Trong sự nghiệp hơn 25 năm đáo tụng đình trên trường quốc tế, luật sư Paul Reichler nhiều lần ủng hộ kẻ yếu chống lại những quốc gia hùng cường.
hồi năm 2011 – Ảnh: ITLOS |
Tên tuổi của Reichler thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây khi được Philippines chọn làm trưởng nhóm luật sư biện hộ trong vụ kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc tại Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) ở thành phố Hamburg (Đức).
David chống lại Goliath
Nhìn vào hồ sơ sự nghiệp của luật sư Reichler, có thể thấy ông dành gần như cả đời để đại diện nhiều nước nhỏ đối chọi với những nước lớn, chẳng hạn như các vụ kiện Nicaragua chống Mỹ, Mauritius chống Anh và Bangladesh chống Ấn Độ…
Theo báo The Wall Street Journal, ông Reichler từng có chiến thắng đình đám vào thập niên 1980, khi Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại The Hague (Hà Lan) ra phán quyết khẳng định Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế qua việc ủng hộ lực lượng nổi dậy Contra lật đổ chính phủ cánh tả Sandinista tại Nicaragua và gài mìn các cảng của nước này. Dù Nicaragua cuối cùng phải lùi bước do sức ép của Mỹ, nhưng với ông Reichler, chiến thắng trong vụ kiện này đã tạo đà để ông tiếp tục thể hiện năng lực và kinh nghiệm trong hàng loạt vụ kiện kiểu “David chống lại Goliath” sau này, tại cả ICJ cũng như ITLOS. Vào năm 2009, tạp chí The American Lawyer đã mệnh danh Reichler là “Quý ông Tòa án Thế giới” (Mr. World Court), nhờ vào kinh nghiệm và thành tích trên trường quốc tế.
Dấu ấn gần đây của luật sư Reichler chính là vụ Bangladesh giành thắng lợi trước Myanmar trong vụ kiện tranh chấp chủ quyền tại vịnh Tây Bengal. Vào tháng 3.2012, ITLOS đã công nhận tuyên bố chủ quyền của Bangladesh với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tại khu vực trên. Đây là phán quyết cuối cùng trong vụ tranh chấp kéo dài hàng chục năm giữa 2 nước. Theo AFP, căng thẳng đã đẩy 2 quốc gia đến bờ vực đối đầu quân sự vào năm 2008 khi Dhaka cáo buộc Naypyidaw khai thác khí đốt trong vùng biển tranh chấp. Vào thời điểm đó, Myanmar đã điều tàu quân sự hộ tống tàu của công ty Hàn Quốc Daewoo đến khai thác khí đốt tại khu vực cách đảo Saint Martin của Bangladesh 50 km về phía nam. Bangladesh phản ứng bằng cách phái tàu chiến đến khu vực. Năm 2009, Bangladesh quyết định kiện Myanmar ra ITLOS và ông Reichler đã đóng vai trò chủ chốt trong nhóm luật sư đại diện cho Dhaka. Sau chiến thắng vang dội, Bangladesh hy vọng có thể giải quyết tranh chấp tương tự về lãnh hải với Ấn Độ vào năm 2014 và tất nhiên ông Reichler sẽ tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng”.
Tiến trình xét xử “đường lưỡi bò”
Trở lại với vụ kiện “đường lưỡi bò”, vào tháng 1, Philippines đã quyết định nộp đơn kiện Trung Quốc trên cơ sở Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Bắc Kinh là thành viên. Tâm điểm vụ kiện là “đường lưỡi bò” không hề có cơ sở theo UNCLOS, vốn quy định các quốc gia ven biển được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý cùng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, nơi họ được phép đánh bắt thủy sản và khai thác các nguồn tài nguyên dưới biển. ITLOS đã chỉ định 5 thành viên để thành lập tổ trọng tài và ấn định lịch trình xử kiện. Theo đó, hạn chót để Philippines trình bằng chứng liên quan là ngày 30.3.2014.
Theo ông Reichler, các phiên tòa xét xử theo UNCLOS thường kéo dài từ 3 đến 5 năm trong những vụ mà cả hai bên đều tham gia tranh tụng kịch liệt. Với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, trình tự xét xử có thể được đẩy nhanh hơn nếu Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm không tích cực tham gia. Nếu Manila tuân thủ lịch trình, quá trình xét xử có thể kéo dài khoảng từ 6 đến 12 tháng và vụ kiện có thể kết thúc trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm tới.
Về phần mình, luật sư người Mỹ khẳng định ông “không do dự” khi quyết định đấu tranh vì công lý, dù biết sẽ có nhiều lợi ích nếu đứng về phía có ưu thế về sức mạnh và tiền của. Hiện tại, nhóm luật sư của ông Reichler đang thu thập một lượng lớn tài liệu hỗ trợ, bao gồm các bức không ảnh, sơ đồ hải quân, báo cáo thủy văn và nghiên cứu địa lý để chuẩn bị cho vụ kiện. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có phớt lờ một phán quyết bất lợi của ITLOS hay không, ông Reichler cho biết trong 95% vụ kiện mà ông tham gia đại diện, các nước liên quan đều tuân thủ dù không vừa lòng khi thua kiện. Lý do điều này tác động đến danh tiếng, ảnh hưởng và cả những lợi ích từ việc “chơi đúng luật”, và ông tin Trung Quốc sẽ cân nhắc điều này.
Quý ông Tòa án Thế giới
Luật sư Paul Reichler (65 tuổi, ảnh) hiện là đồng chủ tịch phụ trách tranh tụng và trọng tài quốc tế của Hãng luật Foley Hoag LLP có trụ sở ở Washington (Mỹ). Từng tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Tufts trước khi theo học tại Trường Luật Harvard, ông là người đặc biệt có kinh nghiệm trong những vụ tranh chấp biên giới biển và đất liền giữa các quốc gia. Ngoài ra, ông từng gặt hái nhiều thành công khi đại diện các quốc gia trong những vụ tranh chấp với giới đầu tư nước ngoài và làm chuyên gia tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế. Khang Huy |
Trùng Quang – Thanh Niên