Các thuyền nhân thường đi trên những chiếc thuyền chở quá tải và được bảo trì kém

Những người vượt biên bằng thuyền sang Úc để tỵ nạn sẽ không còn được chấp nhận, mà phải chuyển đến Papua New Guinea, theo tuyên bố của thủ tướng nước này, ông Kevin Rudd.

Ông Rudd đã đưa ra các thay đổi lớn về chính sách tỵ nạn trước thềm tổng tuyển cử sắp tới.

Số thuyền nhân xin tỵ nạn tại Úc đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Sau khi có tuyên bố của ông thủ tướng, tin cho hay bạo loạn đã xảy ra tại một trung tâm tạm giữ người tỵ nạn ở Nauru. Hiện chưa rõ hai việc này có liên quan hay không.

“Cảnh sát đã được điều động để đối phó với tình hình bất ổn tại một trung tâm tạm giữ người tỵ nạn ở Nauru,” hãng truyền thông Australia ABC cho biết.

Chưa xác định được nguyên nhân gây ra vụ nổi loạn liên quan 150 người đang bị tạm giữ, ABC nói thêm.

Trong tuyên bố của mình, ông Rudd nói “quyết định cứng rắn” đã được đưa ra để bảo đảm an ninh biên giới. Australia cũng muốn ngăn cản người tỵ nạn đến nước Úc bằng đường biển vốn rất nguy hiểm.

“Đất nước chúng ta không thể dung thứ thêm tình trạng những kẻ buôn người bóc lột người tỵ nạn để rồi bỏ mặc họ chết đuối dưới biển sâu,” ông thủ tướng nói.

‘Không có cơ hội’

Thỏa thuận mới, với tên gọi ‘Hiệp định Định cư trong Khu vực’, đã được lãnh đạo của Úc và Papua New Guinea ký hôm thứ Sáu, 19/7.

Ông Rudd, người vừa thay thế bà Julia Gillard làm lãnh đạo Đảng Lao động sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi tháng trước, đã đưa ra tuyên bố tại Brisbane với sự có mặt của Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill.

“Kể từ nay, bất kỳ thuyền nhân nào đến Úc để xin tỵ nạn sẽ không được tiếp nhận định cư ở Úc nữa,” ông Rudd nói.

Theo thỏa thuận mới, những người mới đến sẽ bị chuyển đến Papua New Guinea, vốn là nước thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về tỵ nạn, để được xem xét và định cư ở đó nếu như đủ tiêu chuẩn tỵ nạn.

Để đủ chỗ cho những người mới đến, một trung tâm thanh lọc người tỵ nạn trên đảo Manus thuộc Papua New Guinea sẽ được mở rộng đáng kể nhằm tăng sức chứa lên đủ cho 3.000 người.

Hiện chưa có giới hạn về số lượng người tỵ nạn mà Úc có thể gửi đến Papua New Guinea, ông Rudd nói.

“Thỏa thuận mới sẽ tạo điều kiện cho Úc giúp đỡ những người thực sự cần giúp đỡ và ngăn chặn những kẻ buôn người muốn lợi dụng luật pháp của chúng ta.”

Luật mới sẽ được áp dụng đối với những thuyền nhân đến Úc từ ngày 19/7, Bộ trưởng Nhập cư Australia Tony Burke cho biết.

Để đổi lại thỏa thuận này, Úc sẽ tăng viện trợ cho Papua New Guinea, trong đó có khoản dành xây một bệnh viện lớn và cho lĩnh vực đại học, báo The Australian cho biết. Báo này không cho thêm chi tiết về chi phí nói trên.

Số lượng thuyền nhân đến Úc đã tăng mạnh trong 18 tháng vừa qua, chủ yếu đến từ Iraq, Iran, Sri Lanka, Afghanistan và Bangladesh. Những người này thường đi qua đường Indonesia rồi từ đó hướng đến Đảo Christmas của Australia.

Những người này thường đi trên những chiếc thuyền chở quá tải và được bảo trì kém. Nhiều chiếc đã chìm trong những tháng gần đây, gây chết người.

Năm ngoái, chính phủ Australia đã tái khởi động một chính sách gây tranh cãi trong đó quy định thuyền nhân đến nước này sẽ bị đưa đến các trại thanh lọc ở Nauru và Papua New Guinea.

Tuy nhiên chính sách này cho đến nay vẫn không có hiệu quả trong việc ngăn chặn thuyền nhân tới Úc, số lượng vẫn gia tăng. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn cũng đã chỉ trích Australia vì điều kiện tồi tệ ở các trại thanh lọc.

Vào cuối ngày thứ Năm 18/7, Indonesia cũng công bố nước này sẽ ngừng cung cấp visa tại cửa khẩu cho người Iran để giúp Úc giải quyết vấn đề thuyền nhân.

‘Quay lưng’

Tỵ nạn là một vấn đề gai góc trong cuộc bầu cử tới ở Úc, theo dự kiến sẽ được tổ chức trước cuối tháng 11.

Lãnh đạo đảng đối lập, ông Tony Abbott, người có vẻ đang thắng thế trước Đảng Lao Động trước khi đảng này thay đổi lãnh đạo, nói chính sách của ông là nếu an toàn thì sẽ bắt thuyền nhân phải quay ngược lại về Indonesia.

Phản ứng về thỏa thuận mới nhất giữa Australia và Papua New Guinea, ông này nói: “Đây là một diễn biến đầy hứa hẹn trong vấn đề thanh lọc tỵ nạn ở ngoại quốc, nhưng nó chỉ nhằm mục đích thanh lọc thuyền nhân chứ không ngăn chặn được nạn tới Úc bằng thuyền, mà đó là điều cuối cùng chúng ta phải đạt được.”

Trong khi đó, nhà vận động nhân quyền David Manne nói Australia đã ký các công ước quốc tế để bảo vệ “những người tìm đến nước mình, chứ không phải đẩy họ tới những hiểm nguy ở một nơi nào khác”.

“Sự thật là Úc chỉ nhận có 0,3% số người tỵ nạn trên toàn thế giới, vậy mà chúng ta đang phải chứng kiến một chính sách không chỉ ngăn chặn những người di trú đến và xin tỵ nạn ở Úc, mà còn đùn đẩy trách nhiệm của chúng ta cho nước khác,” hãng tin ABC dẫn lời ông này nói.

Trong khi đó, điều phối viên khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Graeme McGregor, nói chính sách mới của Kevin Rudd đã đánh dấu “ngày Australia quyết định quay lưng lại với những người dễ thương tổn nhất thế giới, đóng cửa trước mặt họ và ném chìa khóa đi.”

 Theo BBC Vietnamese
binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: