Những gia đình phải chuyển chỗ ở đang đứng chờ ở căn cứ của Liên Hiệp Quốc gần sân bay quốc tế Juba

Vào lúc Liên Hiệp Quốc có hành động điều thêm binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan, những người chứng kiến nói rằng nước này đang rơi vào cảnh nội chiến. Có mặt ở thủ đô Juba trong tuần này, thông tín viên VOA Hannah McNeish tường trình rằng xung đột chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu tổng thống đã vạch trần các căng thẳng sắc tộc có thể gây xâu xé quốc gia mới nhất này của thế giới.

Cảnh hỗn loạn ở Nam Sudan hiện rõ ở phi trường thủ đô Juba, nơi chỉ có chỗ để đứng trong lúc mọi người xô đẩy nhau tìm cách kiếm được một chiếc ghế trên máy bay đi ra khỏi nước.

Ngoài đường phố mọi sự yên tĩnh, nhưng cách một căn cứ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc vài trăm mét, 10.000 nguời đang tránh né bạo động bắt đầu chỉ mới 10 ngày trước nhưng đã lan tràn ra khắp nước như một chứng bệnh ung thư.

Ðối với anh Bang Teny, điều khởi sự là một cuộc đấu tranh chính trị ở quốc gia mới mẻ nhất thế giới này đã biến thành một cuộc nội chiến khác, trong một đất nước vừa mới giương quốc kỳ lên chỉ cách đây hai năm sau mấy chục năm chiến đấu với Sudan.

Cốt lõi của cuộc tranh đấu là sự đối đầu giữa hai nhóm sắc tộc chính trong nước là Dinka và Nuer. Bạo động lan tràn từ đội cảnh vệ của tổng thống qua nhiều đơn vị quân đội. Chẳng bao lâu, những người mang súng bắt đầu nhắm mục tiêu vào thường dân chia rẽ về bộ tộc. Anh Bang nói:

“Có một vụ việc mà tất cả chúng ta đều biết, và vì bất cứ lý do nào, nó không bắt nguồn từ các đảng phái chính trị, mà là từ sự kiện anh là ai, dựa trên bộ tộc của anh. Tôi đến doanh trại Liên Hiệp Quốc này cách đây hai tiếng đồng hồ, vì lo ngại cho sinh mạng của tôi. Tôi biết nhiều người bạn đã bị bắt vì bộ tộc của mình, và một khi bị bắt đi, người ta sẽ không bao giờ nhìn thấy họ nữa.”

Anh Bang là người nửa Dinka, nửa Nuer, nhưng nói rằng vết sẹo đánh dấu người Nuer còn hằn trên trán anh – bốn vệt sâu đánh dấu lúc từ con trai trở thành một người đàn ông, có nghĩa là anh và nhiều người khác bị lực lượng Dinka ở thủ đô Juba nhắm làm mục tiêu.

“Khi bạn có một dấu ấn như tôi đây, thì họ sẽ bắt bạn. Bất kể ngày đêm, nhưng thường việc sát hại xảy ra vào ban đêm, họ sẽ bắt anh và gia đình anh sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa.”

Tại các khu phố bị bỏ hoang khắp thành phố, dấu vết duy nhất của sự sống là những bữa ăn bỏ dở, những cái ghế gẫy, và những đôi giày nằm vất vưởng bên ngoài các căn nhà bằng đất và những cửa hiệu bị cướp phá.

Cư dân ở thủ đô nói những người mang súng xuất hiện vào ban đêm, sau đó là những chiếc xe tải đi nhặt xác chết.

Nằm sõng soài trên một tấm nệm trên nền bụi bặm, Simon nói anh và khoảng 250 người khác đã bị bắt đi một buổi tối vào khoảng 8 giờ, giờ địa phương. Anh nói họ bị đưa tới một tòa nhà cuả cảnh sát trong một khu ngoại ô đông đúc, và trong thời gian hai ngày, đã bị cảnh sát và binh sĩ nhắm bắn qua cửa sổ.

Simon nói anh là một trong 12 người sống sót được sở tình báo quốc gia giải cứu. Anh đã giữ im lặng mặc dầu bị bốn vết thương vì đạn và bị bao quanh bởi các xác chết mục rữa.

Anh Simon nói: “Tôi có cảm tưởng rất xấu. Ðể sống sót, tôi phải lấy xác người che lên mình. Trong hai ngày, mùi xác người bị giết thật là khủng khiếp. Tôi không thể nói nhiều về chuyện ấy.”

Tại một nơi khác trong căn cứ của Liên Hiệp Quốc, một người đàn ông tên là Gatchuak đang dưỡng ba vết thương vì đạn và một cánh tay đang bị băng bó. Anh nói anh là một người sống sót khác cũng trong vụ này.

“Đây là một viên đạn, đây là một viên đạn, và đây cũng là một viên đạn, tay trái của tôi bị gẫy. Tôi là một người dân thường. Chúng tôi bị bắt ở Gudele 1, cùng với khoảng 275 người, chỉ còn lại 12 người chúng tôi. Những người còn lại đã bị giết hết.”

Tuần trước, các toán dân quân sắc tộc thuộc về một chi nhánh bộ tộc Nuer đã xông vào một căn cứ của Liên Hiệp Quốc ở bang Jonglei, giết hai nhân viên gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, làm một người khác bị thương và giết thêm ít nhất 11 thường dân người Dinka khác.

Các đội quân Nuer chiến đấu dưới trướng các tay chỉ huy đào ngũ hay các thủ lãnh chính trị nổi loạn đang ở thế tấn công, chiếm giữ thủ phủ của hai bang trong tuần vừa qua và làm hàng trăm ngàn người phải bỏ chạy vào rừng hay đến các cơ sở của Liên Hiệp Quốc.

Các cơ quan Liên Hiệp Quốc đang chật vật tìm cách cung cấp sự trợ giúp và bảo vệ, theo ông Toby Lanzer, trưởng ban nhân đạo địa phương của Liên Hiệp Quốc.

“Tôi nghĩ một số người cho đến giờ này có thể không nhận thức được rằng sự việc thực sự xảy ra trong tất cả các cộng đồng. Tất cả các cộng đồng đều bị ảnh hưởng vào lúc này, và mỗi người đều đóng một vai trò trong việc bảo đảm mọi người được an toàn.”

Biểu quyết hôm thứ ba của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tăng lực lượng gìn giữ hòa bình lên đến gần 14.000. Nhưng trừ phi đạt được một thỏa thuận chính trị và các nhà lãnh đạo kêu gọi bình tĩnh trong các cộng đồng, thì chẳng bao lâu, Nam Sudan có thể sẽ tự thấy mình bị chia rẽ theo các lằn ranh sắc tộc.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: