Ảnh nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat
Phòng thí nghiệm Thụy Sĩ giảo nghiệm hài cốt, đồ lót và túi du lịch mà ông Arafat sử dụng trong những ngày trước khi ông qua đời tại một bệnh viện ở Paris. Các nhà khoa học kết luận nguyên tố phóng xạ tập trung ở mức không thể nào xuất hiện trong tự nhiên.
Phát biểu trước báo giới hôm thứ Năm tại Lausanne, các chuyên gia Thụy Sĩ cho biết kết quả xét nghiệm không xác nhận mà cũng không phủ nhận chất polonium là nguyên nhân cụ thể gây ra cái chết của ông Arafat, nhưng họ nói thêm có bằng chứng “vừa phải” cho giả thuyết nhà lãnh đạo Palestine 75 tuổi đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ hoạt tính cao.
Các chuyên gia pháp y của Pháp và Nga cũng lấy mẫu từ di hài của ông Arafat vào năm 2012. Moscow nói xét nghiệm không thấy dấu vết của polonium trong khi kết quả phân tích của Pháp vẫn chưa được công bố.
Các quan chức Palestine từ lâu đã cáo buộc Israel đầu độc ông Arafat. Israel vẫn luôn phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong cái chết của ông Arafat và nhắc lại lời tuyên bố này hôm thứ Năm.
Bà góa phụ Suha của ông Arafat đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Palestine đòi lại công lý cho chồng.
Phát biểu từ thủ đô Doha của Qatar hôm thứ Năm, bà nói với phóng viên hãng tin AP rằng chỉ có những nước có khả năng hạt nhân mới có thể tiếp cận được polonium. Bà không nêu đích danh Israel.
Những phát hiện của các chuyên gia Đại học Lausanne được công bố hôm thứ Tư trong một báo cáo 108 trang và được đài truyền hình al-Jazeera đăng lên mạng. Ðài al-Jazeera và bà Suha Arafat đồng ủy thác thực hiện cuộc nghiên cứu.
Ông Arafat ngã bệnh vào tháng 10 năm 2004 và được không vận tới Pháp mấy ngày sau đó sau khi cơ thể ông không có phản ứng với điều trị của một nhóm các chuyên gia y tế ở Trung Đông. Ðầu tháng 11, ông rơi dần vào tình trạng hôn mê sâu và qua đời ngày 11 tháng 11.
Trong một vụ việc riêng biệt và vẫn còn gây tranh cãi xảy ra 2 năm sau đó, các nhà điều tra Anh cho biết cựu điệp viên người Nga Alexander Litvinenko, người đã đào thoát sang London, bị đầu độc trực tiếp bởi chất polonium-210. Lúc hấp hối, Litvinenko nói ông tin nhà lãnh đạo điện Kremlin Vladimir Putin đã ra tay hạ độc ông.
Nga sau đó khước từ yêu cầu của Anh muốn nước này giao nộp nghi can chính trong cuộc điều tra vụ sát hại Litvinenko. Vụ việc vẫn chưa được khép lại.