Hà Nội (NV) .- Nhà cầm quyền Việt Nam sẽ sớm có “chính sách quản lý” các ứng dụng hỗ trợ liên lạc miễn phí qua mạng Internet.

Tại Việt Nam, các ứng dụng nhắn tin, đàm thoại trên điện thoại thông minh như Viber đang bị khoác thêm yếu tố “an ninh”, “chủ quyền” và có thể sẽ bị cấm dùng. (Hình: Internet)

Trong một thông báo phát hành hồi cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ CSVN cho biết, ông Thủ tướng đã giao nhiệm vụ nói trên cho Bộ Thông tin Truyền thông, sau một cuộc họp về giá cước điện thoại quốc tế tại Việt Nam.

Dự tính ban hành “chính sách quản lý” các dịch vụ ứng dụng hỗ trợ liên lạc miễn phí qua mạng Internet, dựa trên đề nghị từ các tập đoàn, công ty viễn thông thuộc nhà nước Việt Nam.

Căn cứ vào một bản tường trình của Google, hãng Reuters cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu người dùng điện thoại thông minh. Các điện thọai thông minh cung cấp nhiều ứng dụng hỗ trợ nhắn tin, đàm thoại qua Internet và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí. Tên nhiều ứng dụng như: Viber, Line, WhatsApp… đã trở thành quen thuộc với hàng triệu người sống tại Việt Nam.

Cách nay vài tháng, đại diện của Viettel – tập đoàn Viễn thông do Quân đội CSVN kinh doanh – tuyên bố, nếu 40 triệu khách hàng của Viettel sử dụng Viber thay vì dùng các dịch vụ gọi điện thoại hay gởi tin nhắn truyền thống, doanh thu của Viettel sẽ giảm 50%.

Không riêng Viettel, những tập đoàn viễn thông khác của nhà nước Việt Nam đã từng công khai “kêu cứu” do bị đe dọa bởi các ứng dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người dùng nhắn tin, đàm thoại hoàn toàn miễn phí, bất kể người đối thoại của họ ở trong hay ngoài Việt Nam.

Theo báo chí Việt Nam, sự phổ biến của các ứng dụng trên điện thoại thông minh trong nhắn tin, đàm thoại khiến mỗi năm, Viettel và MobiFone bị thất thu khoảng 1,000 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thì ước đóan bị mất từ 9% đến 10% doanh thu.

Các tập đoàn, công ty viễn thông thuộc nhà nước CSVN đã vài lần yêu cầu nhà cầm quyền nghiêm cấm việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để nhắn tin, đàm thoại mà không phải trả phí. Thậm chí những ứng dụng nhắn tin, đàm thoại đó còn bị khoác thêm yếu tố “an ninh”, “chủ quyền”.

Hãng Reuters nhận định, những động thái như vừa đề cập có thể làm dấy lên sự lo ngại về việc chế độ Hà Nội tiếp tục gia tăng nỗ lực kiểm duyệt.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là Nghị định 72 của nhà cầm quyền CSVN sẽ có hiệu lực. Nghị định này được xem như bằng chúng mới nhất về nỗ lực bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận khi cấm tất cả các cá nhân dẫn lại những thông tin không phải của họ.

Ngoài những chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nghị định này còn bị nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam lên án là “vi phạm Hiến pháp, pháp luật, các công ước quốc tế”. Những nhân sĩ, trí thức này yêu cầu chế độ Hà Nội phải tu chỉnh nội dung Nghị định và kêu gọi Quốc hội thẩm tra lại tính hợp hiến và hợp pháp của Nghị định 72.

G.Đ

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!