi đến Yongbyon, nhà khoa học người Mỹ Siegfried Hecker nói dựa trên những điều mà ông đã thấy, Bắc Hàn có thể “tái kích hoạt các hoạt động sản xuất plutonium trong vòng khoảng sáu tháng” tại Yongbyon, sau đó dừng lại, nếu muốn.
Giới chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế cho rằng Bắc Hàn sẽ cần khá nhiều thời gian mới có thể dùng plutonium vào vũ khí hạt nhân.
“Bắc Hàn sẽ cần khoảng 2-3 năm trước khi các thanh nhiên liệu bức xạ chứa plutonium được đưa ra khỏi lò, và cần 12 tháng để tách rời chất plutonium.”
“Vẫn còn thời gian cho các cuộc đàm phán nhằm dẫn đến việc đóng cửa lò phản ứng trước khi Bắc Hàn có thể sử dụng chất plutonium mới sản xuất để chế tạo vũ khí hóa học,” viện nghiên cứu này nhận xét trong bản báo cáo.
Giới phân tích cho biết lò phản ứng này có thể sản xuất 6 kg plutonium một năm, đủ để dùng cho hai quả bom hạt nhân, phóng viên BBC tại Seoul, Lucy Williamson, cho biết.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn đã từ chối đưa ra bình luận trực tiếp về báo cáo này, với lý do không bình luận về các vấn đề tình báo, hãng thông tấn AP cho hay.
Bắc Hàn đã đóng cửa lò phản ứng Yongbyon từ tháng 7 năm 2007 trong một thỏa thuận giải trừ hạt nhân để đổi lại tiền viện trợ từ quốc tế.
Tháp làm lạnh của cơ sở này sau đó đã bị phá hủy, tuy nhiên thỏa thuận giải trừ hạt nhân sau đó bị bế tắc, một phần vì Hoa Kỳ không tin rằng Bình Nhưỡng đã công bố hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của nước này.
Theo BBC